Lựa chọn trang phục không chỉ đơn giản là việc mặc cái quần cái áo, mà sâu xa hơn, đó còn là việc gửi thông điệp đến những người xung quanh bạn. Người ta sẽ nhanh chóng xếp bạn vào nhóm nào đó tùy theo trang phục mà bạn chọn mặc. Có thể bạn không có chủ ý gửi đi thông điệp, nhưng qua cách bạn ăn mặc, những người tiếp xúc với bạn sẽ dễ dàng nhận ra bạn có quan tâm đến họ hay không. Nếu bạn ăn mặc quá lôi thôi, người ta sẽ xếp bạn vào nhóm điều kiện kinh tế kém hoặc thiếu chỉn chu. Còn nếu bạn có quan tâm đến việc ăn mặc, nhưng lại chọn những bộ cánh có phần “quái dị” thì thông điệp của bạn là: bạn chẳng buồn quan tâm đến việc người khác nghĩ gì và không muốn quảng giao với xã hội.
Ở Việt Nam tôi thấy cách ăn mặc của một số bạn trẻ có vẻ hướng đến mục đích chống lại những người xung quanh hơn là tạo thiện cảm. Sự phổ biến của việc đeo khuyên, xăm hình, sử dụng các vật nhọn để trang trí trên quần áo hay đồ trang sức, ăn mặc toàn màu đen theo kiểu ma cà rồng (như trong phim) là một bước tách rời khỏi sự tương tác với xã hội lành mạnh. Việc xỏ khuyên ở một vị trí lạ trên người, đeo quá nhiều khuyên, hay xăm những hình thù đáng sợ trông chẳng thu hút chút nào. Những vật nhọn trên trang phục cũng dễ khiến người xung quanh có cảm giác không thoải mái. Có lẽ các bạn trẻ chọn cách ăn mặc này muốn gửi đi một thông điệp chống đối lại xã hội.
Một lần gần đây, ở TP.HCM, khi đi ngang qua một nhóm thanh niên, tôi thấy họ đeo những chiếc vòng gắn kim loại nhọn. Trong đó có một người đeo chiếc vòng cổ giống y hệt loại dành cho những con chó hung dữ. Tôi thấy không thoải mái chút nào. Dường như từ họ toát ra một sự đe dọa gián tiếp bởi họ lựa chọn trang phục kết hợp giữa màu đen và những vật nhọn hoắt kỳ quặc. Chắc chắn các bạn trẻ này biết trông mình thật đáng sợ với những người xung quanh, nhưng họ chẳng để tâm đến việc ấy. Họ có vẻ muốn tách rời khỏi xã hội, nhưng liệu trên thực tế họ có làm được thế không?Có chắc là họ không cần đến sự giúp đỡ của xã hội hay không? Qua cách ăn mặc và vẻ bề ngoài, bạn sẽ gửi thông điệp đến người khác. Trong một cộng đồng, khi một thông điệp thiếu thân thiện được gửi đi, dù là vô ý hay có chủ ý, thì kết quả không bao giờ tích cực cả. Xã hội chắc chắn không mong có những cá nhân hoặc những nhóm người thiếu thân thiện. Những hành vi thể hiện sự chống đối lại xã hội khó mà được chào đón. Thỉnh thoảng tôi nhận phụ trách một số sinh viên. Tuy nhiên, tôi chỉ đồng ý tiếp nhận những bạn trẻ thân thiện chứ không bao giờ muốn hướng dẫn cho những ai thích thể hiện bề ngoài một cách kỳ dị.
Mặc dù vậy, xét về khía cạnh tích cực của câu chuyện này, tôi cảm thấy vui vì những người có xu hướng chống đối xã hội thể hiện mình một cách rõ ràng qua cách ăn mặc. Họ gửi đi một thông điệp bằng hình ảnh rất dễ nhận ra. Nhờ vậy tôi biết để mà tránh. Rất cảm ơn bạn đã giúp tôi tiết kiệm thời gian và công sức. Nhưng hãy nhớ, một lúc nào đó, khi bạn cần sự giúp đỡ của những người xung quanh thì có thể họ sẽ chạy mất bởi hoảng sợ trước cách ăn mặc thiếu thân thiện của bạn.
Renate Haeusler – Lê Tâm dịch