Mức độ thiệt hại do hạn hán tại khu vực sông Mekong hiện nay là rất nghiêm trọng. Tại Việt Nam, hạn hán ảnh hưởng đến nông nghiệp, một trong những ngành kinh tế chính của đất nước chúng ta. Ngân hàng HSBC ước tính hạn hán tại vùng hạ lưu sông Mekong sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng quốc gia từ 6,7% xuống còn 6,3%. Hơn 360.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt…
Tại Thái Lan, 27 trên tổng số 77 tỉnh, bao gồm cả khu vực hành chính Bangkok, chính thức bị liệt kê vào danh sách vùng chịu thảm họa hạn hán, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến giảm 0,85%.
Tại Campuchia, hạn hán đã khiến cho tăng trưởng nông nghiệp quốc gia này giảm mạnh, từ 5% xuống chỉ còn 1% trong giai đoạn 2004-2012. Tốc độ tăng trưởng năm 2016 dự kiến còn thấp hơn do hạn hán ngày một nghiêm trọng.
Đe dọa trong tương lai
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự phát triển kinh tế với tốc độấn tượng, các nhà môi trường cho rằng cần tìm ra các biện pháp mới để quản lý nguồn nước tại châu Á.
Đợt hạn hán kỷ lục đang ảnh hưởng một vùng rộng lớn tại châu Á sẽ chấm dứt khi mùa mưa đến vào tháng 6 tới đây, mang đến sự hồi sinh cho những người dân sống tại các vùng bị hạn hán, từ hàng triệu người sống tại vùng sông Mekong thuộc lãnh thổ Việt Nam cho đến hơn một phần tư trong 1,25 tỉ dân Ấn Độ.
Tuy nhiên, một điều cần phải lưu tâm là trận hạn hán mới nhất, trong một loạt trận hạn hán xảy ra tại châu Á trong thế kỷ này, là dự báo về một tương lai nóng hơn và khô hạn hơn.
Hiện nay, các chính sách vẫn ít chú trọng đến đối phó với hạn hán vì đặc tính không liên tục của nó. Các nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo chính xác thời điểm xuất hiện, mức độ hoặc thời gian kéo dài của các đợt hạn hán.
Không như các thảm họa do con người gây ra và các thảm họa tự nhiên khác – chẳng hạn như động đất, bão, lũ lụt và các tai nạn công nghiệp – hạn hán là tai ương đến một cách yên lặng và từ từ.
Do vậy, nếu không có các kế hoạch dự trữ nước, cùng với nỗ lực trồng rừng và phát triển bền vững, chắc chắn hạn hán ở châu Á sẽ xảy ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn.
Một thực tế ít người biết là chính châu Á, chứ không phải châu Phi, mới là lục địa đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất, với lượng nước tính theo đầu người ở mức chưa tới 1.700m³/người/năm.
Châu Á vốn đã trong tình trạng thiếu nước sạch hơn bất cứ lục địa nào và có những nơi còn bị đánh giá là có nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới.
Không chỉ là nguồn tài nguyên bị đánh giá thấp và coi nhẹ nhất, trong vài năm tới nước sẽ trở thành tài nguyên bị tranh chấp nhiều nhất tại châu Á, bắt nguồn từ tình trạng khan hiếm nước và bản đồ tài nguyên nước đặc biệt của lục địa này.
Các con sông quan trọng nhất của châu Á đi qua biên giới của nhiều quốc gia và vì vậy là hệ thống sông quốc tế. Thật ra, hầu hết các nước châu Á đều có đường biên giới đất liền, và Trung Quốc kiểm soát các sông đầu nguồn ở cao nguyên Tây Tạng, phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nước xuyên quốc gia.
Sự phụ thuộc này rõ nhất là ở các quốc gia như Bangladesh và Việt Nam vốn có vị trí địa lý nằm ở hạ nguồn các hệ thống sông quốc tế. Trong bối cảnh ấy, các tranh chấp về nguồn nước xuyên quốc gia đã trở nên thường xuyên.
Châu Á thể hiện một cách rõ ràng thực tế các nguồn nước xuyên biên giới thay vì kết nối các địa phương, các quốc gia trong một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau về nguồn nước, trở thành sự cạnh tranh gay gắt vì những lợi ích đối kháng.
Sự tranh cãi này mở rộng đến những động thái của mỗi nước trong việc khai thác các con sông chung bằng cách xây đập, hồ chứa nước và nắn dòng, vì vậy càng làm gia tăng căng thẳng các quan hệ giữa các nước ven sông.
Châu Á là lục địa có nhiều đập nước nhất, nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại. Nhưng điều đáng nói, hầu hết các đập nước ở châu Á là của Trung Quốc. Chỉ riêng quốc gia này đã có hơn một nửa trong số xấp xỉ 50.000 đập nước lớn của thế giới. Với cơ cấu hạ tầng đập nước và hồ chứa nước lớn khổng lồ như vậy, Trung Quốc đã xây dựng được một hạ tầng đầy ấn tượng về năng lực chứa nước trong mùa khô hạn.
