Bảo vệ quyền lợi của NTD cũng chính là chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ uy tín của các doanh nghiệp chân chính, củng cố niềm tin của NTD vào sự quản lý thị trường của Nhà nước.
Hưởng ứng ngày Quyền người tiêu dùng thế giới 15-3 và cũng nhằm mục đích đẩy mạnh tuyên truyền về các quyền cơ bản của NTD, Sở Công thương TP.HCM đã phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn, Công ty Vina CHG và Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam tổ chức hội chợ – triển lãm giới thiệu sản phẩm chính hãng từ ngày 14 đến 17-3. Trong khuôn khổ của sự kiện này còn có một buổi hội thảo với chủ đề “Quyền được thông tin của người tiêu dùng” tại hội trường Nhà Văn hóa Thanh niên.
Sở Công thương, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM và các doanh nghiệp cam kết bảo vệ quyền được thông tin của người tiêu dùng
Thực trạng về quyền thông tin của người tiêu dùng
Quyền được thông tin của người tiêu dùng được xem là cơ sở để đảm bảo bảy quyền khác mà người dân được hưởng, bao gồm quyền được an toàn, quyền được lựa chọn, quyền được bày tỏ quan điểm, quyền được xây dựng pháp luật, quyền được khiếu nại, quyền được bồi thường và quyền được tư vấn. Quyền được thông tin là quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, đã sử dụng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều tỏ ra lo lắng vì tình trạng vi phạm quyền của người tiêu dùng đang ngày một nghiêm trọng. Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho rằng nguyên nhân là do đa số NTD chưa có ý thức bảo vệ quyền được thông tin của mình nên không tận dụng quyền được tìm hiểu về hàng hóa, sản phẩm, cũng không lưu ý lưu giữ hóa đơn, phiếu bảo hành và các chứng từ khác. Đến khi doanh nghiệp vi phạm thì NTD không có hành vi phản ứng hay khiếu kiện, mà chỉ cung cấp tin tức cho báo chí vì ngại tranh chấp, ngại gặp phải phiền hà. Thái độ chịu đựng, thờ ơ đó dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp ngày càng coi thường quyền lợi của NTD.
Sự phức tạp, cứng nhắc trong các thủ tục pháp lý cũng gây phiền hà cho NTD muốn khiếu kiện. Trước đây đã từng có trường hợp người bị mất xe ở bãi giữ xe không được bồi thường do sự cứng nhắc trong thủ tục hành chính. Tại buổi hòa giải, đại diện của Công ty Dịch vụ bảo vệ Toàn Cầu đã nhận trách nhiệm và hứa bồi thường cho người mất xe sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Sau nhiều tháng, người mất xe vẫn chưa được bồi thường vì phía cơ quan điều tra không cung cấp kết luận chính thức khi chưa có văn bản yêu cầu từ Công ty Toàn Cầu. Khi tiếp tục khiếu kiện lên tòa án, người bị mất xe vẫn không được thụ lý đơn kiện vì tòa yêu cầu phải có biên bản từ cơ quan điều tra!
Không chỉ gặp phải những thủ tục rườm rà, cứng nhắc nói trên mà NTD cũng phải tự chi trả chi phí cho việc khiếu kiện. Vì vậy, không ít NTD cho rằng việc khiếu kiện chỉ tiêu tốn công sức và tiền bạc mà chẳng nhận được lợi ích thỏa đáng nên dễ bỏ qua những tình huống bị vi phạm về quyền thông tin, nhất là những quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng (do không được kiểm duyệt nghiêm túc) vẫn được phát hằng ngày trên một số kênh truyền hình.
Ngoài ra, nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là hoạt động của cơ quan nhà nước chuyên bảo vệ quyền lợi của NTD chưa có hiệu quả cao, khiến nhiều người dân mất lòng tin vào sức mạnh của cơ quan này. Hiệp hội NTD ở các địa phương dù có nhưng chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền và chưa đủ lực để đứng ra bảo vệ NTD.
Tốt nhất là người tiêu dùng phải chủ động bảo vệ quyền của mình
Trong khi các chế tài chưa hoàn thiện, các cơ quan, tổ chức thực thi vai trò bảo vệ NTD chưa đủ mạnh thì người dân vẫn cần nêu cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình trước các thủ đoạn lừa đảo, ép buộc từ phía những nhà sản xuất – kinh doanh hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ. Để thuận lợi hơn cho việc gây sức ép đối với những doanh nghiệp coi thường quyền lợi của NTD, trước tiên NTD cần yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ và lưu giữ tất cả các hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan. Tại hội thảo, luật gia Phan Thị Việt Thu – Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP.HCM đã nêu ra một số trường hợp người tiêu dùng cần lưu ý, chẳng hạn ở bất cứ bãi giữ xe nào cũng yêu cầu thẻ giữ xe, đọc kỹ hợp đồng khi mua các loại bảo hiểm nhân thọ, xe cộ, thiết bị… Đã có trường hợp người mua bảo hiểm bệnh ung thư không được trả tiền vì không đọc kỹ các chi tiết trong hợp đồng. Nếu để ý kỹ sẽ thấy hợp đồng in sẵn có đoạn “không được kể là bệnh ung thư đối với loại catcinoma” (ung thư biểu mô tại chỗ ở vú, tử cung, chưa di căn) hoặc bảo hiểm tất cả các loại bệnh ung thư, trừ… ung thư phổi!
Các hành vi vi phạm về quyền được thông tin của NTD không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng nhưng hiện tại, vai trò của tòa án và các cơ quan quản lý khá mờ nhạt trong khi tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng tăng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nói trên cần đổi mới thủ tục sao cho linh hoạt, ngắn gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bảo vệ NTD. Trong việc quy trách nhiệm bồi thường đối với bên bị (tổ chức hay cá nhân vi phạm quyền lợi của NTD), thiết nghĩ bên bị phải gánh cả những chi phí phát sinh mà NTD đã bỏ ra như tiền thuê chứng thực, sao văn bản, giấy tờ, tiền thuê luật sư…
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng mức phạt tối đa là 20 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo quyền được thông tin của NTD (theo điều 7, nghị định 19/2012/NĐ-CP) hoặc mức phạt từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD (theo điều 6 của nghị định vừa nêu) đều chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đề xuất phải có các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn, cần tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức bảo vệ quyền của NTD và các cơ quan quản lý nhà nước để không chỉ xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm, những đơn vị quảng cáo tiếp tay cho vi phạm, mà còn chặn đứng ý đồ xấu của những doanh nghiệp chỉ nhăm nhe thu vén lợi nhuận, coi thường quyền lợi của NTD.
Tóm lại, việc đảm bảo cung cấp thông tin cho NTD không chỉ là nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, pháp luật hiện chỉ truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm chứ chưa truy cứu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy mới xảy ra trường hợp “ém” thông tin, mà điển hình là vụ Thanh tra Sở Y tế TP.HCM không cung cấp thông tin về nước tương có chất gây ung thư. Liệu kẽ hở pháp luật này bao giờ mới được bịt kín?
Xuân Lộc