Thậm chí có người còn đặt câu hỏi: Dự thảo này được xây dựng có nhằm đem lại lợi ích chung cho xã hội hay bị một nhóm lợi ích chi phối?
Cách đặt vấn đề như vậy rõ ràng xuất phát từ một sự bất hợp lý có tính cục bộ và những yếu kém của Ngân hàng Nhà nước về quản lý các phương tiện thanh toán, nhưng không vì vậy mà chúng ta bác bỏ những cố gắng của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách hướng đến một nền kinh tế hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt.
Những tác hại của kinh tế tiền mặt
Cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về thị phần thanh toán bằng tiền mặt. Đây là sản phẩm còn rơi rớt của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế quản lý kế hoạch hóa tập trung và bao cấp bằng hiện vật sang nền kinh tế thị trường, trong đó vai trò, chức năng của đồng tiền được phát huy tương đối đầy đủ nhưng ngân hàng vẫn yếu kém trong việc đổi mới phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Người dân thực hiện giao dịch tại một máy ATM
Mặt khác, do thói quen cũng như quy mô giao dịch của cá nhân còn ít khiến thị phần thanh toán hầu như dùng tiền mặt là chính. Hậu quả là hai hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ hàng chục năm trước là séc cá nhân và thẻ thanh toán thì chỉ có thẻ thanh toán được sử dụng tương đối rộng rãi.
Đã có quá nhiều nghiên cứu được đúc kết cho thấy tác hại không nhỏ của nền kinh tế tiền mặt.
Thứ nhất là chi phí khá tốn kém cho việc thanh toán bằng tiền mặt từ khâu in ấn, vận chuyển, bảo quản, thất thoát, nhất là với các đồng tiền mệnh giá nhỏ.
Thứ hai là một tác hại không thể đo đếm được, đó là môi trường dung dưỡng cho kinh tế ngầm, cho buôn gian bán lận, trốn thuế, cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh và là môi trường thuận lợi cho việc lưu thông tiền giả.
Thứ ba là khó kiểm soát chính xác thu nhập để thực hiện công bằng Luật Thuế thu nhập đối với cá nhân có thu nhập cao.
Thứ tư là chưa bảo đảm cho sự an toàn của đồng tiền mỗi khi thanh toán, vận chuyển, bảo quản… đối với cả các cơ quan, doanh nghiệp lẫn đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng. Những thiệt hại vừa nói vẫn chưa thấm vào đâu so với việc rửa tiền vốn gây nguy hại không chỉ cho nền kinh tế mà còn cả an ninh chính trị của đất nước. Tệ nạn rửa tiền, hiểu một cách đơn giản là biến các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp (thường được gọi là tiền bẩn) thành những đồng tiền có nguồn gốc hợp pháp (tức tiền sạch).Công cụ nào có khả năng cao nhất ngăn chặn tệ nạn ấy?Đó là ngân hàng.Thế nhưng liệu ngân hàng có làm được triệt để không khi hiện nay khối lượng tiền mặt quá lớn thanh toán trong xã hội không thông qua ngân hàng.Đó là chưa kể làm sao ngân hàng có thể xác minh được nguồn gốc đồng tiền trong nền kinh tế tiền mặt, mà nếu không xác minh được thì làm sao biết tiền nào sạch, tiền nào bẩn. Khổ nỗi nếu truy hỏi người gửi về nguồn gốc đồng tiền thì họ sẽ phản ứng lại bằng cách… không gửi tiền qua ngân hàng mà chuyển sang ẩn giấu vào các loại tài sản khác và như vậy sẽ làm giảm đáng kể việc đưa đồng vốn vào các hoạt động kinh doanh toàn xã hội.
Theo trích dẫn của báo chí, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng biến “tiền bẩn” của buôn lậu, buôn ma túy và nhất là của tham nhũng thành “tiền sạch” là việc quá dễ. Bởi chỉ cần dùng “tiền bẩn” mua nhà, mua đất rồi sau đó mang bán lại là thành “tiền sạch” mà không cần phải “rửa” qua các ngân hàng.
Nói tóm lại không thể chống tham nhũng nếu cứ tồn tại mãi một nền kinh tế tiền mặt như hiện nay.