Năm 2017, du lịch Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu đáng kể, chính quyền thành phố cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào GRDP của thành phố đến hơn 24%, tạo việc làm cho hàng chục ngàn người dân thành phố và các tỉnh thành lân cận. Trước cơ hội phát triển đó, một chuyên gia về khách sạn và du lịch: ông Nguyễn Đức Quỳnh – Phó tổng giám đốc Furama Đà Nẵng đã có những chia sẻ thiết thực với chúng tôi.
Là người có quá trình gắn bó lâu năm với ngành du lịch ở Đà Nẵng, ông đánh giá như thế nào về tăng trưởng trong ngành này của thành phố lớn nhất miền Trung năm 2017?
Trong năm qua, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng tăng hơn 39%, cho tổng thu gần 20 ngàn tỉ đồng. Tổng lượng khách du lịch đạt 6,6 triệu lượt với lượng khách quốc tế tăng mạnh, đạt 2,3 triệu lượt, chiếm đến 30% tổng lượng khách. Rõ ràng, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của cả trong nước và quốc tế. Tỷ lệ lấp đầy ở các khu nghỉ dưỡng tăng lên mức 70 – 85%, thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai các dự án, kéo theo các dịch vụ hậu cần du lịch và cả bất động sản cũng năng động hơn. Năm 2017, du lịch Đà Nẵng đang đi đúng định hướng, chú trọng phát triển trọng điểm thành thành phố du lịch, từ đó khuyến khích sự bùng nổ của các dự án nhà hàng, khách sạn, các trung tâm mua sắm và dịch vụ giải trí. Thành phố còn thu hút các chương trình lớn từ các nơi, trở thành chủ nhà của nhiều sự kiện lớn như Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa Quốc tế, Tuần lễ APEC 2017 cũng như những cuộc hội nghị quốc tế lớn. Đà Nẵng hiện không chỉ là một thành phố đáng sống mà còn là một thành phố biển lý tưởng cho khách du lịch nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, ảnh hưởng tới ngành du lịch mà thành phố cần phải có giải pháp ngay trong năm 2018. Đó là vấn đề môi trường và sự quá tải của cơ sở hạ tầng giao thông.
Từ góc độ một người làm du lịch, theo ông, giải pháp cho những vấn đề bất cập này là gì?
Theo tôi, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và lãnh đạo ngành du lịch thành phố là những người cầu thị, đã tổ chức được nhiều hội nghị để lấy đóng góp từ các doanh nghiệp khách sạn và lữ hành, từ đó đã nắm rõ những vấn đề bất cập và đang có chính sách để xử lý cụ thể trong năm 2018. Thành phố sẽ ưu tiên hàng đầu việc giải quyết vấn đề xử lý nước thải ra môi trường, nhất là ra biển. Trong lĩnh vực giao thông sẽ có những kế hoạch để cải thiện chất lượng, cụ thể như xây dựng thêm cầu vượt ở những giao lộ trọng yếu, xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa và chuyên cho các tàu vận chuyển container, theo đó cảng Tiên Sa sẽ được cải tạo trở thành cảng du lịch. Tôi cũng đánh giá cao những nhìn nhận và phương án xử lý có tầm nhìn xa của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, ví dụ như việc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải lập kế hoạch mở rộng sân bay Đà Nẵng, đón đầu lượng khách du lịch tăng lên trong tương lai, đặc biệt là khi số lượng phòng Đà Nẵng năm 2018 dự kiến lên đến hơn 32.000 phòng.
Trong tầm nhìn dài hạn, ông có nghĩ đến việc Đà Nẵng phải định hình như thế nào để thu hút khách du lịch nhiều hơn?
Tôi cho rằng Đà Nẵng đã sẵn sàng để trở thành một thành phố toàn cầu. Thành phố này đang sở hữu bãi biển được vinh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Hiệu ứng từ sự kiện APEC vừa rồi cũng đã thể hiện Đà Nẵng sẵn sàng chào đón du khách hội nghị cũng như du lịch thuần túy với các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Đà Nẵng đang dần trở thành thương hiệu du lịch toàn cầu khi nhiều thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới đã có mặt ở đây, tạo nên những nét văn hóa dịch vụ pha trộn với tính hiếu khách của địa phương. Đặc biệt, không thể không nói tới một thế mạnh khác của Đà Nẵng: Đà Nẵng – “bếp ăn của Việt Nam”.
