Quay quanh trái đất mỗi vòng mất 11 giờ 58 phút, các vệ tinh thuộc Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ giống như những chiếc đồng hồ nguyên tử giữ trọng trách “đồng bộ hoá” các bánh răng điện tử của nền văn minh, giữ cho dầu bơm qua đường ống, tiền mặt chày vào các máy ATM và tên lửa “khoá” chính xác mục tiêu cần tiêu diệt. Do quân đội Mỹ phát triển, nhưng được sử dụng dân sự trên quy mô toàn cầu và tạo ra cuộc cách mạng về lưu thông, từ lâu GPS đã được xem là “gót chân Achilles” dễ bị phá hoại.
“4 tay chơi chính”: Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU
Thế giới càng phát triển, các hệ thống vệ tinh định vị và lưu thông toàn cầu (satellite navigation and positioning system) càng quan trọng hơn trong cuộc đối đầu địa chiến lược giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc. Suốt nhiều chục năm, các hệ thống GPS của Mỹ và GNSS của Nga đưa lên từ thời Chiến tranh lạnh độc quyền thống trị quỹ đạo.
Nhưng đến ngày 23-6-2020, đã có thêm “tay chơi” mới khi vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc có tên BeiDou được đưa thành công lên quỹ đạo. Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết tâm hoàn thành hệ thống định vị toàn cầu riêng Galileo trong năm 2020 để giảm lệ thuộc vào Mỹ. Như vậy, trước mắt thế giới đã có 4 hệ thống định vị toàn cầu là đối thủ của nhau.
BeiDou được xem là “bổ sung quan trọng” về cơ sở hạ tầng cho tham vọng “Một vành đai Một con đường” (Belt and Road Initiative) của TQ trong chính sách đối ngoại. Giống như các hệ thống lưu thông toàn cầu khác, BeiDou cung cấp những compass số (digital compass) và bản đồ giúp Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) “khoá” chính xác mục tiêu.
Trong khi đó, GPS của Mỹ ngày càng dễ bị tổn thương bởi đòn tấn công làm nghẽn đường truyền, tấn công mạng hay bằng đạn bắn từ vệ tinh đối phương. GPS đã cũ nên cần nâng cấp cả về sức mạnh hơn lẫn tuổi thọ. Hiểu rõ yêu cầu này nên chỉ một tuần sau khi BeiDou phóng xong tất cả vệ tinh, Uỷ ban quân vụ Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật thay thế hệ thống GPS trong 3 năm tới.
Phản ứng nhanh chóng này cho thấy những người có trách nhiệm về bảo vệ an ninh cho nước Mỹ đã thấy được điểm yếu của GPS III nếu bị tấn công, nâng cấp cũng không giải quyết được hết vấn đề mà phải thay bằng một hệ thống mới đủ sức vô hiệu hoá mọi ý đồ phá hoại của đối phương. Một số chuyên gia vệ tinh Mỹ muốn thay thế GPS hiện nay bằng hệ thồng hàng trăm vệ tinh mini kích thước nhỏ hơn con chuột cống gọi là “cube sat”.
Lực lượng không gian vũ trụ mới thành lập của Mỹ sẽ đảm trách chính nhiệm vụ này. “BeiDou tạo ra thách thức cho cả quân đội, thương mại và chính trị của nước Mỹ – Rick Fisher, chuyên viên cao cấp tại Trung tâm chiến lược và dự báo quốc tế (IASC), nhận định – Hệ thống BeiDou vừa hoàn thành sẽ cho phép PLA tác chiến tốt hơn trên quy mô toàn cầu và tăng khả năng khoá chính xác mục tiêu của vũ khí hạt nhân và quy ước.
BeiDou còn là hệ thống gửi tin nhắn thứ hai từ không gian, trợ thủ của hệ thống dưới mặt đất mà các đơn vị PLA trú đóng gần hay xa lục địa Trung Quốc đang sử dụng”. Ngoài việc xây dựng BeiDou, PLA cũng phát triển vũ khí làm mù, làm mất phương hướng, thậm chí phá huỷ GPS của Mỹ.
Fisher nhấn mạnh: “PLA biết rằng hệ thống vệ tinh quân sự Mỹ được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nên việc tấn công vào các chúng sẽ làm tê liệt hay giảm đáng kể độ chính xác của vũ khí Mỹ, đặc biệt là vũ khi hạt nhân và khả năng phản ứng nhanh của Mỹ khi Trung Quốc tấn công vào các mục tiêu chiến lược như Đài Loan”.
Tử huyệt của GPS là “thời gian”
Dean Cheng, nhà nghiên cứu tại Hội Heritage Foundation nêu ra tử huyệt của GPS: “Phải hiểu cho đúng, GPS không đơn thuần là hệ thống lưu thông (navigation system) như nhiều người nghĩ mà là hệ thống xác định chính xác thời gian (timing system). Nếu tấn công được vào ‘tử điểm’ thời gian của GPS, các tên lửa sẽ đi chêch hướng, xe tăng sẽ bắn vào tượng… Nữ thần Tự do và các máy bay sẽ đâm đầu xuống đất. Sự thật là thế”.
