Chẳng ai ngờ câu của bố mẹ Việt mắng con, bây giờ lại là… một phương pháp giáo dục tiên tiến. Cũng chỉ ra là nhiều quan niệm của chúng ta thật… ngu lâu.
Rất lâu rồi, cha mẹ thường xem những đứa trẻ mải chơi là hư, không chịu học. Chỉ chơi là giỏi, nghĩa là vô tích sự không làm được gì. Không chịu học. Phải nhìn thấy nó lao tâm khổ tứ, ngồi thâu đêm bên bàn học, gào bài như cuốc kêu, là mới vui lòng.
Đầu năm học là đã hoàn tất một mê hồn trận học thêm, chọn trường, nghĩ nát óc như vào một canh bạc. Mà thật, đúng là một… canh bạc còn gì. Đầu tư cho chúng, đứa lớn phải vào trường… công an.
Ra trường, làm gì có công an nào thất nghiệp? Coi như thành người rường cột của nhà nước luôn, được nuôi, trang bị áo quần, nhà nước quản lý dạy dỗ cho, về hưu lương khủng hơn mọi ngành.
Thế nên, bố mẹ chọn cho con thi vào đó là đúng quá chứ có gì mà chê trách. Vào đó phải điểm cao ngất là đúng rồi. Một thời ngân hàng, quản trị kinh doanh bây giờ hóa phiêu lưu. Thôi thì bộ đội, công an là lý tưởng còn gì.
- Xem thêm: Đồ… “não cá vàng”
Lo đứa lớn là vậy, còn đứa nhỏ, phải trường điểm, chất lượng cao, phải gần nhà đưa đón, tính toán nát óc. Nếu có tiền thì cho học trường quốc tế luôn, quá lý tưởng. Gì chứ môn tiếng Anh khỏi lo.
Nhưng trường quốc tế cũng là bài toán, một canh bạc khác nữa. Nhiều loại lắm. Nếu trường “đặc Tây” không có thầy cô người Việt thì tiền học phí có khi đến 50 triệu một tháng, chỉ có đại gia mới chịu nổi. Bằng tiền nuôi sống… cả họ nhà người ta. Nên thôi, không bàn.
Bàn những trường kiểu song ngữ vừa phải hơn (tiền học cũng trên dưới vài chục triệu mỗi tháng) may ra chịu nổi.
Nhưng rồi cũng xảy ra “khẩu chiến” về đi học trường quốc tế. Một bà mẹ nói, trường quốc tế chỉ hơn trường Việt ở môn tiếng Anh và… cho nghỉ lễ xả láng. Ngoài lễ Việt Nam hay nghỉ dính liền kéo dài, còn lễ của nước mở trường nữa, nhiều lắm. Hóa ra họ khôn, sang đây thu bộn tiền, mà cho… nghỉ khỏi dạy. Ngon quá. Trường Việt dại thiệt, thầy trò học như hành xác, học mụ cả người.
Bà khác giải thích, bên cạnh việc học, họ còn cho chơi nhiều vì họ quan niệm trẻ em chơi tức là rèn nhiều kỹ năng sống, chơi tức là học. Trong các trường đại học danh tiếng, luôn có một bộ phận sinh viên được tuyển không phải nhờ vào thành tích học tập mà nhờ nổi trội về hoạt động xã hội, có huy chương thể thao – nghệ thuật, tức là… chơi giỏi chứ gì?
Bà khác tiếp: Các bà cấm con chơi game, cứ thấy bọn chúng chơi game là sợ bị nghiện như ma túy. Tôi không sợ. Miễn là mình kiểm soát, cài đặt cho chơi những game lành mạnh; vì chơi game giỏi thì sẽ tổ chức, hành động, thiết kế giỏi. Sợ gì. Chúng giỏi tiếng Anh nhờ game đó…
- Xem thêm: Con ta ngày càng… không khát vọng?
Một bà còn “mở rộng miên man” đề tài tranh luận rất chi là… khủng, thế này: Xưa kia, Tây đánh nhau thua Việt Nam chính vì người Việt… chơi từ nhỏ đó. Tây đầy súng đạn, áo quần giày dép trang bị tận chân răng, học hành bài bản, toàn cậu ấm cả.
Trong khi anh lính Việt ở nhà quê, ngoài đi học còn đi chăn trâu bắt cá. Mới lội sình, chân đất, đánh rắn rết, chơi đá banh quả bưởi quả bòng, đào đất nướng cá, mới biết chém vè dưới nước, luồn rừng ở hầm. Cậu ấm vào rừng lội sình là tiêu.
Thôi thì đủ kiểu lý sự, chẳng ai chấm điểm đúng sai. Chỉ biết, kết luận là, phải cho con… chơi. Đó là rèn luyện năng lực, là cách sống.
Vậy mà bao đời nay, hễ thấy con chơi là mắng. Khách đến hỏi thăm, ba mẹ được dịp “dạy dỗ” bằng cách kể tội: Chúng chỉ có… chơi là giỏi.
Giờ thì sai hết, nhé.