Trên Facebook, một cô bạn của bà xã tôi phổ biến cách làm bánh ú lá tro, vì sắp đến ngày lễ giết sâu bọ. Cô ấy cho lên hình hai cái bánh đã bóc ra màu vàng ươm hơi ửng đỏ trông ai cũng muốn ăn. Bà con vào “còm men” (nhận xét) rất hào hứng – chắc tại toàn là thế hệ không vào bếp nên lấy làm kính phục lắm! Vài bữa sau thấy hình cô cho lên, cũng hai cái bánh nhưng là sản phẩm thực hành của cô.
Chẳng thấy màu vàng ươm trong suốt đâu. Chỉ thấy bánh còn rõ nguyên hạt cơm, màu xanh lợt, đứng… gù lưng méo xẹo. Cô viết: “Rõ ràng bánh có… ú mà!”. Bà xã tôi cười ngất, giải thích thêm: “Cái này lỗi chỉ tại… Trần Văn Mua!”.
Cô ấy nói: “Anh biết không, bây giờ trình độ “ngửi” của người Việt Nam đang tranh tài dự thi nhất nhì thế giới đấy nhé”. Tôi hỏi: “Có giống cái vụ Việt Nam hạnh phúc thứ nhì thế giới không đấy?”.
Cô ấy trả lời: “Thôi, đừng nhắc đến chuyện tào lao đó. Làm tụi bạn người nước ngoài của em gửi mail chúc mừng em quá trời. Biết làm sao được, em phải cảm ơn rồi giải thích lịch sự: “Bạn biết không, dân tộc tôi có tinh thần lạc quan! Họ luôn nghĩ rằng ngày mai sẽ tốt! Mà một khi chỉ ngày chưa tới mới tốt, thì ngày hôm nay là cái gì, chắc bạn hiểu”.
- Xem thêm: Kiên quyết… không mua
Đó là em nói lịch sự với bạn nước ngoài. Còn đám bạn cơ quan em thì bật cười nói làm sao bắt các vị nghiên cứu ấy sang đây, cho dầm mưa trong kẹt xe cả tiếng đồng hồ hoặc chờ cả ngày mới được khám bệnh trong bệnh viện công để biết thế nào là hạnh phúc”.
Còn về cái vụ tranh tài “ngửi” với thế giới thì là sự thật hẳn hoi, là cuộc thi bartender, pha chế và ngửi rượu. Một nghề mới trong dịch vụ ẩm thực du lịch, người Việt đã có mặt và chiếm lĩnh đỉnh cao.
Hà Nội của chúng ta cũng có mặt trong danh sách các thành phố ẩm thực của thế giới. Ai cũng biết, đến Hà Nội mà không đi ăn quà vặt thì cũng như chưa đến, chưa biết Hà Nội. Rõ ràng về chuyện ăn uống tinh tế, biết ăn ngon mặc đẹp thì nước ta đâu có thua bất cứ xứ nào.
Cô ấy hào hứng: “Anh đi nhà hàng thì thấy rồi đó. Nhìn vào thực đơn nhiều người chẳng biết món gì là món gì cả. Có nhiều món bảo đảm mẹ của em cũng chịu chết, chưa nghe bao giờ. Thí dụ: bánh crepe socola xốt việt quất, bánh bao nướng nhân xá xíu, trứng cút bọc thịt xốt cà, gà nấu trái vải…
Gà với trái vải thì các cụ biết từ lâu, nhưng đem hai thứ nấu với nhau thì do con cháu sành ăn ngày nay nghĩ ra. Hoặc là đã có từ thời xưa, dành cho các bậc đế vương, dân thường chẳng bao giờ được ăn nên không biết.
Ngay như mẹ của em thuộc diện con gái đảm đang Hà Nội hẳn hoi cũng chỉ biết nấu cỗ thịt gà luộc, canh măng lòng xào, chả giò. Giỏi hơn nữa thì giã giò làm mọc. Chứ đến em đây thì…”.
Cô ấy không nói tiếp (dại gì tự phê bình), rồi kể ra như tự biện minh: “Chợ chẳng thiếu thứ gì. Từ quả cà, dưa muối, củ khoai trái bắp cũng luộc sẵn. Đồ ăn chay cũng có đủ, chỉ mỗi tội hơi mắc. Hàng ăn có khắp nơi, lại ngon, tội gì mà phải nấu nướng”.
Đến lượt tôi phản công: “Có nhớ lần đi ăn phở không? Tô phở thanh lịch mà lại biến hóa đầy ắp những gì không biết. Vừa bước vào cửa đã sặc mùi quế hồi quyện với nước tương như bước vào tiệm thuốc bắc.
Phở là nước phải thanh tú, trong trẻo và ngọt do xương, chứ đâu cho vào cả muỗng bột ngọt như vậy. Phở ăn với hành tây, hành lá, tương ớt thứ thiệt chứ đâu ăn với rau húng quế, cái thứ chỉ ăn kèm với thịt chó?”.
Cô ấy nói do tôi khó tính. Đến truyện cổ tích sang xứ khác cũng phải biến tướng, dị bản, huống gì món ăn. Người Bắc ăn mặn, người Trung vừa mặn vừa cay. Người Nam ăn ngọt lai Tàu, Thái… Chẳng biết có đúng không, nhưng đi đâu phải theo đó chứ cứ khư khư giữ khẩu vị thì chỉ có nước tự nấu lấy mà ăn.
Tôi cãi: “Tự làm không chỉ có ngon thôi, mà còn nhiều cái khác. Em nhớ hôm sinh nhật chú Tư không? Chú đang du học, mình ở Sài Gòn tổ chức mừng chú bữa bún chả Hà Nội, dù là “ăn” trên Facebook do mình đưa hình lên. Vui quá chừng. Có cả quay phim ghi hình thằng cháu nhỏ ngồi bên bếp than đang cười toe toét. Ở thành phố mà có chỗ để quạt than nướng chả đã là chuyện nhiều người thèm.
Là bởi ở nhà hộp hoặc căn hộ, đến cái chỗ đốt vàng mã cũng chẳng có. Nên thị trường nhạy bén bán ngay cái thùng nhỏ chuyên dùng để đốt vàng mã cho các gia đình thành thị, suốt cuộc đời bỏ ra một đống tiền mua căn hộ, bị nhốt trong bốn bức tường.
- Xem thêm: Xã hội… ăn vặt
Thị trường cái gì cũng có, cứ có tiền là xong hết. Thế nên em mới có cô bạn tập làm bánh ú. Không thành công là chỉ tại ông… Trần Văn Mua, nghĩa là cái gì cũng đi mua hết, không tự làm”.
Tôi nhắc lại cái vụ… “bánh đúc phi tang” của cô ấy dạo nào. Bánh đúc làm xong, hạt đậu phộng chưa chín hẳn, bánh thì nhõng nhẽo không đông cứng lại. Đành phải đem cho bớt để… phi tang. Mà thật lạ, ông anh nhà giàu đủ món ngon vật lạ nên chán, nghe gọi điện hỏi có ăn bánh đúc không thì thèm quá gật đầu ngay, nhà xa cũng cho tài xế đến lấy. Về ăn uống sao không biết, thấy gọi điện khen ngon rối rít…