Công nghệ thực tế ảo được ngành du lịch ứng dụng làm phương tiện quảng bá và hấp dẫn du khách, với hi vọng sau đại dịch, khách hàng sẽ nhớ và đến thưởng ngoạn.
Ngành du lịch toàn cầu năm 2020 đang điêu đứng vì dịch bệnh. Viễn cảnh phục hồi trở lại như thời gian trước khi xảy ra đại dịch được dự đoán kéo dài vài năm. Mặc dù một số nước đã tuyên bố tạm thời khống chế được tốc độ lây lan của virus, và khởi động lại một số hoạt động du lịch gần đây, nhưng có vẻ những đợt bùng phát dịch mới lại đang khiến các hoạt động du lịch này, dù chỉ diễn ra nội địa hoặc nội khối, phải tạm ngưng một lần nữa. Các điểm đến và nhiều nhà cung cấp dịch vụ liên quan đang phải tận dụng nhiều công nghệ trong đó có công nghệ thực tế ảo nhằm giữ chân du khách ở lại với những thương hiệu, tên tuổi của mình.
Công nghệ thực tế ảo chủ yếu dùng tạo video mang hình ảnh thực tế ảo không mới. Khi Google đưa các công nghệ quan sát đường phố và các công nghệ chụp hình góc rộng ra thị trường, nhiều điểm đến du lịch đã số hóa, hình ảnh hóa các điểm thu hút khách đưa lên kho lưu trữ hoặc website để cung cấp cho khách những thông tin và hình ảnh thiết thực hơn về điểm đến, như một lời mời gọi mọi người đến thăm.
Công nghệ thực tế ảo, thường được thực hiện thành các video hoặc hình ảnh tạo hiệu ứng, như không gian ba chiều, không ảnh, ảnh rộng, ảnh 360 độ kết hợp với hình ảnh chi tiết, biên tập thành những đoạn video mang đến cho người xem một cảm giác như đang được trực tiếp đến nơi, chạm vào vật thể thật, nghe hướng dẫn viên trực tiếp kể chuyện. Đây là cách mà nhiều nhà khai thác du lịch, cũng như nhiều bảo tàng nổi tiếng trên thế giới đang dùng để hấp dẫn du khách trong mùa dịch.
Những tour thực tế ảo này do chính những đơn vị kinh doanh thực hiện, hoặc là dự án lưu trữ và giới thiệu các sản phẩm văn hóa, di sản, khảo cổ do các chuyên gia, các nghệ sĩ làm nên. Ngoài ra một số app về du lịch, bản đồ, đường phố, nghệ thuật và văn hóa của Google cũng được kết hợp, mang đến cho người xem một kênh giải trí mới trong thời gian bị hạn chế đi lại do những biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch áp dụng mọi nơi. Đặc biệt nó hoàn toàn miễn phí.
Tại Việt Nam, từ năm 2015 National Geographic đã thực hiện một dự án Sơn Đoòng 360 nhằm bảo tồn hang động dưới dạng kỹ thuật số, và tư liệu này cũng được sử dụng cho mục đích quảng bá du lịch thông qua video tour thực tế ảo hiện nay.
Các tour du lịch thực tế ảo
Khi đại dịch lan rộng và hoạt động thăm quan bị gián đoạn, rất nhiều điểm đến đã chọn cách thu hút du khách bằng cách cho phép khách tiếp cận các điểm đến tại bằng những tour thực tế ảo, tập trung nhiều nhất là những điểm đến nổi tiếng ở châu Âu.
Tại Pháp, bảo tàng Lourve, một trong những bảo tàng đông khách nhất thế giới đã cho phép khách được chiêm ngưỡng bộ sư tập đồ cổ châu Phi và một số khu vực nhất định trong của bảo tàng. Trong khi đó tại tháp Eiffel, khách được đưa lên đến đài quan sát của ngọn tháp cao 324m, tìm hiểu không chỉ riêng lịch sử xây dựng của tháp, nhưng còn nhìn ngắm toàn bộ không gian phía trên đô thị. Trải nghiệm như đang ngồi trên trực thăng ngắm ngọn tháp sừng sững giữa thành phố cũng được kèm theo.
