Tiệc tối đã xong. Thức ăn khá ngon, không khí vui vẻ. Tâm trạng phởn phơ hiện rõ trên gương mặt của khách. Mọi người xúm xít quanh chiếc bàn trà hình bầu dục. Câu chuyện nổ ra râm ran.
Căn phòng rộng thênh, thiết kế và trang trí theo lối cổ điển phương Tây. Khách mời được chủ nhân lựa chọn kỹ. Những quý ông lịch thiệp, quý bà đỏm dáng như những con công, nữ trang lấp lánh đầy người. Không khí hao hao giống salon của những quý tộc Pháp thế kỷ XVIII, XIX.
Người đàn ông im lặng nãy giờ… Ông nhìn lướt chung quanh, toàn là những gương mặt quen thuộc. Bỗng ông phát hiện từ hàng ghế thứ hai phía đối diện một gương mặt lạ. Bà không còn trẻ và có vẻ như không cần che giấu tuổi tác của mình.
Một điều lạ! Y phục quá kín và giản dị, trang điểm thì sơ sài. Người đàn bà khiến ông chú ý bởi vẻ thuần khiết không lẫn vào đâu được, khác với những người còn lại trong phòng.
Khách tỏa ra thành từng nhóm nhỏ để giao lưu. Chủ nhân phòng khách, núng na núng nính trong chiếc váy chật căng, đến gần ông: “Anh Biên, đến đây, tôi giới thiệu với anh một thành viên mới”.
Bà đưa ông đến trước mặt người đàn bà lạ: “Đây là nhà văn Sơn Tuyên. Còn đây là chị Bích Ngọc, bạn tôi. Anh tiếp giùm chị ấy nhé”. Bà ta chào hai người, lướt đi, dừng lại nơi này, nơi kia, nói nói, cười cười làm tròn trách nhiệm lịch thiệp của một nữ chủ nhân.
Thoát khỏi đám đông ồn ào, ông cảm thấy bớt ngột ngạt. Người phụ nữ hơi bối rối. “Xin lỗi, tôi ngồi được không?”. “Vâng, ông cứ ngồi…”. Cái giọng Bắc giàu âm sắc và lối xưng hô kiểu cách khiến ông có phần e dè. Ông ngồi xuống, cách người phụ nữ một khoảng tương ứng với lối xưng hô trịnh trọng và xa lạ ấy.
***
Ông là nhà văn. “Nhà văn trẻ”, vì chỉ mới khởi đầu sự nghiệp văn chương vài năm trở lại đây với ba tác phẩm mà ông tự bỏ tiền ra in. Một tập văn xuôi và hai tập thơ. Những cuốn sách của ông ngủ yên trên giá trong nhà sách nhưng lại được tung đi khắp nơi đến tay thân hữu và những người quen với những lời đề tặng. Cái chính là để ông chứng tỏ sự hiện diện của mình.
Quả thế, sau khi sách xuất bản và được giới thiệu, ông được kết nạp ngay vào hội nhà văn tỉnh. Đấy là cơ hội để một người không có nghề nghiệp gì cụ thể như ông bỗng dưng được một nghề cao quý: nghề cầm bút, giúp ông đĩnh đạc bước vào các buổi hội thảo văn học nghệ thuật, các diễn đàn văn hóa, các phòng khách tiếng tăm với tư cách là khách mời.
Ông may mắn hơn người ở chỗ có tài sản, có nguồn tài trợ thường xuyên nên chẳng mấy bận tâm về cuộc sống vật chất. Ông rong chơi bốn mùa, lượn lờ như cánh bướm, bay bổng với những dự định văn chương nhiều khi không tưởng.
Chính cuộc sống lông bông, lãng đãng đó làm cho cuộc hôn nhân đầu tiên của ông bị đổ vỡ. Ông sớm nghiệm ra rằng cuộc sống gia đình bào mòn tinh lực sáng tạo của một nhà thơ. Ông thấy được cái giá tự do đối với người nghệ sĩ. Và ông tự nhủ không dại gì chui đầu vào rọ thêm một lần nào nữa.
***
Cô gái kín đáo quan sát mẹ mình qua cánh cửa sổ để mở bằng đôi mắt của con mèo rình chuột. Đã bao năm qua cô không nhìn bà như thế. Mẹ cô lấy chồng khi còn rất trẻ và bố cô hơn mẹ cô đến mười lăm tuổi. Đó là một người sắc sảo, năng động và đầy quyền uy.
