Nhiều người nói ngay: nhờ con nuôi mình.
Cha mẹ nghèo khó , không có tài sản gì lại còn hay đau ốm và khó tính, con cái phải nuôi những bậc sinh thành như thế rõ là khổ thật. Cha mẹ sống thọ, ai cũng chúc mừng, chả lẽ con không mừng. Nhưng ông cha ta xưa nhiều khi nói đúng sự thật: “Cha già, nhà dột” – hai nỗi khổ to lớn đấy.
Bây giờ nhiều bậc phụ mẫu về già có lương hưu, nếu không cũng có khoản dành dụm lo tuổi già xế bóng. Nhược bằng phải sống nhờ vào con cái là điều nhiều bậc cha mẹ già sợ nhất, dù về mặt đạo lý thì đã có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”. Biết bao người trên thế gian này muốn được báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục “như núi Thái Sơn” chứ không phải ai cũng bất hiếu, bất kính đối với cha mẹ. Nhưng nuôi cha mẹ già đây không chỉ là bữa ăn hằng ngày, giấc ngủ mỗi đêm mà quan trọng hơn nhiều là chăm sóc đời sống tinh thần của song thân – điều đó mới khó.
- Xem thêm: Giấy tờ các cụ, rắc rối quá!
Ngày xưa hàn vi, sống chật chội mà đạo nghĩa tôn ty, trên dưới thuận hòa. Ngày nay thôi thì cá tính cá nhân, sống cho riêng mình, kém chịu đựng nhau lắm. Cảnh sống chung cha mẹ với con cái không chỉ có những khác biệt về giờ giấc sinh hoạt, sở thích ăn uống mà ngay cả trong những suy nghĩ, thậm chí nói năng, trò chuyện với nhau cũng khó.
Bây giờ lại có phương châm “Người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Đã già thì yếu. Đã yếu thì khó mà vui. Già yếu mà phải sống có ích thật khó quá. Chưa hết, người già còn không được phép… lạc hậu. Sống với con cái, biết bấm nồi cơm điện là chưa đủ. Nhiều nhà còn trang bị máy ủ, máy nướng, máy rửa chén, máy giặt, máy hút bụi…, chưa kể có cả “con người máy” lau nhà. Có phải bậc cha mẹ nào cũng biết thao tác những thứ máy móc đó. Chưa kể phải rành rẽ máy tính, điện thoại thông minh nữa. Nhiều ông bà không ưa cái điện thoại di động, con mua cho chẳng mấy khi dùng đến, lại cất vào… túi quần treo trong nhà tắm, gọi đâu có nghe.
- Xem thêm: Quanh cái bàn ăn, giá trị của mái ấm
Rồi cái máy tính hay laptop con mua cho để cha mẹ “lên mạng cho đỡ buồn” hay gửi “meo” cho bạn bè v.v… nhưng con chỉ vẽ mãi vẫn không rành rẽ, cứ điện thoại réo hỏi khi con đang bận việc túi bụi ở chỗ làm. Mà những gì cần hỏi con thì nhiều lắm. Có cụ ông, cụ bà bây giờ còn thích lên “phây”, chát chiếc, gửi hình ảnh, video cho bè bạn ở xa. Không quen, lại gọi điện hỏi con khiến nó điên cái đầu, nó cáu, nó xẵng giọng! Riết rồi ngại, không dám làm phiền con cái.
Có một cuộc giao lưu với học sinh một trường nọ, chủ đề về quan hệ cha mẹ – con cái, riêng chuyện cái máy tính mua cho bố mẹ, có bạn nói: “Khổ lắm, các cụ cứ hỏi mãi chuyện dễ ợt mà giải thích bao nhiêu lần vẫn không nhớ thì làm sao không nổi điên!”. Diễn giả bèn lấy ví dụ: “Ngày bạn còn bé thơ, cha mẹ phải dìu bạn từng bước đi, rồi có những lúc bạn té ngã, cha mẹ có bao giờ nổi điên lên, quát bạn: Loài người sinh ra ai cũng biết đi, dễ như thế sao mày cứ té ngã mãi”.
Với nhiều bậc cha mẹ thời công nghệ số, phải chăng sợ nhất là chuyện hỏi con cách dùng máy tính, điện thoại thông minh?
- Xem thêm: Tại số…mạng cuộc đời!