Đó là câu cha mẹ hay mắng đứa con, ý nói nó… ngu, nhưng mà mắng nhẹ nhàng thế con khỏi tự ái, dù gì nó cũng đã là sinh viên. Bữa nay đọc đâu đó trên mạng, thằng con hớn hở thông báo: “Ba má nghe nè, thí nghiệm khoa học hẳn hoi: con người đã thua… con cá vàng. Này nhé, kết quả đưa ra cho thấy sự tập trung chú ý của con người từ 12 giây nay giảm xuống còn 8, trong khi con cá vàng tập trung chú ý được 9 giây, hơn con người rồi. Từ nay má mà mắng con “não cá vàng” là con được lời rồi đó nha”.
Kinh thật, thời đại bùng nổ thông tin – mà theo định luật More, cứ hai năm thì lượng thông tin trên đời này lại tăng gấp đôi, ai mà nhớ nổi nên mới phải sinh ra dữ liệu lớn, big data gì gì đó.
Nghe cậu ấm lý sự thế, ba mới ngừng nhòm vào điện thoại bảo: Thông tin càng nhiễu loạn con người càng phải thông minh chủ động, chứ như con hỏi Phạm Duy là ai, Văn Cao là ai không biết… Má quay sang bào chữa giùm con trai: Nhưng ba thử hỏi Sơn Tùng là ai xem, nó biết liền à, mỗi người của một thời…
Là má nói đỡ thôi, chứ ai còn lạ gì má đi dạy học, kể bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về học trò thời nay. Suốt ngày chúng chúi vào điện thoại, đêm thức lõ mắt chat chit lên mạng mà hỏi tình hình thời sự, cuộc sống hôm nay ra sao lại chẳng hề quan tâm.
- Xem thêm: Vì… ngu, nên sữa mới ngon
Ba hỏi: Con có biết vì sao phải đọc sách không? Con gãi đầu: Sách dày, đọc chán lắm ba, sao nuốt nổi. Ba gật gù: Đúng rồi con, bây giờ có mấy ai chịu đọc, người ta bảo chỉ còn “thợ lướt” và “thợ quét” thôi, không còn “thợ lặn sâu” nữa, cứ lướt tin này móc liền tin kia, gặp cái gì khó khó là bỏ ngay.
Mà con biết không, não của ta ấy, có cái bán cầu não trái nó xử lý thích ứng ngay các thông tin ngắn, dễ, trực tiếp như kiểu ăn gì chơi gì đi đứng ra sao…, nó – cái phần não ấy – là công cụ điều hành sinh hoạt, còn bán cầu não phải mới là phần sáng tạo. Anh bán cầu não phải này được nuôi dưỡng bằng trải nghiệm, suy nghĩ, làm bài tập khó, chịu thách thức, nghiền ngẫm từ sách, từ nghiên cứu, từ những điều “khó chịu”.
Con: Thế ba nói sao về chuyện sách, sách bây giờ có gì… hay đâu? Ba: Đồng ý, để có sách hay đâu phải dễ. Bao nhiêu thế kỷ mới có một nền văn hóa, văn học. Đọc sách hay là được hiểu biết kèm thêm sự say mê lý thú.
Nhưng có những sách “không hay, không say mê” nhưng phải chịu khó đọc vì nó bổ ích, nó có nhiều chất liệu. Giống như khi con bệnh, má bắt con uống thuốc đắng đó. Sách khó đọc, thông tin khó tiếp thu là thức ăn của bán cầu não phải sáng tạo. Giải trí thì ê hề khắp nơi nhưng tri thức mới là quyền lực.
Haiza, ba còn nói là, sự chú ý – giờ đây được coi như nguồn lực, như là dầu lửa, là tiền. Có cả khái niệm mới là nền kinh tế sự chú ý. Ai cũng mong có được nguồn lực này, từ ông quảng cáo hét to, nổ to cho thiên hạ chú ý, từ bà marketing, PR đang nát óc nghĩ viết content kiểu gì – nội dung ra sao để thu hút sự chú ý.
- Xem thêm: Thầy cãi
Ba: Giả sử người ta yêu cầu con phải nghĩ ra câu gì làm slogan cho giày Biti’s chẳng hạn. Nếu là đứa “não trái, con chỉ nghĩ ra câu “Hãy mua giày Biti’s” hoặc “Giày Biti’s rất tốt”, “Giày Biti’s đi êm chân, giá rẻ”. Ấy thế mà người “não phải” nghĩ ra câu “Nâng niu bàn chân Việt” với hình ảnh rất đẹp, từ chân anh lính vượt rừng đi dép cao su đến giày thể thao thời trang.
Mấy chữ ấy thôi, tiền cả đấy. Não trái không trải nghiệm xúc cảm nhân văn, chỉ có thằng não phải chịu khó mới hiểu thiên hạ và nghĩ ra, thu bộn tiền…
Haiza…, tưởng ngày Chủ nhật nghỉ học được thoải mái, ai dè ông bố lại cho nghe một bài giảng. Mà hay phết, dễ hiểu hơn ở trường. Cảm ơn não trái công cụ giúp tớ sống tốt, giờ nhớ chịu khó đọc để chiều chuộng thằng não phải sáng tạo.