Với một thị trường lao động đang gặp nhiều khó khăn và chủ trương không khuyến khích lao động nước ngoài ở Singapore, nhiều công ty ở đây đang tập trung phát triển nguồn nhân lực từ nội bộ để đáp ứng cho nhu cầu trong tương lai. Họ làm điều đó như thế nào trong bối cảnh mà đầu tư cho đào tạo không phải là một ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp tại đảo quốc này cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới?
“Trong thế giới không ngừng thay đổi hiện nay, các công ty cần xem trọng việc cử nhân viên tham gia các khóa đào tạo thường xuyên cũng như các chương trình phát triển chuyên môn. Chúng tôi tin rằng đào tạo là một việc làm không thể thiếu nhằm đảm bảo sự thành công của khách sạn chúng tôi”, Isis Ong, Trợ lý giám đốc đào tạo và phát triển của Khách sạn Singapore Marriott Hotel, chia sẻ quan điểm của mình.
Lee Chay Hoon, Tổng giám đốc phụ trách phát triển tổ chức của Keppel Offshore & Marine đồng tình: “Đằng sau những thành tựu mà chúng tôi có được trong những năm qua là đội ngũ nhân sự có năng lực và tận tâm với công việc. Chúng tôi xem nguồn nhân lực là nền tảng để phát triển bền vững trong tương lai và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nguồn vốn nhân lực của mình”, Lee tự hào cho biết.
Đối với không ít doanh nghiệp thì việc phát triển nguồn nhân lực không phải là một ưu tiên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang đi xuống và đa số các công ty phải khó khăn lắm mới có thể tồn tại như giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nếu các công ty không đầu tư cho nhân viên thì khả năng họ bỏ việc sẽ rất cao.
“Đào tạo và phát triển nhân viên là một hoạt động rất đáng để các công ty đầu tư vì những nhân viên được đào tạo sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để xử lý công việc của họ tốt hơn, giúp họ thỏa mãn hơn trong công việc, từ đó làm với năng suất cao hơn”, Charlene Ang, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh nội địa tại Singapore của TÜV SÜD, một tổ chức đào tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật hàng đầu của Đức, giải thích.
Theo Ang, khi được tham gia các khóa đào tạo, nhân viên có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo để giải quyết các vấn đề hiện tại của tổ chức. Khi có cơ hội học hỏi các kỹ năng mới và tương tác với các đồng nghiệp khác nhau, nhân viên sẽ tạo ra tác động trực tiếp lên năng suất và sự phát triển của môi trường làm việc.
“Nhưng các công ty không nhất thiết phải tổ chức các khóa đào tạo tốn kém hay kéo dài quá nhiều ngày. Thực tế cho thấy đào tạo dưới hình thức các buổi hội thảo, các chương trình huấn luyện chéo giữa các bộ phận, phòng ban trong nội bộ công ty cũng có thể đem lại hiệu quả rất cao”, Ang khuyên.
Tại Khách sạn Singapore Marriott, các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo nội bộ và bên ngoài. “Chúng tôi sử dụng các chương trình đào tạo nội bộ để củng cố văn hóa của Mariott cũng như chia sẻ triết lý và các chính sách kinh doanh nền tảng của chúng tôi với nhân viên. Các chương trình này giúp tất cả nhân viên có cùng những mục tiêu và định hướng kinh doanh chung của tổ chức”, Ong chia sẻ.
Một lợi ích mà Mariott đã nhìn thấy được từ các hoạt động đào tạo là không những cải thiện được hiệu quả làm việc mà còn trao thêm quyền cho nhân viên để họ làm việc độc lập hơn, ít cần đến sự giám sát hơn.
Mariott chỉ cử nhân viên ở cấp quản lý tham gia các khóa phát triển chuyên môn do các đối tác bên ngoài tổ chức với mục đích giúp họ trở thành những tấm gương cho nhân viên với phong cách lãnh đạo chuyên nghiệp và sự nhạy bén trong kinh doanh.
“Gần đây chúng tôi đã cử một nhóm 32 cán bộ quản lý tham gia một khóa đào tạo có chủ đề “Quản trị sự thay đổi”. Qua khóa học này, họ hiểu rằng các nhà quản lý có thể trở thành những nhân tố tích cực để tạo ra sự thay đổi cho tổ chức và biết cách ứng xử với nhiều loại phản ứng với sự thay đổi khác nhau”, Ong chia sẻ.
Với những công ty có nguồn ngân sách hạn hẹp, vẫn có nhiều hình thức khác để đào tạo và phát triển nhân viên. Đào tạo tại chỗ, một hình thức học từ công việc là một ví dụ. Với hình thức này, nhân viên có thể học và ứng dụng ngay kiến thức vừa học vào công việc một cách hiệu quả.
Hay đơn giản hơn, việc phát triển chuyên môn còn có thể được thực hiện qua các khóa học 15 phút như trường hợp của Marriott. Các nhân viên của khách sạn này tham gia các khóa học ngắn như vậy mỗi ngày trước khi bắt đầu làm việc. Giảng viên thường là cán bộ quản lý của khách sạn.
Điều đáng ghi nhận là những công ty đầu tư cho đào tạo và phát triển nhân viên đều nhìn thấy được những giá trị và lợi ích thực tiễn từ hoạt động này. Chẳng hạn, Keppel Offshore & Marine đã chi ra khoảng 12 triệu USD cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhân viên toàn cầu.
- Xem thêm: Khởi nghiệp và chuyện nhân sự
“Các chương trình đào tạo và phát triển đã trang bị cho nhân viên của chúng tôi các kiến thức và kỹ năng cập nhật nhất, giúp họ đáp ứng tốt hơn các nhu cầu không ngừng thay đổi của thị trường và làm việc hiệu quả hơn, đem đến cho khách hàng những dịch vụ có giá trị hơn”, Lee chia sẻ.
Tuy nhiên, để đầu tư cho đào tạo và phát triển nhân viên thật sự hiệu quả, các chuyên gia khuyên bộ phận nhân sự nên phối hợp với các trưởng bộ phận khác thảo luận với nhân viên trước và sau khi thực hiện các chương trình để hiểu rõ hơn nhu cầu đào tạo, tổ chức các khóa học đáp ứng đúng nhu cầu và đánh giá được tác dụng của các khóa học.
“Mỗi nhân viên tham gia đào tạo cần lên một kế hoạch hành động để chia sẻ kiến thức đã được học với các nhân viên còn lại hoặc đưa ra các đề xuất giúp cải thiện hiệu quả công việc. Cách làm này dần dần sẽ tạo ra một văn hóa học hỏi trong toàn tổ chức và đem lại nhiều lợi ích tổng thể từ một nguồn nhân lực tài năng”, Ong khuyên.