Thế nhưng, thực tế là số lượng đập nước khổng lồ của Trung Quốc đang phá vỡ các con sông vì nó làm gián đoạn các dòng chảy tự nhiên và làm khô kiệt sông, khiến cho các vùng ven sông ở hạ nguồn bị cạn kiệt nước hoặc các con sông có rất ít nước và chảy cả lượng phù sa màu mỡ ra biển.
Sáu đập nước khổng lồ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong là nguyên nhân gây ra hạn hán trầm trọng ở Đông Nam Á trong bối cảnh tình trạng này đang xảy ra trên toàn bộ các quốc gia ở vùng Đồng bằng sông Mekong.
Nỗi đau khát nước
Tại Thái Lan, người ta nhận thấy ngày càng tuyệt vọng trong nỗ lực tìm nước để đáp ứng cho những nhu cầu cơ bản tại nhiều địa phương, với gần 30 trong số 77 tỉnh đang gánh chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 20 năm qua.
Hồ chứa nước tại đập Uboldrat, hồ cung cấp nước lớn nhất tỉnh Khon Kaen, chính là minh chứng cụ thể nhất. Kể từ tháng 3-2016, hồ nước đã bị xác định trong tình trạng dự trữ chết, tức là mực nước đã tụt xuống dưới mức mà các máy bơm có thể rút nước để cung cấp cho các nơi khác.
Để đáp ứng nhu cầu nước của mình, nhiều ngôi làng ở Thái Lan đã đào giếng với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Những người may mắn đào được xuống đến tầng ngậm nước sau khi đào sâu hơn những năm trước, có nơi sâu tới 40 mét.
Tuy nhiên, giáo sư xã hội học của Đại học Khon Kaen Buapun Promphakping cho biết những nguồn cung cấp này cũng sẽ sớm cạn kiệt do mực nước ngầm cũng đã được tận dụng cho nông nghiệp trong đợt hạn hán từ năm ngoái và không phải nơi nào cũng có nước sạch vì ở nhiều nơi nước có nồng độ muối cao.
Tại Campuchia, Biển Hồ theo đánh giá của Quỹ General Nature sẽ là “hồ bị lâm nguy” của năm 2016.
Tại Việt Nam gần 140.000 hécta của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô cạn. Các cánh đồng còn bị xâm nhập mặn, do nước biển tràn vào khi mực nước sông giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1926. Sau khi mất mùa trong năm 2015, nhiều hộ nông dân quyết định không làm gì cả trong năm 2016 để chờ xem liệu thời tiết có tốt hơn không.
Các chuyên gia môi trường từng quan ngại về hàng loạt đập nước khổng lồ của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong, trên thực tế đã làm trầm trọng thêm tình hình thiếu nước tại các quốc gia hạ nguồn. Ông Piaporn Deetes, nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức môi trường “Những con sông quốc tế”, nhận xét Trung Quốc muốn khẳng định rằng ai mới là thật sự kiểm soát sông Mekong.
Việc Trung Quốc xả nước trên thượng nguồn đã giúp cho Thái Lan nhiều hơn các nước khác. Bốn hệ thống bơm nước được lắp đặt tạm thời dọc sông Mekong trên phần lãnh thổ của Thái Lan đã hút nước để bơm vào một con sông cấp nước cho cánh đồng khô hạn ở tỉnh Nong Khai. Thái Lan hy vọng sẽ cấp được 47 triệu m³ nước trong vòng ba tháng cho các vùng bị hạn hán.
Hành động này của Thái Lan khiến cho các cánh đồng của nông dân Việt Nam tiếp tục khô hạn. Các chuyên gia môi trường Việt Nam bất bình với Bangkok vì đã không tham vấn ý kiến của ba nước khác ở vùng Mekong về kế hoạch này khi cùng tham gia cơ quan lớn nhất của Đông Nam Á về quản lý và khai thác nguồn nước.
Trong bối cảnh còn vài tuần nữa mới tới mùa mưa, hành động của Thái Lan càng làm nổi rõ vai trò cần thiết của nước trong tình hình khô hạn. Đối với người nông dân, vấn đề là liệu sự giúp đỡ như thế có giúp ngăn ngừa tình trạng khô hạn tại các cánh đồng của họ hay không…
Câu chuyện khát nước của sông Mekong ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia khác vì lý do an ninh lương thực và địa chính trị. Trong chuyến thăm Bangkok vào đầu tháng 5-2016, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cam kết hỗ trợ 7 tỉ USD cho các nước khu vực sông Mekong để giải quyết vấn đề hạn hán trong thời gian tới. Trong chuyến thăm Việt Nam tới đây, Tổng thống Mỹ Obama có thể đề cập đến các chương trình hỗ trợ của Mỹ qua cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
- theo Nikkei Asian Review / 8-5-2016