Tại Ý, bảo tàng Vatican cho phép khách trải nghiệm nhà nguyện Sistine với bức tranh trần Ngày phán xét nổi tiếng của Michelangelo, còn hí trường Colosseum cũng đưa toàn bộ công trình nên không gian ba chiều. Tại Hà Lan, hơn 600 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có những bức Hoa hướng dương hoặc Căn nhà màu vàng và hơn 700 lá thư của Van Gogh cũng được Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam cho phép du khách ở bất cứ nước nào trải nghiệm.
Bảo tàng Guggenheim tại Tây Ban Nha thì cho phép người xem được tiếp cận toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật đương đại, cũng như kiến trúc bảo tàng. Bảo tàng Anh, một trong những bảo tàng đầu tiên trên thế giới, cũng như Bãi đá cổ Stonehenge cũng có những tour thực tế ảo độc đáo riêng.
Tại châu Mỹ, nhiều bang tại nước Mỹ cũng đưa ra nhiều tour tại các công viên quốc gia như Yellowstone, Yosemite, và vườn thú San Diego cho dù những nơi này vẫn mở cửa nhận khách. Bảo tàng nghệ thuật đương đại tại New York, cho phép du khách tiếp cận các bộ sưu tập nghệ thuật đương đại, trong đó có những bức nổi tiếng như Những bông hoa súng nước của Claude Monet, Đêm đầy sao của Van Gogh hay Những cô nàng ở Avignon của Pablo Picasso.
Tại Peru, thành Machu Picchu, nằm trên dãy Andes, cao hơn 2400 mét so với mực nước biển, được xây dựng vào năm 1450 trước công nguyên, khi mà chưa có xe thồ hay thiết bị vận chuyển nào đưa được những hòn đá khổng lồ lên trên đỉnh đồi cũng được số hóa. Tượng Chúa Kitô Cứu Thế tại Brazil cũng góp có mặt trong danh sách.
Quần thể kim tự tháp nổi tiếng Giza của Ai Cập đại diện cho một trong những tour ảo ở châu Phi. Tour thực tế ảo tạo một cảm giác cho hành khách như đang đi dạo quanh khu vực, ngắm những công trình xây dựng từ hơn 4.500 năm trước, đặc biệt là hai kim tự tháp quan trọng nhất và lớn nhất trong quần thể là Great Pyramid và Pyramid of Khafre cũng như tượng Sphinx nằm phía đông của khu vực.
Tại châu Á, một số tên tuổi như đền Taj Mahal của Ấn Độ và vạn lý trường thành của Trung Quốc cũng được số hóa và tạo hiệu ứng mang cho người xem. Nhưng ấn tượng nhất có thể coi là Angkor Wat, với biệt thành phố của những ngôi đền tại Campuchia. Tour mang du khách đến một trong những quần thể tôn giáo lớn nhất thế giới, với nguồn gốc ban đầu được xây dựng như một quần thể đền Hindu giáo nhằm vinh danh thần Vishnu từ những năm nửa đầu thế kỷ 12, nhưng sau đó được chuyển thành trung tâm thờ tự của phật giáo vào nửa thế kỷ sau đó.
Người xem được đến rất nhiều ngôi đền nhỏ, tận mắt chiêm ngưỡng chi tiết các kiến trúc trong quần thể, như năm ngọn tháp chính của Angkor Wat, sa thạch hồng Banteay Srei và Ta Prohm (bối cảnh trong bộ phim Lara Croft: Tomb Raider năm 2001). Trải nghiệm mang đến cho người xem một cái nhìn về một đô thị từng tồn tại vào thế kỷ 13, do chính do các nhà khảo cổ học, sử học và nghệ sĩ công nghệ mô phỏng bằng hình ảnh thực hiện.
Khi người dân dành thời gian ở nhà nhiều hơn vì dịch bệnh, số lượng truy cập mạng internet và tìm thông tin trên các nền tảng số tăng mạnh, khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải tìm cách đưa sản phẩm của mình đến với du khách thông qua kỹ thuật số. Mục đích chính là tăng tỉ lệ nhận diện thương hiệu của công ty, điểm đến cũng như khả năng bán được sản phẩm sau mùa dịch.
Không chỉ các công ty tour tuyến, điểm tham quan, chính các khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay các hãng máy bay cũng tận dụng công nghệ này, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn đến cho du khách một khi bệnh dịch qua đi.