Một biểu tượng của loại đàn ông thành đạt. Người vợ trẻ của ông từ bao năm qua khuôn theo nếp nghĩ, nếp sống của chồng. Cá tính (nếu có) cũng bị bào nhẵn, trở thành một cái bóng nhạt nhòa. Mẹ cô là một người phụ nữ ít nói, ít cười và chẳng hề cáu giận.
Tất cả cảm xúc thu vào bên trong. Đó không phải là tính cách bẩm sinh. Đó là hậu quả của trạng thái tâm lý bị dồn nén lâu ngày.
Cô thương mẹ nhưng sao khó bày tỏ tình cảm với bà. Sợ bố nhưng lại thấy gần gũi. Bố có thể kiên nhẫn ngồi nghe những suy nghĩ lạ lùng của cô. Những lời nói bỗ bã, táo tợn phát ra từ cửa miệng của một cô gái có học, con nhà tử tế khiến ông tròn xoe mắt ngạc nhiên, rồi chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm như đầu hàng.
Không hiểu sao một người đàn ông khó tính, luôn nghiêm khắc với vợ lại tỏ ra quá dễ dãi với đứa con gái duy nhất trong gia đình. Bố cho mẹ một danh vị trong xã hội, một cuộc sống vật chất thừa thãi và hai đứa con ngoan. Ông cũng có lăng nhăng đôi chút nhưng cũng biết giữ gìn để không quá đà làm mất uy tín. Thế là về mặt nào đó, cũng tạm đủ đối với cuộc đời của một người đàn bà.
Ba năm trước bố cô mất đột ngột. Cô không đo được khoảng trống tình cảm mà bố để lại trong lòng mẹ. Cuộc sống của bà hình như chẳng có gì thay đổi. Như con chim bị nhốt trong lồng quá lâu, mất cảm giác tự do.
Đứng bên cánh cửa lồng bỏ ngỏ, nhìn trời xanh mà không vội bay vì còn e ngại. Nhưng dạo sau này, cuộc sống của bà đã có nhiều thay đổi, từ ngoại hình đến sinh hoạt và càng lúc càng rõ rệt. Bà có nhiều mối quan hệ hơn, đó là điều đáng mừng.
Một điều ngạc nhiên hơn nữa là bỗng dưng mẹ cô lại thích văn chương. Ở đâu đó bà có được mấy tập thơ và đọc say mê, chăm chú lắm. Không ngăn được tò mò, cô tìm hiểu và phát hiện một số sách do chính tác giả đề tặng. Lời đề tặng có nhiều ẩn ý, vừa thân mật vừa tình tứ rất đáng nghi ngại.
- Xem thêm: Cuống rốn
Tháng trước, cô tình cờ gặp mẹ đi vào quán trà ở ngoại ô với một người đàn ông lạ. Đó là người có hình in trên bìa sách. Rất may là họ không thấy nhau vì cô cùng với người bạn ngồi bên sảnh này và khuất sau hàng cột.
rông hai người thoải mái, tự nhiên và thân mật. Chắc không phải gặp nhau lần đầu. Mối nghi ngờ biến thành lo ngại. Cô nhờ một người bạn thân làm phóng viên dò hỏi giùm.
Cô biết mẹ tuy lớn tuổi nhưng không phải là người trải đời. Bà có thể mắc bẫy bởi những lời đường mật của loại văn sĩ nửa mùa tài không lắm nhưng mà nhiều tật.
Cô nhìn mẹ tò mò… Bà hay có thói quen ngồi hong tóc trên hàng hiên. Tóc bà hình như được nhuộm và cắt theo một kiểu mới. Thân hình thon thả trong bộ đồ lụa màu hoa bèo. Tóc phất phơ, đài cổ cao nâng khuôn mặt trần vừa tắm gội trông thanh thoát lạ.
Cuốn sách để mở trên bàn nhưng bà không đọc. Nắng chiều len qua kẽ lá tạo thành một quầng sáng rực rỡ trên tóc. Ở tuổi này, lần đầu tiên cô phát hiện ra mẹ mình là một người đàn bà đẹp. Ánh mắt không đậu vào đâu và nụ cười bâng quơ ủ kín một niềm hạnh phúc bí ẩn nào đó ở bên trong khiến khuôn mặt bà bừng sáng như một đóa hoa.
***
Người đàn ông và cô gái ngồi trên hai chiếc ghế vải dưới tán của chiếc dù lợp lá. Những chiếc dù rải rác trên bãi tắm trông xa như những cái nấm lớn. Ông thấy rạo rực, không chỉ vì nắng, vì gió, vì khoảng xanh lồng lộng ngút mắt ngoài kia mà cả vì ngọn lửa toát ra từ cô gái bên cạnh. Cô ngả người ra ghế khiến thân hình mảnh dẻ của cô như vươn dài thêm.
