Khi nhìn những tấm hình của mình bế con nhỏ đưa qua hàng rào chỉ để tắm miễn phí, chắc ông bố đó tự nhủ: “Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà lúc đó mình không nghĩ đến những điều nguy hiểm cho con. Không lý nào mình lại đồng ý đánh đổi cả sinh mạng của con để lấy một cuộc… đi tắm. Ơn trời đã không xảy ra chuyện gì, chứ không thì thật ân hận cả đời”.
Đó là do “sơ suất” hay là bản chất ông bố có vấn đề? Cãi cho ra cái này cũng gay go lắm. Chỉ là sơ suất, không ngờ được tình huống diễn ra căng thẳng thế. Nhưng tại sao thấy không vào được lại không đi về, bữa nào mua vé cho con vào. Gia đình mình đến nỗi không mua nổi tấm vé sao?
Những câu đơn giản này thoạt nghe ai cũng thấy dễ quá, sao còn hỏi. Vậy mà không phải ai cũng biết đặt ra và trả lời đúng đắn.
- Xem thêm: Ở đâu cho thoát đám đông
Nhiều người phê phán trên mạng về chuyện xếp hàng đông như kiến vào ăn miễn phí, nhưng có người trả lời là, chẳng có gì là hèn khi xếp hàng ăn miễn phí. Ở các nước tiên tiến, chỉ cần cửa hàng giảm giá thôi, người ta cũng xếp hàng đông nghẹt. Nhưng có cái khác là họ… xếp hàng trật tự chứ không hỗn loạn kiểu “vỡ trận” như ở nước mình. Cái thói quen “hỗn loạn vô trật tự” của nhiều nơi xứ ta mới chính là vấn đề.
Bức ảnh giao thông đường phố của nhiếp ảnh gia Việt đạt giải cao vì… kỳ lạ. Như một trận cuồng phong xe cộ, không sao có thể kiểm soát nổi, gây cảm giác rùng rợn kỳ lạ như khi… xem xiếc. Chẳng biết có nên vui với những thành tựu như thế? Gạt ra ngoài con mắt nghề nghiệp nhìn thành công về kỹ thuật, thì cái còn lại là sự nhức nhối về một lối sống thường trực với hiểm nguy.
Đám đông của chúng ta luôn… có vấn đề. Người ta đã miêu tả hài hước về tính cách người Việt, rằng có một người thì hoàn thành công việc, hai ba người thì bắt đầu làm dở và bảy người thì hỏng việc. Vậy là đám đông có vẻ không tốt. Người xưa nói, cha chung không ai khóc, lắm sãi không ai đóng cửa chùa…
Cuộc sống bây giờ lại luôn có lễ lạt, tổ chức nhiều sự kiện công cộng. Nhà tổ chức đâu có dại, họ là những người chuyên nghiệp, có bài bản. Vậy mà thực tế đã bùng nổ bất ngờ. “Vỡ trận” công viên nước chỉ là một thí dụ gần. Các cuộc lễ hội xéo nát cây cỏ, thậm chí “bê” luôn cả về nhà mình, là một hiện tượng nhà tổ chức không tính đến.
Không ai lường hết sức tàn phá của một đám đông không ý thức, không được tổ chức. Sâu xa hơn, những thói xấu “nằm im” trong con người, khi có điều kiện là bùng ra, không ai kiểm soát được.
Bây giờ có những gia đình phải lên kế hoạch ngược lại với đám đông. Họ ở nhà khi bùng nổ du lịch, giao thông trong những lễ hội. Khi nào thiên hạ yên hàn, không vào mùa, thì gia đình bố trí đi nghỉ. Họ là những người sợ đám đông hỗn loạn và sự yếu kém của dịch vụ những ngày cao điểm.
- Xem thêm: Xử lý “hội chứng đám đông”
Ở một số nơi, có những hòn đảo vắng, các cá nhân mua để kinh doanh du lịch. Có những người nước ngoài đầu tư kinh doanh cả một hòn đảo. Ở đó không máy lạnh, không thấy khư khư điện thoại bên mình, đám đông cùng tuân thủ tạo ra (để chính mình cũng được hưởng) môi trường thiên nhiên tĩnh lặng, có thể chèo thuyền quanh đảo, ngắm kỳ nhông trên cát và không có ai nói lớn tiếng.
Đám đông nào cũng có vấn đề, đòi hỏi phải có bàn tay tổ chức, nhưng quan trọng là tư chất của đám đông ấy. Cứ suy mãi đến cùng vẫn chính là lối sống văn hóa của mỗi cá nhân sẽ tạo ra “chất lượng của đám đông”. Hay là đặc tính của dân tộc.