Nói vậy để thấy, nhiệm vụ thời gian của GPS là quan trọng hơn nhiệm vụ lưu thông khi nước Mỹ tấn công. Có quá nhiều cơ sở hạ tầng trên trái đất (từ các nhà máy phát điện, đường dây truyền tải điện dài hàng chục ngàn km, các trạm bơm nhà máy thuỷ điện và cấp nước) đang dùng tín hiệu thời gian (timing signal) để bảo đảm tất cả đều vận hành suôn sẻ, chính xác từng giây.
“Ví dụ dễ hình dung nhất về tầm quan trọng của tín hiệu thời gian là các đường ống dẫn dầu. Để tránh tạo ra những gợn sóng áp lực, vô số những máy bơm phản hồi (relay pump) trong đường ống phải hoạt động đồng bộ. Chính các tín hiệu thời gian gửi từ GPS (mỗi vệ tinh giữ vai trò như đồng hồ nguyên tử) đã giúp mạng đường ống làm tốt việc này.
Ngay cả những giao dịch cổ phiếu tự động cũng trông cậy vào tín hiệu truyền từ GPS” – Cheng nói. PLA ý thức được tầm quan trọng của GPS. Nó biết là nếu can thiệp vào tín hiệu GPS của đối phương thì không chỉ làm chệch hướng tên lửa, mà còn gây ra thiệt hại chiến lược đáng kể cho kẻ thù ngay trên lãnh thổ của chúng mà không cần phóng một tên lửa liên lục địa ICBM (intercontinental ballistic missile) nào cà.
Tiến sĩ Robert J. Bunker, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược (Strategic Studies Institute) thuộc Đại học U.S. Army War College, bổ sung: “Học thuyết quân sự của PLA gồm cả việc làm suy giảm sức mạnh và nếu có thể, tấn công hệ thống GPS Mỹ trong cả thời bình lẫn thời chiến. Hệ thống BeiDou (BDS) mới hoàn thành là nhằm chiếm lợi thế về kinh tế, chính trị và phát triển khả năng tấn công chính xác mục tiêu; tấn công phủ đầu tất cả các vệ tinh không gian C4ISR của Mỹ (viết tắt của Command, Control, Communications, Computers, Intelligence, Surveillance, and Reconnaissance; gồm các vệ tinh do thám và chỉ huy tác chiến của quân đội) và làm tê liệt GPS của đối phương nếu xảy ra chiến tranh. Nói rõ hơn là PLA vẽ ra cảnh quan của một cuộc chiến tranh tương lai liên quan đến việc phá huỷ cơ sở hạ tầng định vị và lưu thông của đối phương”.
Những kiểu đánh phủ đầu
Ngoài việc bị tấn công bằng chất nổ, theo Bunker, các vệ tinh có thể bị tấn công bởi những tia năng lượng như tia laser cực mạnh hoặc có thể bị “xung điện từ” (electromagnetic pulse) phát ra từ một vũ khí hạt nhân hay từ vũ khí phát vi sóng chính xác (precise microwave-emitting device) làm cháy các mạch điện. Tấn công còn đến từ những vệ tinh tuần tra cơ động sử dụng các cánh tay robot hay các thành phần huỷ diệt khác mà đối phương đưa lên quĩ đạo.
Tin tình báo cho thấy từ 2012, TQ đã thử nghiệm trên quĩ đạo giữa của trái đất những công cụ chống vệ tinh điều khiển bằng hệ thống DN-2 dưới mặt đất. “Phát hiện này cho thấy Trung Quốc đã có thể tấn công vào hệ thống GPS của Mỹ từ giữa thập niên 2000 – Fisher nói – Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng Trạm không gian đầu tiên vào năm 2021 bằng những khoang rời (module) kết nối với nhau giống Trạm không gian MIR của Liên Xô trước đây thì sẽ có một số module sẽ giữ vai trò tấn công GPS và các vệ tinh đối phương”.
- Xem thêm: Cuộc đua vũ khí hoá không gian
Theo Cheng, việc phá huỷ vệ tinh từ trái đất bằng tên lửa không hề dễ dàng nên Trung Quốc còn do dự khi xây dựng hệ thống tấn công từ dưới mặt đất. Một lý do nữa là đa số trong hơn 30 vệ tinh của GPS không đi qua bầu trời Trung Quốc, vì vậy bắn rất khó trúng. Nhưng tương lai có thể khác. Cheng xem giải pháp tấn công trên không gian mạng (cyberattack) là chọn lựa khả thi. “Chúng ta đang nói đến một loại vũ khí có thể làm tê liệt toàn bộ GPS. Không giết ai, không làm thiệt hại gì mà chỉ vô hiệu hoá các vệ tinh hoặc gây nhiễu tín hiệu thời gian của chúng – ông nói – Một dạng khác của tấn công điện tử là làm nghẽn đường truyền tại trạm nhận tín hiệu trên mặt đất khiến tín hiệu không thể lưu thông bình thường.