Chiếc quần shorts vải jeans hơi ngắn để lộ cặp đùi nâu mịn, thẳng tắp. Hai dây áo màu đen xinh xinh, nhỏ đến mức khoe hết vẻ đẹp của đôi vai trần và hai cánh tay thon, săn chắc. Mái tóc vàng lòa xòa vì gió và cặp kiếng đen to bè che gần kín cả khuôn mặt.
Họ chỉ mới gặp nhau một thời gian nhưng phải thừa nhận cô gái có sức hấp dẫn không thể chối từ. Không chỉ vẻ thanh tân của cô thổi bùng bản năng sống của người đàn ông trung niên mà cả tính cách của cô nữa. Lần đầu tiên họ gặp nhau là ở một quán bar.
Cô ta đung đưa đôi chân dài miên man của mình trên chiếc ghế cao nghệu trong tiếng nhạc xập xình. Mái tóc vàng như bờm sư tử và đôi giày đỏ rực. Cách ăn mặc và uống bia bụi bặm của cô khiến ông tò mò. Bất ngờ cô quay sang và như chợt nhận ra: “Ông là nhà văn Sơn Tuyên?”.
Cô gái trẻ bắt chuyện một cách tự nhiên. Hình như cô muốn tỏ cho ông biết là cô đọc khá kỹ tác phẩm của ông. Một fan hâm mộ chính hiệu. Nhưng kinh nghiệm lại cho ông cảm giác văn chương là lĩnh vực mà cô gái này chẳng hề lưu tâm đến. Từ hôm đó cô gái tìm cách liên hệ với ông.
Ông không biết cô gái thích gì ở ông? Cái mác văn sĩ? Sự từng trải ở một người đàn ông (một cái mốt thời đại)? Hay là tiền? Cũng không phải. Chắc chắn là một cô gái có học. Ông biết thế. Cô ăn mặc bụi bặm nhưng sang trọng và rất có gu.
Cô không hề có ý moi tiền của ông. Một vài lần cô chủ động mời ông vào những nơi sang trọng, trả tiền thoải mái và còn hào phóng boa cho nhân viên phục vụ với vẻ tự tin và ngạo nghễ.
Sự bí ẩn khiến cô trở nên vô cùng hấp dẫn. Nói theo thuật ngữ văn chương đó là một nhân vật đa tính cách. Và điều ấy càng khiến ông tò mò, càng muốn khám phá.
Cô gái lấy kiếng ra, mắc vào ngực áo, nhìn ông bằng ánh mắt tinh nghịch, dò hỏi: “Này anh, người ta bảo đám nhà văn, nhà thơ các anh luôn vẽ vời những điều không thực”.
– Nếu viết như thực thì ai đọc. Như thực mà không phải thực. Cái ấy gọi là hư cấu. Không có trí tưởng tượng phong phú thì không thể làm được.
– Khó hiểu thật!… Vậy cuộc sống của một nhà thơ có gì khác so với người thường?
– Họ sống sâu hơn, tâm hồn tinh tế và bay bổng hơn.
– Vậy hả? Tò mò quá… Tự nhiên lại muốn thấy tận mắt nơi ở, nơi làm việc của anh.
Chao ơi, con gái thời nay sao mà bạo dạn quá! Lời đề nghị đột ngột của cô gái làm ông vừa ngạc nhiên, e dè nhưng cũng có phần thích thú. Phụ nữ cũng có một số theo ông, còn ông chỉ lượn lờ văn nghệ thế thôi. Nhưng đến giai đoạn này, bỗng dưng ông từ bỏ nguyên tắc sống bấy lâu, liên hệ cùng lúc với hai người mà người nào ông cũng dành cho họ tình cảm thực sự.
Không hiểu sao ông có thể yêu (không biết từ này có đúng không nhỉ) một lần hai người phụ nữ khác nhau đến thế. Người kia lớn tuổi nhưng lại là một kiểu đàn bà – trẻ con. Ông thích bà ở chỗ không biết diễn kịch và đeo mặt nạ.
Điều ấy thời nay hiếm. Mọi cái đối với bà đều tinh khôi, mới mẻ. Bà là một bà góa còn xuân sắc và có tiền nhưng ông chẳng mảy may có ý lợi dụng. Họ nuôi dưỡng mối quan hệ bằng những cảm xúc lãng mạn. Điều này giúp họ quên đi tuổi tác, hoàn cảnh thực sự của mình. Họ cần nhau vì người này giúp người kia tìm lại thời gian đã mất.
