Ngày rằm sau tết đi chùa, như… bước vào cuộc chiến đấu mới, sau những chen chúc về quê, thăm hỏi, du lịch.
Em không đi chùa lớn nữa, họ đã có vẻ “kinh doanh” rất hỗn tạp. Nghe nói còn có… nộp phí dịch vụ lễ chùa nữa, thiên hạ kêu quá trời. Riêng em thì nghĩ, ở những chỗ ngồi cả lên đầu nhau ngất xỉu tranh cái Ấn cái Phất gì gì đó (quái quỷ, xưa làm gì nghe nói đến những cái này, chỉ bây giờ mới nghe) thì cứ đem bán giá cao để làm quỹ cứu trợ dân nghèo.
Ai muốn “ném đá” em, rằng làm vậy mất linh thiêng, tận thu này nọ thì cứ việc ném. Muốn thì vào mà mua – tức là vào mà làm việc thiện. Không ném tiền lẻ vào bụng vào tai tượng Phật nữa, hãy mua đi.
Tôi bật cười: Em mà làm quản lý thì chắc dân nguy to, cái gì cũng thu tiền. Sưu cao thuế nặng chưa đủ sao?
- Xem thêm: Những dạng điên mới
Nhìn đám đông mà ghét quá. Thấy một sự u mê tranh sống ngu dốt. Mới thấy hạnh phúc khi… sống ở Sài Gòn. Nguyên tiêu ở Chợ Lớn cũng đông nghẹt người xem múa lân, phố cũng đông có khi kẹt, nhưng người dân còn trật tự, không hề có cảnh một biển người trèo cả lên đầu nhau. Có lẽ do nếp văn minh và bản tính người Sài Gòn hiền hòa. Vái trời sao cho phẩm chất này đừng mất đi.
Nhưng mà ở Sài Gòn cũng không phải ít điều khó chịu. Một người nói đùa mà thật: Chắc phải mua lấy mấy trăm tờ báo có in cái tin “Bị đâm chết vì hát karaoke quá to”. Để chi? Đem cắt cái tin ấy mà dán vào cửa… nhiều nhà xung quanh. Ai đời suốt tết không não ruột vì bolero thì cũng bị… giã nhừ tử bởi “chày trên sóc Bombo”. Hỏi không phát điên sao được?
Cuộc sống gay go, con người nếu có bản tính hung hãn sẽ rất dễ nổi điên vì một cớ nhỏ. Năm nay có “mốt giết nhau vô lý”. Hát không hay trong đám cưới cũng bị đánh tử vong.
Vô sân golf gặp người quen rủ nhau nhậu rồi cũng bị đâm chết bằng cổ chai bia. Vô quán ốc xin khăn xin tăm hoài cũng bị đánh chết. Cô gái vào nhà vệ sinh không giấy, ra than sao đó, bạn trai đi cùng cũng bị đâm chết.
Tính nhân ái nhân văn đang bị mai một. Vậy mà không hiểu người ta chen nhau bật ngửa, trèo cả lên đầu nhau để đi lễ làm gì nhỉ? Chắc rồi, cả biển người đều vào chùa để đi xin thần thánh chứ có ai vào đó nói kiểu “Con xin cầu chúc cho thần phật uy nghiêm quyền lực vĩnh hằng và con xin sẽ sống tử tế hơn” đâu?
Người vợ kể chuyện rằm vào chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. Đông hơn mọi khi nhiều, nhưng khá thanh tĩnh, không ai ồn ào nói lớn, gọi nhau í ới. Họ ngồi ngoài sân nơi ghế đá nghỉ hoặc chờ. Mỗi người chỉ vài cây nhang cắm bàn thờ, ngoài sân, dưới tượng Phật (có ai cắm nhiều thì sẽ có người đến nhổ bớt đi ngay). Đúng là không khí trang nghiêm trầm mặc rất có ý thức mới giữ được như vậy giữa thành phố đông đúc.
Hết tết rồi, lại lo nơm nớp vì đến… tháng Ba, tháng Tư, không biết có lại chuẩn bị ào ào về quê nghỉ tết lao động và 30-4?
- Xem thêm: Đi đâu mà lắm vậy!
Bây giờ ngán đám đông quá. Kẹt xe tắc đường mưa ngập và dòng người thì bất tận. Không có lẽ đó là tất yếu không thể tránh khỏi của đô thị hóa sao? Nhiều nhà đã thành thói quen mới, chỉ ra khỏi nhà khi “đám đông” còn đang yên lành chưa dậy sóng.
Khi thiên hạ đi, thì tôi ở nhà. Khi nào bà con ở nhà thì tôi đi. Chứ cái kiểu ra Vũng Tàu ngày tết, nghe đồn phòng trọ không đủ, có nơi phải mở hội trường ra cho vào tạm nghỉ, thì còn gì là sung sướng mà chen nhau đi?
Đám đông là đáng sợ rồi. Lại còn thiếu ý thức và hung dữ nữa thì đi với cộng đồng chỉ thêm mệt, hung hăng lắm có khi oan gia.