Một trong những sự kiện được dư luận xã hội chú ý mấy tuần qua là Hiệp hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) cho đăng tải một phần lớn trong số hơn 11 triệu tài liệu gọi là “Hồ sơ Panama” phanh phui các hoạt động tài chính bất hợp pháp liên quan đến nhiều nhân vật giàu có và quyền lực trên thế giới.
Những thông tin này được giới làm ăn quan tâm nhiều hơn, khi hồ sơ được công bố có tên một số đại gia và tổ chức trong nước có những hoạt động liên quan đến các công ty Việt Nam thành lập ở nước ngoài, nhất là ở “thiên đường trốn thuế” British Virgin Islands (BVI) – theo cách gọi quen thuộc của giới làm ăn.
BVI đầu tư vào nước ta
Theo các tài liệu của Hồ sơ Panama, BVI đang dẫn đầu danh sách các thiên đường thuế với 113.648 công ty offshore – tức công ty được thành lập ở nước ngoài, từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư thế giới.
Thành lập công ty tại BVI rồi đầu tư sang các nước khác giờ đây đã trở thành xu hướng để các tập đoàn xuyên quốc gia tối ưu hóa chi phí. Các công ty và nhà đầu tư sẽ không bị đánh thuếthu nhập trên lợi nhuận của việc chuyển nhượng cổ phần, cổ tức. Gần như 100% các loại thuế đều được bãi bỏ.Các tài sản thừa kế cũng không phải chịu thuế.
Đặc biệt, với các công ty thành lập ở BVI sau đó đem tiền đầu tư ra các nước khác và có lợi nhuận hàng tỉ đôla cũng không phải khai báo với các chính phủ.Nghĩa vụ tài chính duy nhất của các công ty ở BVI là 350 USD chi phí thành lập và một khoản tiền tương tự để duy trì hoạt động doanh nghiệp hằng năm.Thời gian thành lập có thể trong một ngày.
Cơ chế tài chính BVI áp dụng rất thông thoáng: không cần báo cáo tài chính, khai báo chủ sở hữu.
Với những cơ chế tài chính thông thoáng nên BVI từng bị cáo buộc là thiên đường trốn thuế, chuyển giá, rửa tiền, quỹ đen… của giới tài chính toàn cầu.
Việt Nam cũng là nơi thu hút nguồn đầu tư đáng kể từ các thiên đường thuế. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tính đến hết năm 2015, Cayman Islands đã có 67 dự án với vốn đầu tư khoảng 6,3 tỉ USD, Luxembourg 1,9 tỉ USD, Bermuda có sáu dự án vốn đầu tư khoảng 232 triệu USD, Panama là 51 triệu USD, Bahamas là 108 triệu USD, New Zealand đầu tư 96 triệu USD, Macao là 57 triệu USD, Isle of Man là 35 triệu USD.
Các doanh nghiệp tại hai trung tâm tài chính cũng có sức cạnh tranh lớn về thuế là Singapore, Hongkong (Trung Quốc) cũng đầu tư mạnh vào Việt Nam với số vốn lần lượt là 35 tỉ và 15,5 tỉ USD.
Đặc biệt, tính đến cuối năm 2015, các doanh nghiệp đăng ký tại BVI đã đầu tư vào Việt Nam 623 dự án với tổng vốn 19,3 tỉ USD, nằm trong nhóm năm nước và lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào nước ta. Cụ thể như: Công ty TNHH Trung tâm thương mại Vinacapital với vốn đầu tư 325 triệu USD kinh doanh khu thương mại, khách sạn, văn phòng, dịch vụ khách sạn, bất động sản; Công ty TNHH GVD Việt Nam I đầu tư 300 triệu USD xây dựng, quản lý khu căn hộ và các dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ cho thuê xe, ăn ở; Công ty TNHH Worldon Việt Nam của nhà đầu tư Gain Lucky Limited, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp tại TP.HCM; Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam, xây dựng và điều hành cụm rạp chiếu phim…
Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài còn cho biết, luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam không chỉ đến từ các công ty đăng ký thành lập tại Mỹ mà còn thông qua một số chi nhánh của họ hoạt động tại BVI như các trường hợp của Intel, Chevron, Procter & Gamble hay ConocoPhillips…
Ở lĩnh vực đầu tư gián tiếp trên sàn chứng khoán, quỹ đầu tư nổi danh của BVI ở Việt Nam phải kể đến là Dragon Capital được thành lập năm 1994 tại BVI. Đây là quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động lâu nhất tại Việt Nam với tổng tài sản khoảng 1,25 tỉ USD, với danh mục quản lý gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, công nghệ sạch.
Tính đến 10-5, các khoản đầu tư lớn nhất của Dragon Capital là: 3.564 tỉ đồng tại Vinamilk, 1.143 tỉ đồng tại Ngân hàng ACB, 888 tỉ đồng tại Tập đoàn FPT, 1.131 tỉ đồng tại Công ty Chứng khoán TP.HCM, 969 tỉ đồng tại Tập đoàn Hòa Phát, 1.880 tỉ đồng tại Tập đoàn Masan. Ngoài ra, quỹ còn nắm nhiều cổ phần tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn, REE, PNJ, Tập đoàn Hoa Sen, Đạm Phú Mỹ… Giám đốc Điều hành của quỹ hiện là ông Dominic Scriven.
