Theo tập tục của người Hoa, có hai thú thưởng ngoạn không thể thiếu trong ngày tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) là ngắm đèn lồng và ăn chè trôi (còn gọi là bánh trôi). Khi trăng tháng Giêng tròn thì cũng là lúc những cộng đồng người Hoa khắp nơi lại sáng rực ánh đèn lồng và đượm hương thơm ngọt ngào của những chén bánh trôi vừa chín tới.
Ngọt ngào hương vị
Thực ra thì bánh trôi không chỉ phổ biến vào dịp tết Nguyên tiêu mà còn là món ăn phổ biến trong ngày Rằm mỗi tháng, có lẽ vì hình dáng bánh trắng và tròn như ánh trăng sáng vằng vặc giữa trời. Bánh làm bằng bột nếp, bên trong có nhân ngọt, khi chín nổi bồng bềnh trên mặt nước đường nên được gọi là “thang viên”, gần đồng âm với từ “đoàn viên” trong tiếng Hán, do đó trong những bữa tiệc sum họp gia đình, bạn bè của người Hoa, bánh trôi hiếm khi vắng mặt. Bánh được đưa ra cuối cùng như món tráng miệng ngon ngọt, gợi lên nhiều cảm xúc cho người thưởng thức.
Người Việt cũng có món bánh trôi (ở miền Nam gọi là chè trôi nước). Viên chè làm từ bột nếp trắng, nhồi thật dẻo, trong ẩn sắc vàng ươm của nhân đậu xanh quết nhuyễn. Nước đường đi kèm thường nấu cho trong vắt, điểm vài lát gừng tươi và mè trắng rang bùi, kèm theo cả vị béo của nước cốt dừa. Bồng bềnh cùng viên trôi nước to còn ẩn hiện cả những viên chè ỉ nhỏ, như một thứ hương vị nhẹ nhàng cho món chè thêm hương sắc và… đỡ ngấy.
- Xem thêm: Vị ngọt ba miền
Chén chè với viên to, viên nhỏ, có nhân và không nhân, vị ngọt lúc đậm đà, lúc thanh nhẹ, vừa thơm mùi nếp, đậu ngây ngây và cả chút ấm nóng của gừng… tạo nên sự hấp dẫn mà chỉ cần bỏ quên bất kỳ nguyên liệu nào, món chè cũng không còn toàn vẹn. Hình dáng và hương vị ấy khiến món chè trôi nước của người Việt xưa nay cũng là món để cúng tổ tiên trong những dịp lễ tết hay hội ngộ gia đình, tương tự như bánh trôi của người Hoa vậy.
Ước vọng đoàn viên trong chén chè
Khác với món chè trôi nước, bánh trôi của người Hoa không sử dụng nước cốt dừa, mà chỉ dùng đường thỏi vàng cho thanh ngọt, thêm vị cay ấm nhẹ nhàng của gừng tươi xắt lát để giúp người ăn cảm thấy ấm bụng. Nhân bánh cũng phong phú hơn, dễ thường có đến vài chục loại khác nhau. Phổ biến nhất là bánh thập cẩm với nhân gồm nhiều loại đậu hạt giã nhuyễn và bánh nhân mè đen, hoặc bánh có nhân đường, sơn tra, vừng, đậu đỏ, táo tàu, trái cây ngào đường…, thậm chí là nhân du nhập từ phương Tây như kem sữa ca cao, chocolate… Đó là chưa kể món bánh trôi mặn có nhân thịt và rau, nấu trong nước dùng xương hoặc chiên giòn để ăn khai vị đầu tiệc. Hương vị và kích thước bánh của mỗi địa phương cũng không giống nhau.
Cư dân phía Bắc Trung Quốc gọi món này là bánh Nguyên tiêu, làm bằng cách cho những viên nhân đã vo mềm, ướt nước vào giữa bột nếp sống trên một chiếc mẹt rồi lắc đi lắc lại cho đến lúc bột bám dày vào viên nhân như quả trứng gà mới cho vào nước đường đã nấu sôi. Người phía Nam thì thường nhồi bột với nước nóng cho thật dẻo, cán mỏng rồi cho nhân vào giữa, vo thành những viên tròn trĩnh. Nổi tiếng nhất là bánh trôi Ninh Ba, Chiết Giang ở miền Đông, vỏ mỏng, nhân nhiều và ngọt thanh. Nếu bánh trôi Thượng Hải, Hồng Kông xinh xắn như trứng gà so thì bánh Hồ Nam có lớp vỏ trắng trong suốt rất ưa nhìn.
Ngày nay, người Hoa di cư đến tứ xứ, song vẫn giữ nếp làm bánh trôi theo đặc trưng của từng địa phương. Vào khu Chợ Lớn của TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy bánh trôi cũng tùy cửa hiệu mà lớn nhỏ khác nhau, có nơi còn bán kèm chè ỉ theo tập quán người Triều Châu. Món ỉ là những viên nếp tròn bé như trứng cút, không nhân, ăn với nước đường và muối mè rang rắc trên bề mặt.
- Xem thêm: Gõ khuôn… ra bánh
Theo tiếng Tiều, “ỉ” có nghĩa là viên, tròn, cũng mang những ước mơ và niềm hạnh phúc về sum họp, đoàn viên, tương tự như bánh trôi. Riêng trong chén chè ỉ dành cho người lớn tuổi không thể thiếu gừng và cả mì sợi, ăn hơi lạ miệng nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Lý do là trong tiếng Tiều, gừng là “khương”, mì là “miên”. Dâng một chén chè mà gói trọn cả lời chúc lành “viên mãn trọn vẹn, khương kiện miên trường” thì đúng là đầy ý nghĩa!