Điều đã được khẳng định là trong các nền kinh tế thị trường, không đâu không có vai trò của Nhà nước; vấn đề chỉ là trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển của mỗi nước, Nhà nước làm gì và làm bằng công cụ gì để đạt hiệu quả cao nhất. Bàn về chuyển đổi chức năng của Nhà nước ở ta hiện nay chính là để xác định rõ ràng chức năng cần thiết, đúng đắn của Nhà nước với tư cách là “của dân, do dân và vì dân”, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Tiến tới một Nhà nước kiến tạo phát triển
Trong nhiều năm qua, với tư duy đổi mới, Nhà nước ta đã tập trung vào chức năng chủ yếu là cải cách hệ thống thể chế từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường. Từ đó, đã dẫn đến những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đã được khẳng định. Tuy nhiên, trước yêu cầu của thời kỳ mới – thời kỳ phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, việc tiếp tục chuyển đổi chức năng của Nhà nước mạnh mẽ hơn nữa đang được đặt ra hết sức bức thiết.
Từ thực tiễn, có thể thấy chức năng quản lý của Nhà nước phải được tiếp tục đổi mới đồng bộ trong các lĩnh vực: từ tư duy quản lý đến cơ cấu bộ máy, các công cụ quản lý và đội ngũ công chức. Có thể nêu những yếu kém nổi bật nhất của Nhà nước ta hiện nay như sau.
Một là, về xây dựng thể chế, còn dùng dằng, chưa dứt khoát chuyển sang thể chế kinh tế thị trường hiện đại; chưa phát huy tốt các tiềm năng to lớn trong dân, chưa thực sự khuyến khích đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến; chưa thực sự tôn trọng các quyền cơ bản của doanh nghiệp (quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh; quyền cạnh tranh bình đẳng), vẫn còn những dáng dấp của cơ chế xin – cho. Không những thế, việc can thiệp bằng biện pháp hành chính cùng với tác động của các nhóm lợi ích đã làm cho thị trường bị méo mó, biến dạng. Mặt khác, Nhà nước còn ôm đồm, chưa mạnh dạn chuyển giao cho thị trường và các tổ chức xã hội thực hiện những việc mà Nhà nước không cần làm hoặc làm mà hiệu quả không cao. Đồng thời, sự phân tán trong quyết định thể chế lại không đi kèm với giám sát đã dẫn đến tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương có thể tùy tiện ban hành những quy định xuất phát từ lợi ích cục bộ, gây khó khăn cho dân và doanh nghiệp.
Hai là, trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật để đưa thể chế vào cuộc sống, đang có nhiều yếu kém. Đó là tình trạng bộ máy cồng kềnh, nhiều ban, bệ, lắm đầu mối, mà chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cá nhân lại chưa rõ ràng gây ra chậm trễ trong quyết định; đó là các thủ tục hành chính với hàng trăm thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu (lại thường xuyên thay đổi) gây ra biết bao tốn kém cho dân và doanh nghiệp về thời gian, tiền bạc; đó là đội ngũ công chức vừa kém về đạo đức công vụ, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đáng chê trách là có những công chức, viên chức cơ quan công quyền không lấy việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các thủ tục hành chính làm nhiệm vụ chính của mình, mà thường chờ đợi những sơ hở của doanh nghiệp, thậm chí “gài bẫy” để nhũng nhiễu, vòi vĩnh và xử phạt doanh nghiệp.
Thực trạng trên là rất đáng lo ngại khi hội nhập đang yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm, mỗi doanh nghiệp. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đã khái quát rất đúng là “Tư duy quản lý nhà nước vẫn đứng bề trên để quản lý doanh nghiệp, đặt ra bao nhiêu rào cản chứ không đồng hành với doanh nghiệp. Bộ máy của ta “nghiện” quản lý, “nghiện” ra lệnh, cơ cấu tổ chức không thay đổi, nên năng lực quản lý không thay đổi, không phải do doanh nghiệp mà chính là cơ chế quản lý đang cản trở hội nhập” (Vneconomy, ngày 27-8-2015).
Chuyển đổi chức năng của Nhà nước phải dứt khoát về các mặt: (i) Đổi mới tư duy quản lý trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước kiến tạo phát triển, tập trung sức vào xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển; (ii) Đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy: tinh gọn, bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, thực sự phục vụ dân và doanh nghiệp.
Tình thế thực sự rất gấp rút, đây chính là thời điểm để Nhà nước nhận rõ trách nhiệm trước lịch sử, chuyển đổi mạnh mẽ chức năng của mình, đúng như ý kiến của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên “Sự trói buộc đối với đất nước giờ nằm ở thượng tầng kiến trúc” (Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 36 ra ngày 3-9-2015).