Làm rõ thực hư để giữ niềm tin
Câu chuyện đầu tư của các doanh nghiệp đến từ BVI sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu trong dữ liệu đăng tải của Hồ sơ Panama được công bố hôm 9-5 không có tên 189 cá nhân và tổ chức tại Việt Nam có giao dịch với 19 công ty thành lập ở nước ngoài.
Chỉ một ngày sau, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, điều tra về khả năng trốn thuế của các tổ chức và cá nhân liên quan.
Hiện nay một số cơ quan cũng đã vào cuộc như Ban Nội chính Trung ương, Cục Phòng chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, Cục Phòng chống Tham nhũng của Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, trong đó có việc kiểm tra, rà soát các tổ chức và cá nhân trong nước có tên trong hồ sơ Panama.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, dự kiến thông tin về những dự án đầu tư ra nước ngoài mà Bộ này đã cấp phép và cả những dự án đầu tư vào khu vực tự do nơi có chính sách ưu đãi về thuế. Cũng có ý kiến cho rằng để làm rõ những khuất tất trong một loạt vấn đề liên quan, Chính phủ nên thành lập Ban nghiên cứu tài liệu Panama.
Những động thái trên đây cho thấy Nhà nước rất quan tâm đến việc công khai và minh bạch trong các hoạt động kinh doanh, mà trước hết cần thiết yêu cầu các cá nhân và tổ chức có tên trong danh sách Panama chủ động giải trình cho thấy việc đầu tư, kinh doanh, chuyển tiền ra nước ngoài.
Trong những ngày qua, một vài đại gia có tên trong danh sách này cũng đã trình bày trước công luận về tính hợp pháp của hoạt động làm ăn và bày tỏ quan điểm cho rằng điều này là bình thường trong tập quán kinh doanh trên thế giới.
Có thể đây là một phản ứng tự vệ khi danh sách vừa nói chỉ có tính tham khảo một chiều và không phải ai có tên trong danh sách cũng vi phạm pháp luật hay có hành vi sai trái. Không có luật pháp nước nào cấm cá nhân hay tổ chức trong nước thành lập một công ty ở nước ngoài nếu họ tuân thủ các quy định của pháp luật.
Hiện nay các quy định pháp lý về đầu tư ra nước ngoài cũng như chuyển tiền ra nước ngoài khá chặt chẽ.Vấn đề là các cơ quan quản lý có làm việc nghiêm túc hay không và có sự móc nối cố tình làm sai hay không? Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết: “Tất cả các dòng vốn ra khỏi Việt Nam, nếu đúng giấy trắng mực đen, giao dịch chính thống thì phải xin phép Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, dù đó là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, hoặc chỉ đơn thuần là chuyển tiền cá nhân. Ngay cả các giao dịch vãng lai được tự do hóa vẫn duy trì chế độ chứng từ rất nghiêm ngặt”. Hiểu như ông Phước thì câu chuyện Hồ sơ Panama không chỉ làm xấu đi tính minh bạch, công khai và đạo đức kinh doanh mà còn đặt ra vấn đề lớn hơn về quá trình quản lý nhà nước với các chu trình chuyển vốn, mở cửa tiếp nhận đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp đưa vốn ra nước ngoài đầu tư.
Dù sao thì thông tin về 189 cá nhân và tổ chức, trong đó có nhiều tên tuổi lớn, cũng gây hoang mang dư luận và trong một chừng mực ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của nhiều người lẫn niềm tin trong xã hội. Chính vì vậy, nhập cuộc của nhiều cơ quan nhằm tìm hiểu sự thật và công khai thực hư như thế nào là hết sức cần thiết, nhất là trong tình hình làm ăn vẫn còn thiếu minh bạch như hiện nay.
Để làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến cá nhân và tổ chức, chỉ cần căn cứ vào các quy định của luật pháp có được thực hiện nghiêm túc hay không.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại cá nhân có đăng ký và được nhận giấy phép đầu tư, mở công ty ở nước ngoài hay không?
Ngân hàng Nhà nước xác định họ có vi phạm quy định về chuyển ngoại tệ ra nước ngoài hay không?
Ngành thuế cần làm rõ các cá nhân có vi phạm các quy định về thuế thu nhập hay không bằng cách làm rõ việc hạch toán cũng như theo dõi các khoản thu nhập từ các công ty bên ngoài có được khai báo với cơ quan thuế trong nước đúng nguyên tắc hay không?
Khi những câu hỏi này được giải đáp thỏa đáng thì cần công khai trong xã hội, ai làm đúng quy định của pháp luật thì sẽ được loại ra khỏi danh sách “có vấn đề”, đó là cách trả lại niềm tin có tính thuyết phục hơn cả.
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)