Tháp Nhạn đã được xây để thờ xá lợi chăng? Như vậy thì Nghệ An đã là đất Phật rất sớm, sớm từ lúc rạng đông của những khởi nghĩa tự chủ. Thiếu sử liệu chính xác, sự thật chỉ còn trông chờở khảo cổ học. Thế là tháp Nhạn được khai quật và lòng đất mang lại cho Nghệ An một hãnh diện phi thường: hình như báu vật được khám phá có thể là xá lợi thật. Đó là một hộp hình chữ nhật bằng đồng, bên trong là một hộp nhỏ bằng kim loại màu vàng chứa tro và một viên tròn rỗng, màu trắng. Nhà khảo cổ quả quyết: đích thực là xá lợi. Xác quyết ấy có thể làm choáng váng mọi người, cho nên hộp đồng được cất giữ.
Cổng chùa Diệc
Chúng tôi đến Nghệ An để tham dự vào việc tổ chức Tuần Văn hóa Phật giáo vào giữa tháng Tám năm nay, 2012. Chọn Nghệ An là một lẽ tất nhiên. Đất ấy là địa linh nhân kiệt. Đất ấy là tuyến đầu của tổ quốc, có vị trí đặc biệt trong việc tiếp thu văn hóa, nhận Phật giáo từ cả hai đường, từ bắc xuống bằng đường bộ, từ nam lên bằng đường biển, cho nên nhận rất sớm và rất mở mang. Mở mang đến nỗi Nghệ An được mệnh danh là đất của năm trăm ngôi chùa. Năm trăm ngôi! Không tưởng tượng nổi. Huế của tôi, thường tự hào là đất chùa, đếm cũng không đến một nửa, một phần ba. Và Huế làm sao có được tháp Nhạn, có được của báu dưới lòng đổ nát? Chẳng lẽ chúng tôi không tìm đến Nghệ An như tìm đất hành hương? Huống hồ Nghệ An đánh trong lòng chúng tôi một dấu hỏi lớn: năm trăm ngôi chùa ấy bây giờở đâu? Chẳng lẽ đất Phật ngày xưa không thì thầm nói lên tiếng gì trong tâm khảm người dân xứ Nghệ ngày nay? Chẳng lẽ sợi tóc của Phật được nhân dân Miến Điện xây chùa vàng đẹp nhất nước để thờ, còn viên tròn màu trắng kia cứ nằm mãi trong nghi vấn? Chúng tôi không đến Nghệ An để chiêm bái thì đi đâu?
Vậy là chúng tôi hành hương. Này là di tích chùa Đại Tuệ ngự trị trên núi cao, chung quanh bao la một dải Hồng Lĩnh. Này là chùa Diệc, hoang tàn đến động lòng, chỉ còn trơ trọi một cổng tam quan, nhưng là một tam quan tài sắc. Và này, tháp Nhạn đây rồi, chao ôi, chỉ gạch vụn với đất bùn. Gạch vụn cả chăng? Tổ tiên ơi, ai xúi giục bước chân chúng tôi bước đến, ai xúi giục con mắt chúng tôi nhìn vào cái màu hồng hồng đàng kia, nằm lẫn trong bùn? Lượm lên, phủi sạch đất, viên gạch màu hồng để lộ nguyên hình ba vị Phật nét mặt còn tươi. Nhà khảo cổ khi nãy giải thích: tháp Nhạn được xây toàn gạch, bề mặt ngoài của tháp được trang trí bằng nhiều viên gạch có vẽ hình tam thế Phật, hộp xá lợi được đặt trong một thân gỗ rỗng lòng, chôn theo tư thế thẳng đứng ở chính giữa lòng tháp. Chỉ viên gạch tình cờ khám phá ấy thôi, cũng đủ quỳ lạy rồi. Không phải lạy Phật đâu: lạy cái văn hóa đã un đúc nên dân tộc nước này.