Đà Nẵng – Bếp ăn của Việt Nam, kỳ vọng như thế theo ông có lớn quá không?
Nhờ vị trí địa lý, Đà Nẵng có sự giao hòa của ba miền Bắc, Trung, Nam trong văn hóa ẩm thực, tạo nên sự pha trộn và đa dạng ở các món ăn. Thêm vào đó, sự có mặt của các thương hiệu khách sạn toàn cầu tại đây cũng mang theo nhiều đầu bếp quốc tế, từ đó có thể bổ sung thêm nhiều món ăn và văn hóa ẩm thực của cả các nước khác. Tuy nhiên, để trở thành bếp ăn của Việt Nam, Đà Nẵng nên có những chương trình bảo tồn các món ăn địa phương, có thêm trung tâm đào tạo đầu bếp, thêm chương trình giao lưu ẩm thực giữa các món ăn của Đà Nẵng, miền Trung và các nước khác. Tại Furama Resort Đà Nẵng, chúng tôi thường xuyên cử bếp trưởng đi học hỏi tại nhiều nước, lên dự án trao đổi đầu bếp, giao lưu ẩm thực với nước ngoài. Thêm nữa, muốn trở thành bếp ăn của Việt Nam, thành phố cần chú trọng đến nguồn cung thực phẩm và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần liên kết và tạo ra các vùng trồng rau công nghệ cao, các khu chăn nuôi sạch, nguồn nuôi và cung cấp thủy hải sản tin cậy.
Nhân dịp Đà Nẵng vừa được vinh danh là thành phố lễ hội và sự kiện, ông đánh giá về giải thưởng này như thế nào?
Giải thưởng này đã vinh danh, ghi nhận sự nỗ lực của thành phố Đà Nẵng và cũng là định hướng cho các nhà phát triển bất động sản, chú trọng vào dịch vụ du lịch MICE. Theo tôi, sau khi tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Đà Nẵng càng có lợi thế lớn đối với du lịch MICE khi tất cả các khách sạn và khu nghỉ mát đều có những khu vực hội nghị hội thảo, đáp ứng nhu cầu từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Một trong những công trình đánh dấu năng lực này của thành phố chính là Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana, nơi có phòng đại sảnh lớn nhất Việt Nam và khuôn viên rộng lớn. Dự án này đáp ứng được lượng khách lên đến 2.500 người, khi kết hợp với các khu dịch vụ và phòng hội nghị sẵn có của Furama Resort Đà Nẵng thì quần thể có khả năng đáp ứng được lượng khách MICE lên đến 5.000 người. Sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC thì Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana cũng đã chào đón nhiều sự kiện quốc tế và trong nước như Hội nghị và Triển lãm HydroPower 50 quốc gia 1.000 khách, đoàn hội thảo Oriflame 3.000 người, các sự kiện mở bán bất động sản hàng ngàn người…
Theo ông còn những thách thức nào mà thành phố Đà Nẵng cần phải giải quyết trong năm 2018?
Thách thức của du lịch Đà Nẵng hiện tại theo tôi chính là cơ cấu khách, 70% khách của thành phố Đà Nẵng hiện đang đến từ ba thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Để cân bằng hơn trong tương lai, chương trình Xúc tiến du lịch của Đà Nẵng cần phải đẩy mạnh các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc và các nước ASEAN. Thách thức tiếp theo là vấn đề nhân sự và nguồn nhân lực. Thấy được điều đó Furama Resort Đà Nẵng đã sớm đón đầu xu hướng, đào tạo chuẩn bị nhân lực cho dự án mới 1.400 phòng Ariyana Beach Resort and Suites Đà Nẵng. Chúng tôi đã ký kết với các trường nghề để có những dự án đào tạo nhân lực riêng cho dự án này. Đối với việc thiếu hụt nhân sự ở tầm trung, Hội Khách sạn Đà Nẵng cũng kết hợp với Furama Resort Đà Nẵng tổ chức những chương trình đào tạo, cụ thể như Kỹ năng lãnh đạo, Đào tạo Đào tạo viên, một phần khắc phục những điểm yếu về nhân lực của thành phố. Tôi tin rằng, các nỗ lực để giải quyết các thách thức trên sẽ giúp du lịch Đà Nẵng thành công hơn trong năm 2018, như là tượng đài Cá chép hóa rồng bên sông Hàn xinh đẹp.
Xin cảm ơn ông!