Làn sóng Covid-19 thứ hai và khuyến nghị giãn cách xã hội lại giáng thêm một đòn nặng nề vào những doanh nghiệp nước uống và thực phẩm (F&B) vốn chưa kịp phục hồi từ đợt khủng hoảng trước. Online, đa kênh hay chuyển đổi số là những gì đang được đề cập đến nhiều như một lối thoát hiểm cho các doanh nghiệp vào thời điểm này.
“Online hay là chết”
Cùng với một số ngành dịch vụ khác, F&B là ngành đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh khi hành vi mua hàng của người tiêu dùng dần thay đổi. Nhu cầu ăn uống tại nhà được ưu tiên nhiều hơn nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước đây, phần lớn doanh thu của các doanh nghiệp F&B đến từ offline (ngoại tuyến), trong khi doanh thu online (trực tuyến) có tỷ trọng thấp hoặc chưa được triển khai. Tác động của dịch Covid-19 cùng với việc thay đổi hành vi người tiêu dùng đã buộc các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức kinh doanh.
Nếu ở lần giãn cách xã hội đầu tiên, từ những hàng quán nhỏ lẻ cho đến các chuỗi F&B tầm cỡ đều lựa chọn chuyển hướng kinh doanh từ offline sang online, thì khi đợt dịch thứ hai bùng phát, cuộc chạy đua bán hàng đa kênh trên các nền tảng trực tuyến càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Ngay từ khi đợt dịch thứ hai còn chưa ập đến, Việt Nguyễn, chủ của chuỗi bánh mì và cà phê Lê La, đã thiết lập một kênh riêng cho việc đặt hàng online trên Facebook đối với các sản phẩm bánh mì và thực phẩm đóng gói của mình. Tại fanpage có tên Bánh mì Lela Ship, Việt Nguyễn cho cập nhật thường xuyên các thực đơn phong phú của chuỗi cửa hàng, đi kèm với đó là các chương trình khuyến mãi hàng tuần để khuyến khích khách mua hàng. Ngoài ra, Bánh mì Lê La còn có những ưu đãi riêng chỉ áp dụng đối với khách đặt hàng qua Lela Ship.
Tốc độ chuyển đổi và chất lượng dịch vụ sẽ quyết định doanh nghiệp nào vững vàng và trụ lại được cho đến cuối cuộc chơi. Việc đầu tư để mang đến một sự trải nghiệm online đủ tốt dành cho khách hàng sẽ thúc đẩy họ tiếp tục hành vi mua sắm trực tuyến ngay cả khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, với những món ăn nóng hoặc cầu kỳ trong chế biến, việc vận chuyển đi xa sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng món ăn và là một thách thức đối với doanh nghiệp.
“Chất lượng món ăn là yếu tố tiên quyết. Do đó, khi chuyển sang hình thức giao hàng tận nhà, chúng tôi đã lên danh sách những món ăn phù hợp và nghiên cứu cách chế biến mới giúp món ăn giữ chất lượng tốt nhất trong vòng 30 phút”, bà Nguyễn Thị Kim Bình, bếp trưởng của Nhà hàng Luk Lak (Hà Nội), chia sẻ.
Quy trình cho một món ăn giao tại nhà của Luk Lak, từ khi khách đặt hàng đến khi chế biến và đóng gói xong là 15-30 phút tùy từng món, sau đó được giao đi luôn. Luk Lak cũng khuyến khích khách hàng đặt trước một giờ để đảm bảo chất lượng dịch vụ và vị tươi ngon khi đến tay khách.
“Chúng tôi cố gắng duy trì chất lượng đồ ăn tối đa, thậm chí ngon hơn, sáng tạo hơn so với bình thường. Nếu như trong thời gian giãn cách, doanh thu của chúng tôi giảm 70%, thì sau khi áp dụng hình thức giao tại nhà, doanh thu đã dần quay trở lại và đạt mức 70% so với khi chưa có dịch”, bà Bình cho biết.
Trong khi đó, để đảm bảo món ăn vẫn thơm ngon, nóng sốt khi chuyển đến khách hàng, Bánh mì Lê La của Việt Nguyễn chú trọng vào việc lựa chọn đồ đóng gói phù hợp với từng dòng sản phẩm. Đối với bánh mì kẹp, Lê La sử dụng túi giấy các – tông mỏng để đảm bảo bánh có khả năng thoát hơi, không làm mềm, xìu bánh khi tới tay khách hàng. Bánh mì chảo, bánh mì sốt vang, bánh mì phá lấu… sẽ được Lê La đựng trong bát cách nhiệt có nắp kín không thoát hơi. Cho tới lúc khách mở ra, mọi thứ vẫn còn nóng hổi và giữ nguyên hương vị như ăn tại cửa hàng.
Bên cạnh việc hoạt động online thông qua các ứng dụng giao hàng như Grab, Now, Ahamove… Lê La cũng có đội ngũ shipper riêng để có thể giao hàng ngay lập tức với chi phí rẻ, cố định, không ảnh hưởng nhiều đến giá thành món ăn mà khách đặt.
“Lượng khách hàng buổi trưa đặt món ăn của chúng tôi tăng lên 50% so với thời gian trước, chủ yếu là dân văn phòng. Tôi cũng bớt lo lắng hơn khi chuỗi cửa hàng ít khách ngồi lại”, anh Việt Nguyễn chia sẻ.
Sau cơn mưa trời lại sáng?
Cách ly xã hội đã khiến cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng trở nên thích nghi với hình thức giao dịch mới: “phục vụ tại nhà”. Tuy nhiên hình thức này vẫn gặp phải những khó khăn nhất định, khi mà trải nghiệm tại nhà hàng và nhu cầu được phục vụ, được giao tiếp vẫn là những yếu tố tác động đến sự lựa chọn của khách.
Một cuộc khảo sát mới đây của VIPinsiders, một công ty cung cấp giải pháp tiếp thị số cho các nhà hàng, được thực hiện trên nền tảng Facebook với 8.511 người tham gia trong vòng 24 giờ, cho thấy các thực khách vẫn “nhớ nhung” bầu không khí khi dùng bữa tại nhà hàng, mặc dù việc sử dụng ứng dụng đặt món online đang trở thành xu thế.
- Xem thêm: Nhộn nhịp hàng online
Dịch Covid-19 là nguy cơ, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp F&B, những người đang dồn toàn lực đẩy mạnh kênh bán hàng online để có thể trụ lại được qua giai đoạn cách ly và hậu cách ly. Tốc độ chuyển đổi, chất lượng dịch vụ và trải nghiệm online cho khách hàng sẽ quyết định ai là người “sống sót” cuối cùng khi khủng hoảng qua đi.
“Phải chuyển mình cho phù hợp với thị trường là điều tất yếu để tồn tại thôi. Khi bạn làm chủ, tự động mọi giải pháp sẽ phải được nghĩ ra khi cần. Chỉ có như thế bạn mới vượt qua được đại dịch kinh khủng như hiện nay”, anh Việt Nguyễn chia sẻ thêm.