Một cách khác là đưa lên quĩ đạo công cụ làm nghẽn tín hiệu. Làm nghẽn và tấn công mạng để vô hiệu hoá GPS phù hợp với học thuyết chiến tranh không gian của PLA”. Tuy nhiên, theo Chen, tấn công chỉ nhắm vào GPS không thể dẫn đến chiến thắng, mà phải có thêm các hoạt động quân sự, kinh tế và ngoại giao nữa. Grey Autry, chuyên viên không gian và đồng tác giả cuốn sách nổi tiếng Death by China đã cảnh cáo về mối đe doạ của Trung Quốc trong hơn 20 năm qua.
Ông nói: “Trong 2,3 năm tới, cộng đồng quốc phòng thế giới sẽ thấy mối đe doạ này hiện rõ. Do quá bận rộn chống khủng bố tại những điểm nóng khác, phương Tây không chú ý đến những gì Trung Quốc đang làm, Nhưng bây giờ, trong đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã thấy Trung Quốc là kẻ đáng nghi ngại nhất”. Autry đồng ý với Cheng, GPS là một mặt trận quan trọng trong âm mưu chiếm thế thượng phong trên bàn cờ thế giới của Trung Quốc. “Âm mưu này được tiến hành có hệ thống và mang tinh chiến lược. Tiếc thay phải chờ Covid-19, Mỹ và phương Tây mới ý thức được vấn đề này” – ông nhận định.
Nga và cuộc thử nghiệm đáng ngờ
Không gian là một môi trường rất nguy hiểm với nhiều tia bức xạ, nhiệt độ nóng cực kỳ khiến các vệ tinh có thể bất đắc kỳ tử nếu chất lượng kém hoặc bị tia vũ trụ và thiên thể chạm vào. Nhưng con người không thể lên quỹ đạo để kiểm tra vệ tinh đối phương có bị “chết” hay chưa sau một cuộc tấn công mạng. Một quốc gia cũng không thể lên không gian để điều tra đối phương có âm mưu gì trên đó.
Lấy ví dụ, mới đây, dù không có bằng chứng, Mỹ và Anh vẫn tố cáo Nga đang thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trong không gian. Nếu tố cáo đúng thì đây là một dấu hiệu mới cho thấy cuộc chạy đua vũ khí không gian đang nóng dần. Tướng John Raymond, tư lệnh Lực lượng không gian (Space Force) của Mỹ, cho biết: “Cuộc thử nghiệm bắn đạn từ vệ tinh quân sự Kosmos 2543 được Nga tiến hành vào ngày 15-7 là bằng chứng về việc Nga vẫn liên tục phát triển và thử nghiệm các hệ thống tấn công trên không gian trong học thuyết quân sự để đưa những vệ tinh của Mỹ và đồng minh vào tầm ngắm”.
Ông nhắc lại: “Viên đạn được phóng vào đầu năm nay từ một trong 2 vệ tinh Kosmos 2542 và Kosmos 2543 đang di chuyển của Nga gần vệ tinh giám sát quân sự Mỹ KH-11 (nhiệm vụ của nó là phân giải các bức ảnh do viễn vọng kính Hubble gửi về trái đất) rất giống cuộc thử nghiệm được che giấu năm 2017. Bị Mỹ phản ứng, Nga phải đưa các vệ tinh này ra xa hơn. Nhưng 6 tháng sau, Kosmos 2543 lại được phóng lên với nhiệm vụ tương tự!”.
- Xem thêm: ‘Quan tài hạt nhân’ của Mỹ
Phía Nga luôn khẳng định các hoạt động trên không gian là “hoà bìn”. Người cầm đầu lực lượng không gian Anh, tướng không quân Harvey Smyth cũng quan tâm đến việc vệ tinh Nga phóng thử đạn diệt vệ tinh gây nguy cơ cho các hệ thống vệ tinh và không gian đang phục vụ thế giới. Từ các phản ứng của Anh và Mỹ, các nhà quan sát đặt câu hỏi: Thế giới đã bước vào cuộc chiến tranh không gian chưa?. Hiện chưa có bằng chứng xác thực nào về viẹc phóng đạn diệt vệ tinh từ không gian. Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc từng phá huỷ các vệ tinh bị hỏng của họ bằng tên lửa bắn từ biển và đất liền. Đến nay, đa số các hoạt động quân sự trong không gian là bí mật.