“Doanh nghiệp Nhật Bản khi đến Việt Nam, họ rất cần những mối liên hệ, cần người hiểu và giúp đỡ họ để công việc thường ngày và kinh doanh trôi chảy hơn, mỗi khi giúp được một doanh nghiệp Nhật thêm an tâm hòa nhập môi trường mới và thành đạt, tôi cảm thấy vui và hạnh phúc”.
Ông Kasado mở đầu câu chuyện như thế khi nói về quãng thời gian hơn 12 năm sống, làm việc tại Việt Nam trong vai trò kết nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
Nhớ lại mối duyên gắn kết với Việt Nam, Hirofumi Kasado – hiện điều hành Công ty Cetus Việt Nam và là người sáng lập cuốn cẩm nang tương tác với bạn đọc có tên gọi Kilala, chia sẻ: “Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên từ tháng 10-2002 với tư cách là thành viên tổ chức sự kiện bóng đá giao hữu giữa đội Yokohama FC và tuyển U23 của Việt Nam, diễn ra tháng 2-2003 ở Hà Nội và TP.HCM để thắt chặt tình đoàn kết Việt – Nhật. Trước trận đấu, phần việc của tôi là gõ cửa hơn 300 công ty Nhật tại Việt Nam để tìm tài trợ. Tôi nhận ra hầu hết các công ty ấy thiếu các dữ liệu, website giới thiệu công ty, còn thị trường thiếu một người có thể làm dịch vụ quảng bá hình ảnh cho công ty Nhật, vậy là Cetus Việt Nam ra đời – tháng 12-2003”.
Trở thành người tiên phong trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp Nhật và người tiêu dùng Việt, Kasado tự mình thâm nhập vào môi trường doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, tìm công ty nhân sự tuyển người, nghiên cứu pháp luật để mở ra một công ty chuyên thiết kế, in ấn, giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Nhật bằng các tài liệu tiếng Việt, xây dựng website cho công ty Nhật để người Việt dần tiếp cận với các sản phẩm Nhật Bản, tạo đà cho doanh nghiệp Nhật phát triển tốt hơn. Những tên tuổi lớn ở đa ngành kinh doanh như Mitsubishi Motor, Hitachi, H.I.S, sữa Meiji, Ngân hàng Mitsubishi, Miyuho, Rohto, Hino… Hội doanh nghiệp Nhật Bản – TP.HCM (JBAH), JETRO,tạp chí Sketch… đều là những khách hàng quen thuộc của Kasado.
Điều hành công ty với nhân sự hầu hết là người Việt, làm phần việc liên quan đến quảng bá hình ảnh, nội dung… đa phần bằng tiếng Việt, hẳn là một rào cản không nhỏ vì vấn đề ngôn ngữ, nhưng Kasado hóa giải nỗi lo ấy bằng phương cách: “Ưu điểm của tôi là tin người Việt, do vậy ở bất kỳ phần việc gì tôi cũng đều tự tin, khuyến khích và giao việc cho họ làm. Thói quen của nhiều người Việt là khi giao những việc họ chưa từng làm qua, thường rất rụt rè và hơi thiếu tự tin thực hiện, nhưng khi họ đã quyết tâm làm, kết quả cuối cùng thật hoàn hảo, thậm chí tốt hơn cả nhân sự người Nhật”.
Ông Kasado chia sẻ thêm về môi trường làm việc ở Việt Nam rằng: “Tôi ứng dụng nguyên tắc Horenso vào kinh doanh (ghép từ Houkoku – Renraku – Soudan, có nghĩa là báo cáo – liên lạc – thảo luận), trong đó báo cáo là phần quan trọng, mấu chốt để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công việc. Khi làm việc theo nhóm, người Nhật chú trọng hoàn thiện công việc mình được giao phải hoàn hảo trước, như vậy sẽ góp cho công việc chung luôn trôi chảy”.
Hơn 10 năm làm việc ở Việt Nam, mỗi năm Kasado chỉ trở về Nhật thăm nhà một đến hai lần, bởi rằng: “Tôi thấy mình phân nửa là người Việt rồi, mỗi khi về Nhật lâu cảm giác nhớ công việc, nhớ không khí cuộc sống ở TP.HCM, bởi công việc công ty ngày càng nhiều vì hiện số doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam tăng nhanh, và họ cần được giúp đỡ”.
Các doanh nghiệp Nhật khi đến Việt Nam thường gặp phải những khó khăn chung về nhân sự, thủ tục hành chính, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường… Kasado chia sẻ rằng mình không có chuyên môn về kinh doanh, nhưng biết nhìn ra cách đưa các doanh nghiệp Nhật Bản gắn kết nhau hơn, giúp thương hiệu của họ trở nên quen thuộc tại thị trường mới thông qua những sản phẩm có yếu tố truyền thông làm cầu nối. Doanh nghiệp Nhật ở thị trường Việt có hai dạng, một hiện đã có sẵn tại Việt Nam, một đang tiếp cận thị trường và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam, số lượng này tăng rất nhanh hằng năm. Và để đáp ứng một lượng nhu cầu mới cho doanh nghiệp Nhật, Kasado lập dự án cho ra đời Kilala (tháng 10-2013), có thể gọi như một cuốn sách, cẩm nang, hay tạp chí được thể hiện bằng ngôn ngữ Việt, xuất bản định kỳ hai tháng, mang nội dung giới thiệu về doanh nghiệp, con người, sản phẩm, cùng các nét văn hóa, và phong cách Nhật Bản.
Kasado kỳ vọng: “Tôi muốn thông qua Kilala để người tiêu dùng Việt biết đến chất lượng Nhật Bản từ chính những công ty đang có đầu tư sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Các công ty Nhật khi quyết định đầu tư vào Việt Nam cũng cần chuyển tải những thông điệp về sản phẩm, đi kèm là nét đẹp văn hóa địa phương nơi xuất xứ của sản phẩm, Kilala sẽ là cầu nối ấy đến người tiêu dùng Việt. Đồng thời, những hoạt động mang tính truyền thống Nhật Bản, từ đời sống thường ngày như tắm nước nóng onsen, tìm hiểu về trang phục cưới Nhật Bản, phong vị ẩm thực, du lịch trải nghiệm, đến các mảng sức khỏe, giáo dục, mua sắm… được đưa vào nội dung Kilala để người đọc Việt có thêm cơ hội tiếp cận với các nét Nhật Bản ở góc độ gần gũi nhất”.
Khi hỏi về những hoạch định cho tương lai, Kasado vui vẻ nói: “Mối quan hệ Việt – Nhật ngày càng khắng khít đang tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, và phần việc của tôi cũng nhiều thêm, hiện có khoảng 1.000 công ty Nhật đã và đang làm việc cùng Kilala, hơn nữa Việt Nam có vị trí trung tâm trong khu vực ASEAN, đây cũng là một thế mạnh để có thể ứng dụng mô hình nhân rộng cẩm nang Kilala tại các nước Đông Nam Á khác”.
Nguyễn Đình (DNSGCT)