Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 22-3 tại Hà Nội đã ghi nhận những yếu tố tích cực giúp nhà đầu tư có thêm sự chọn lựa trên con đường làm ăn. Năm nay có một điểm được sự quan tâm của nhiều người. Đó là Đà Nẵng sau bốn năm liên tiếp đứng ở vị trí thứ nhất đã nhường chỗ cho Quảng Ninh trong bảng xếp hạng.
Việc soán ngôi của Quảng Ninh cũng không quá bất ngờ, khi ở bảng xếp hạng năm 2016 tỉnh này đã đứng thứ hai với 65,60 điểm, ở trong nhóm điều hành rất tốt.
Giới chuyên gia và những người trực tiếp khảo sát PCI đều có nhận định giống nhau là địa phương này đã có nhiều ý tưởng cải cách, được thực hiện một cách chắc chắn và hiệu quả.
Đáng kể hơn cả là năm qua Quảng Ninh đã đi tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, kết nối và giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp, tránh tình trạng quá tải gây tác động tiêu cực. Đây chính là điều các tỉnh thành cả nước cần học hỏi.
Qua chỉ số PCI năm 2017, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành, và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong Top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.
Theo đánh giá của Trưởng ban Chỉ đạo PCI, điểm số PCI trung vị có được cải thiện, dù đang có sự chững lại của các ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, điều đó cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành Trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.
Rõ ràng yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30 – 50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng.
Tuy vậy, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI trong buổi lễ công bố cho rằng môi trường kinh doanh vẫn còn những điểm tối: tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đặc biệt, năm 2017, vẫn còn trên 59% doanh nghiệp cho biết họ tiếp tục phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức.
Bình luận thêm về con số nói trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI nhấn mạnh dù gì đi nữa thì đây cũng là cải cách nổi bật, khi mà nhiều năm qua tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức đều ở mức 66%.
Tiếp theo những điểm tối, ông Lộc nói rằng doanh nghiệp cũng đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp…
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thông tin đáng chú ý tiếp theo từ VCCI là tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần hai lần GDP) nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN…
Đây là hậu quả của tình trạng chất lượng quản trị doanh nghiệp của chúng ta thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
Từ thực tế trên, có một vấn đề cấp bách đặt ra là cần sớm quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính.
Nhìn một cách lạc quan qua chỉ số PCI 2017, các địa phương đã có nhiều cố gắng đáng kể. Quảng Ninh, Đà Nẵng và Đồng Tháp là ba tỉnh thành có nhiều sáng kiến trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng, lập kỷ lục 10 năm liên tiếp nằm trong nhóm 5 bảng xếp hạng PCI. Bến Tre lần đầu tiên bước vào nhóm năm tỉnh, thành phố dẫn đầu, với những cải thiện rõ rệt trong chỉ số Tính năng động tiên phong của chính quyền và Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vị trí số 8, còn Hà Nội đã vươn từ vị trí thứ 14 lên thứ 13. Cả hai thành phố lớn nhất nước đều chỉ nằm ở nhóm có chất lượng điều hành khá.
Vị trí cuối bảng đã không còn nằm ở miền Bắc như năm trước mà đã được chuyển sang một tỉnh Tây Nguyên là Đắk Nông.
Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Chỉ số này được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.
Thông tin từ VCCI cho biết, cuộc điều tra PCI 2017 nhận được sự phản hồi của 10.245 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 2.003 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2016 và 2017) và 1.765 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 47 quốc gia đang hoạt động tại 21 tỉnh, thành phố.
Giới đầu tư đang kỳ vọng chỉ số PCI năm 2018 tới đây sẽ có thêm thông tin tích cực hơn nữa, giúp họ tăng thêm sự chọn lựa trong tình hình kinh doanh dự báo có nhiều thay đổi.
-Ảnh Khánh Giang