Cải cách thủ tục hành chính
Trong thực tế, chính những thủ tục rườm rà, phức tạp với những chi phí chính thức và không chính thức đang gây bức xúc trong dân mỗi khi tiếp xúc với cơ quan công quyền cũng như gây thêm tốn kém về thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
Từ nhiều năm nay, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính đã được triển khai, thế nhưng, kết quả vẫn không được như ý muốn. Có thể lấy ví dụ trong lĩnh vực thuế. Đến cuối năm 2014, vẫn còn 432 thủ tục hành chính; và theo WB, số giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam là 872 giờ (riêng thủ tục thuế là 537 giờ), cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực: bình quân của ASEAN là 171 giờ, riêng thủ tục thuế là 121,5 giờ. Tại hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế” do VCCI tổ chức ngày 11-8-2015 tại Hà Nội, có những con số rất đáng suy nghĩ: năm 2014, doanh nghiệp có quy mô doanh thu càng lớn thì bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều (nhất là doanh nghiệp tư nhân) và đương nhiên tốn kém về thời gian và chi phí đón tiếp; có đến 33% doanh nghiệp cho biết là phải trả các khoản chi không chính thức và 42% cho biết nếu không chi thì sẽ bị phân biệt đối xử (như kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, với những thái độ thiếu văn minh của nhân viên thuế).
Tình trạng lạm phát các loại phí và lệ phí đang đè nặng trên vai người dân và doanh nghiệp, như nông nghiệp đang chịu đến 100 loại phí và lệ phí, riêng một quả trứng chịu đến 14 loại. Đầu tháng 9-2015, lại có dự kiến quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải có xác nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm và hồ sơ theo dõi sức khỏe của chủ cơ sở kinh doanh, v.v…
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh; trước mắt là nhanh chóng rút ngắn thời gian nộp thuế ngay trong năm 2015 này. Giải pháp đã đề ra khá đầy đủ, vấn đề là các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện thật nghiêm túc, vì một mình doanh nghiệp không thể xoay xở nổi khi hệ thống thể chế chậm chuyển mình, khi các loại thuế, phí và lệ phí cùng hàng rào thủ tục hành chính còn đang bủa vây tứ phía!
Vì vậy, rất cần rà soát lại toàn bộ các thủ tục hành chính của các bộ, ngành liên quan đến dân và doanh nghiệp, cắt bỏ ngay những thủ tục không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, đương nhiên không chỉ ngành thuế, mà còn rất nhiều ngành khác (như hải quan, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cảnh sát giao thông, môi trường, v.v…) cũng cần được rà soát lại.
Có thể nói, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Nhà nước không nên chỉ được đo bằng phát hiện được bao nhiêu vụ tham nhũng, thu về cho ngân sách được bao nhiêu tiền; hoặc bắt được bao nhiêu vụ gian lận thương mại, xử phạt bao nhiêu vụ, bỏ tù bao nhiêu người vi phạm, v.v… mà nên được đo bằng cuộc sống hạnh phúc của người dân, bằng lòng tin của dân với Nhà nước. Một điệp khúc đáng buồn thường được nhắc lại mỗi khi có vụ việc vi phạm pháp luật của người dân hoặc doanh nghiệp, như: thiếu cơ chế để xử lý (tức là phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, tăng thêm tội danh); hoặc mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe (tức là phải tăng mức tiền phạt – ví dụ cần phạt người có nồng độ cồn cao khi điều khiển môtô, xe máy lên đến 10 triệu đồng); hoặc cơ quan công quyền thiếu phương tiện theo dõi (tức là phải tăng thêm các công cụ hiện đại, đắt tiền); hoặc thiếu nhân sự (tức là phải tăng biên chế)! Nếu như thế, bộ máy sẽ tiếp tục phình ra, chi phí hành chính sự nghiệp tăng lên, ngân sách chịu sao nổi?
Chính vì vậy, việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước tinh gọn, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, thông suốt, nhanh nhạy, chấn chỉnh đội ngũ công chức, nâng cao trách nhiệm cá nhân, v.v… là rất cần thiết. Dân và doanh nghiệp đang kỳ vọng cách ứng xử thân thiện của công chức với doanh nghiệp, khi câu “cảm ơn” và “xin lỗi” xuất phát tự nhiên, tự tấm lòng công chức, chứ không vì “bắt buộc thực hiện theo quy chế”.
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)