Cô gái ông thích lại mang đến cho ông một cảm giác khác. Nếu người phụ nữ là cái giếng trong có thể nhìn tận đáy thì cô gái là một thứ linh miêu với đầy đủ cả móng vuốt. Cô tràn trề sinh lực. Ngây thơ một cách hoang dã, táo tợn mà không hề dung tục.
Cô cố làm ra vẻ trải đời nhưng ông lại đọc được trong cô sự hồn nhiên của một đứa trẻ quen thói được nuông chiều. Đôi lúc ông có cảm giác cô gái biết ông rất rõ, cô chủ động và điều khiển ông, còn ông thì chẳng biết gì về cô ngoài một cái tên và một nghề nghiệp được giới thiệu một cách mơ hồ. Ông tự tin vào cái duyên ngầm của một người đàn ông từng trải.
Ông chỉnh chu từng chi tiết về ngoại hình, cố tạo ra một phong cách trẻ trung, năng động, để ăn gian năm, bảy tuổi chỉ mong thu ngắn được chừng nào hay chừng nấy khoảng cách tuổi tác giữa hai người.
– Em đến thăm anh được không? Có ngại gì không?
– Em cứ lại chơi. Hân hạnh quá chứ. Có gì mà ngại.
– Vậy hả. OK. Rảnh em sẽ đến.
Bên cô, ông quên mất người phụ nữ. Chao ôi! Làn da nâu mịn, căng bóng thế kia, chạm tay vào chắc sẽ mềm như lụa… Cô gái cúi xuống nhặt chiếc mũ rơm vừa rơi. Khuôn ngực tròn trĩnh, săn chắc phô ra qua cổ áo rộng trễ tràng…
Rồi cô ngước nhìn ông. Chiếc miệng rộng, khóe môi cong cong he hé cười để lộ hai chiếc răng cửa sáng bóng vừa đáng yêu, vừa hấp dẫn. Ông ngồi lặng im… mơ tưởng. Máu chảy giần giật, sự sống cựa quậy trong ông.
Mắt mơ màng, môi phảng phất nụ cười háo hức, mãn nguyện như sắp được thưởng thức một bữa ăn ngon… Cô gái kín đáo quan sát ông qua cặp kiếng vừa mang bằng đôi mắt của con mèo rình chuột. Cô cũng cười, một nụ cười tinh quái đầy ẩn ý mà ông mải vui nên không hề để ý.
***
Nhận được tin nhắn của người đàn ông, bà ngạc nhiên lắm. Thời gian qua họ thường nói chuyện trực tiếp. “Tôi bị ốm. Tôi muốn gặp Ngọc 4g30 chiều nay tại nhà. Tôi có chuyện quan trọng cần nói”. Một vài lần ông cũng ngỏ ý mời bà về nhà chơi nhưng bà ngại.
Hồi mới quen nhau cũng có nhiều tiếng xầm xì về quá khứ và tính cách của ông. Dần dà, sự chân thành và tình cảm của ông xóa hết mọi nghi ngại trong lòng bà. Quen ông, bà như được tiếp thêm sức mạnh, vượt qua ngưỡng của nếp sống cũ, bước vào một thế giới mới. Bà vỡ ra nhiều điều.
- Xem thêm: Nếu và thì
Phụ nữ đâu chỉ biết phục tùng mà ở tuổi nào cũng có quyền được sống. Đợi chờ, hò hẹn, những lời khen tặng, những nhành hoa, những điều quá đỗi bình thường đối với tất cả mọi người, thì với bà nó có giá trị hơn cả những món nữ trang đắt tiền mà bà có thể bỏ tiền ra mua bất cứ lúc nào, nhìn ngắm một chút rồi cất vào hộp vì chẳng mấy khi dùng đến.
Bà sống với những cảm xúc mới mẻ có được, không hề nghĩ đến điều gì xa hơn. Cái chính là họ hiểu nhau. Người này vui vì làm người kia vui. Ở hoàn cảnh bà, ở tuổi bà còn gì ý nghĩa hơn là niềm vui. Bà bật dậy ra khỏi giường, lật đật thay quần áo.
Bà nhớ lời ông nói: “Có những giới hạn trong đời mà mỗi người phải vượt qua. Và rồi mọi sự sẽ trở nên dễ dàng”. Gót giày của bà gõ những bước mạnh mẽ xuống cầu thang gác.
Một dãy hành lang chung cư với những căn hộ nối tiếp. Phần lớn cửa đóng. Gần đến căn hộ của ông, bà kìm chân, bước chậm. Hồi hộp, ngần ngại, phân vân. Thăm người ốm, đó là lý do chính đáng khiến bà mạnh dạn tiếp bước.
