Tôi vẫn nhớ hình ảnh chồng mình ôm siết lấy bố trong cơn điên cuồng. Anh dùng sức đàn ông khỏe mạnh để đưa muỗng cơm vào miệng ông cụ.
Đáp lại, bố anh nghiến chặt răng, không chịu hợp tác, vùng vẫy, đấm đá liên tục. Ly tách cùng với thức ăn bị hất đổ tung tóe.
Kết thúc cảnh bi thảm ấy là chồng tôi bất lực buông bố ra, ngồi bệt xuống sàn mà lẩm bẩm: Cứ nhịn thế này, bố cầm cự được bao lâu đây? Nói xong, anh bật khóc hu hu như một đứa trẻ…
Đó là những ngày bố chồng tôi bỏ ăn, nhất định không thèm há miệng, dù có dỗ ngon ngọt hay dùng mọi cách để ép uổng cũng không được. Chồng tôi thay đổi nhiều biện pháp, như miễn cưỡng thêm nước mắm (bố chồng tôi ngày còn tỉnh táo ưa ăn mặn), cho bố ăn cháo thay cơm, xay nhuyễn cháo ra thành sinh tố. Rồi thì nước yến, sữa hàm lượng dinh dưỡng cao… anh đều cắc củm mang về.
Anh nhờ một chị y tá mỗi ngày đến nhà chích cho bố mũi thuốc bổ. May thay trời thương, sau một đợt biếng ăn, bố chồng tôi khỏe lại, tiếp tục sống cuộc đời của một người đã lẫn nặng, không còn nhận biết ai, tiêu tiểu mất kiểm soát, chẳng thích mặc quần áo, nói năng cũng không ra câu ra chữ nữa rồi…
- Xem thêm: Nhờ con việc gì khó nhất?
Ai từng có giai đoạn chăm cha mẹ, ông bà già yếu nằm một chỗ hoặc lê la quên nhớ lẫn lộn, vung vãi tung hê mọi thứ, mới thấu hiểu, thấm thía đến tận cùng sự nhẫn nại, chịu đựng, kiên nhẫn, xót xa. Chỉ có tình yêu thương ruột thịt mới khiến người ta chấp nhận lau dọn, thay đồ, tắm rửa, đút ăn, chăm sóc y như một đứa trẻ, bất kể giờ giấc như thế này. Vài câu thật chẳng thể nào nói hết.
Càng không thể kể đủ sự hi sinh chồng tôi đã gánh. Anh bảo luôn hối hận vì khi xưa bố còn tỉnh táo, anh hay cãi lý với bố. Nếu cho quay lại, anh sẽ không bao giờ làm thế.
Ngần ấy năm tháng, anh chưa hề đi chơi xa, tham gia hội nhóm gì. Không có bạn bè đồng nghiệp nào ghé thăm nhà, hạn chế tối đa những cuộc vui vầy đàn đúm. Thăng tiến trong công việc là chuyện xa xỉ. Ngay cả chi dùng cho bản thân, anh cũng tằn tiện. Thế nhưng, trong khả năng của gia đình tôi, anh luôn dành cho bố điều kiện chăm sóc tốt nhất.
Đằng đẵng hơn sáu năm trời thì bố chồng tôi mất. Chừng ấy thời gian, tôi chưa từng thấy chồng mình mắng mỏ, cáu giận với bố hay than thở phân bì gì. Dù nhiều lúc vô cùng cám cảnh, chỉ biết nuốt tiếng thở dài. Mẹ chồng tôi qua đời đã lâu, anh chỉ còn có bố để phụng dưỡng. Tôi đã nghĩ rằng nếu như chồng tôi chỉ còn duy nhất một chén cơm để sống, anh chắc chắn sẽ dành cho bố. Rồi tới con. Lần lượt là vợ. Cuối cùng, mới đến chồng tôi.
- Xem thêm: Con không có cha…
Bây giờ, ba ruột của tôi đang ở cùng gia đình tôi. Tôi đùa với chồng rằng nhà mình hay thật, luôn có một người già đau ốm sống cùng. Anh cười rất hiền, chẳng nề hà tính toán, lại bảo ba ở với chúng ta là phải rồi. Ba tôi chưa tới bảy mươi, trải qua vài đợt tai biến, chân đi hơi khập khễnh nhưng vẫn còn tự lo được. Mai này, không ai dám nói trước. Nhưng tôi tin rằng dù khó khăn thế nào, chúng tôi đều có thể đối diện. Những đứa trẻ lớn lên trong nhà sẽ không lạ lẫm hay sợ hãi, càng chẳng chối bỏ hay sợ tốn kém, mất mặt gì.
Bởi bọn trẻ lớn lên trong cùng mái nhà với bố tôi, với chồng tôi, với ba tôi, với rất nhiều yêu thương đang chắt chiu hằng ngày…
“Ba các con là người có hiếu một cách đặc biệt, rất hiếm hoi mà mẹ biết”, tôi từng nói với hai đứa con mình như thế. Tôi muốn hai đứa trẻ nhìn nhận việc ông nội đau ốm, kỳ quặc, lẫn lãng ấy là chuyện hiển nhiên bình thường của kiếp người. Ai trong chúng ta rồi cũng già, cũng lắm bệnh nhiều tật. Cũng chỉ còn biết nương cậy vào con, vào cháu thôi mà…