Căn hộ cửa đóng nhưng cửa sổ vẫn mở. Chưa vội bấm chuông, bà nhìn qua tấm rèm bằng sa mỏng. Bà giật mình. Ông đang ngồi trên salon cùng với một người, lưng quay về phía cửa sổ. Một phụ nữ. Có lẽ một cô gái.
Họ ngồi sát, chụm đầu vào nhau cùng xem cái gì đó. Trống ngực bà đập loạn xạ, chân tay bủn rủn… Ông nói gì bà nghe không rõ, chỉ có tiếng cười trẻ trung vỡ ra giòn tan, trong vắt. Rồi một thoáng yên lặng. Họ nhìn nhau. Đôi cánh tay trần của cô gái vươn ra như chiếc vòi quấn lấy cổ ông…
Bản năng của con thú bị thương cố tránh phát đạn kế tiếp, bà bước giật lùi, quay ngoắt lại rồi lao vào thang máy chạy trốn như bị ma đuổi. Bước xuống taxi, đôi chân rã rời của bà lần được đến trước cổng nhà. Chiếc cổng sắt rít kèn kẹt trong cái tĩnh lặng của khu vườn.
Tiếng gót giày gõ khẽ trên lối đi. Tiếng khóa cửa lách cách. Con gái bà vẫn chưa về. Bà đi vội qua phòng khách rộng. Bức hình bán thân của người chồng quá cố trên tường. Phốp pháp, bệ vệ, đôi mắt long lanh nhìn bà như kiểm tra, dò hỏi.
Như thói quen, bà cúi mặt tránh ánh mắt lạnh như thép ấy, bước vội lên cầu thang. Bà ngồi xuống giường chưa kịp hiểu điều gì đã xảy ra, đầu trống rỗng và cảm giác có gì đó vừa vỡ vụn. Rồi bà từ từ nằm xuống.
Khu vườn rộng, tách biệt hẳn với chung quanh, im ắng khác thường dường như chẳng còn dấu hiệu của sự sống. Mảng nắng cuối cùng còn sót lại nhạt dần. Ngoài kia, chiều đang lên. Bà cứ nằm như thế, im lặng cùng với bóng tối vây quanh…
***
Người mẹ vẫn ngồi yên, có đến hàng giờ bà vẫn ngồi yên như thế. Cô gái lặng lẽ quan sát mẹ mình qua khung cửa để ngỏ. Thân hình vốn mảnh của bà gầy tọp hẳn, như bơi trong bộ áo rộng thùng thình. Cặp má hóp, mép môi trễ xuống buồn rầu, những đường nét trên khuôn mặt gấp khúc, nhọn hoắt. Đôi mắt trống rỗng, đờ đẫn nhìn vào khoảng không.
Làm sao chỉ trong thời gian ngắn một con người lại có thể thay đổi dường ấy! Cô bỗng nhớ lời Điền: “Người già cũng có tình yêu của người già. Chúng ta không hiểu được đâu. Yêu muộn thường mãnh liệt vì họ đang chạy đua với thời gian…”.
“Yêu với đương gì ở cái tuổi ông nội, bà ngoại. Chỉ là lợi dụng nhau cả thôi. Chẳng đem lại gì ngoài tai tiếng. Cậu cứ thế mà làm…”. “Cậu nghĩ lại đi. Làm thế có nhẫn tâm quá không?”. “Thuốc đắng dã tật. Không còn cách nào khác…”.
Cô nhìn mẹ. Bà như già sụm đi cùng với chiếc lưng còng xuống dưới một sức nặng vô hình. Sức sống bị rút đi đâu hết, bà rỗng như một cái xác ve. Chao ơi! Trước mắt cô là hình ảnh thảm hại của một kẻ bại trận.
Cô rơi vào tâm trạng hoang mang, âm ỉ trong lòng một niềm xót thương, ân hận. Đã bao năm qua cô dửng dưng bên lề cuộc sống của mẹ. Rồi đến một lúc nào đó, bỗng dưng cô nhảy xổ vào nhân danh điều này điều nọ phá hỏng mọi thứ.
Cô bóp chết khát vọng sống, tước đoạt niềm vui nhỏ nhoi của một con người chưa bao giờ biết thế nào là tình yêu, hạnh phúc. Rồi đây bà sẽ sống như thế nào với nỗi ám ảnh về hai người đàn ông mà bà gặp trong đời…
Cô gái rưng rưng nhìn mẹ. Bà vẫn ngồi đó. Im lìm như tượng đá trong bóng hoàng hôn…
– Tháng 9-2012