Mấy tuần qua, câu chuyện về Uber, một hình thức kinh doanh mới áp dụng công nghệ hiện đại, được nói đến nhiều trên các trang báo, khiến các cơ quan làm chính sách cũng phải bận tâm. Hình thức kinh doanh nói trên tất nhiên bị các hiệp hội taxi phản đối và nếu không có ý kiến của người đứng đầu ngành giao thông vận tải thì câu chuyện này xem như đã kết thúc.
Uber là gì? Uber là một dịch vụ tương tự như taxi, hành khách truy cập trên điện thoại để tìm xe chở đến nơi mình muốn.
Vào năm 2009, hai người Mỹ Travis Kalanic và Garrett Camp ở San Francisco có sáng kiến tạo ra một dịch vụ taxi hạng cao cấp, chỉ dùng xe đắt tiền mà tài xế là chủ của chiếc xe, không làm cho một công ty nào. Khách và tài xế sẽ cùng sử dụng một app-ứng dụng trên điện thoại gọi là Uber.
Über (có hai dấu chấm trên chữ U) là tiếng Đức, có nghĩa là hơn, trên (hơn hay trên một cấp bậc, trình độ…). Đầu tiên khi tạo ra dịch vụ, Kalanic và Camp chỉ nghĩ đến loại phương tiện xe đưa đón đắt tiền, phù hợp với giới thượng lưu nên họ chọn chữ tiếng Đức này. Tiếng Anh không có dấu hai chấm trên chữ U, do đó trở thành Uber. Dần dà, thay vì chỉ dùng mỗi loại xe đắt tiền, Uber sử dụng đủ thứ xe khác nhau.
Chỉ sau một thời gian ngắn, giới đầu tư bỏ hàng triệu USD vào giải pháp, cụ thể như Google Ventures đầu tư 258 triệu USD vì Uber dùng Google Map. Vậy là Uber bành trướng mạnh với tốc độ nhanh chóng, tính đến tháng 8-2014, chỉ sau năm năm Uber đã có mặt tại 200 thành phố, 45 quốc gia trên thế giới và tài sản ước khoảng
12,5 tỉ USD.
Muốn sử dụng Uber thì phải có smartphone, tải ứng dụng Uber từ trên mạng. Nếu là lần đầu tiên thì phải thiết lập tài khoản mới với tên, địa chỉ email, số điện thoại, thông tin về thẻ tín dụng, mỗi lần hành khách sử dụng dịch vụ Uber thì tiền sẽ được rút ra từ thẻ tín dụng này. Hành khách có thể chọn lựa xe theo ý muốn từ rẻ đến đắt nhất và biết được giá phỏng chừng từ nơi đi tới nơi đến qua Uber.
Điều kiện tham gia cùng Uber khá đơn giản, chỉ cần làm chủ một chiếc xe tương đối mới, xe phải có bảo hiểm hai chiều và có đủ điều kiện theo quy định của luật pháp để lái xe.
Một nghiên cứu ở thành phố San Francisco – Mỹ nơi Uber khởi điểm dịch vụ đưa đón vào tháng 10-2012 cho thấy là đến tháng 7-2014, số lượng hành khách sử dụng xe taxi thông thường đã bị giảm đến 65%.
Khắp nơi trên thế giới, từ Chicago đến Berlin, các hãng taxi than phiền là bị đánh thuế nhiều, bị ép vào khuôn khổ luật lệ khó khăn, trong khi Uber không bị ràng buộc như thế, tạo ra một ngành thương mại không công bằng, có lợi cho Uber.
Vì áp lực của các hãng taxi, nhiều thành phố Mỹ đã phải điều chỉnh luật lệ như giảm lệ phí cho tài xế taxi, bắt Uber phải nghiêm nhặt xét lý lịch của tài xế, xe phải đóng bảo hiểm đầy đủ và không được lên giá vào những lúc cao điểm.
Thành phố nào trên thế giới nơi Uber hoạt động cũng đều có các hãng taxi biểu tình chống đối, mỗi lúc mỗi đông, mỗi tháng mỗi nhiều, chẳng qua là do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Vậy nhờ đâu Uber có ưu thế cạnh tranh?
Trước hết là nhờ Uber tận dụng thành quả của công nghệ thông tin qua hệ thống viễn thông di động và hạ tầng của internet như dịch vụ điện thoại miễn phí của Skype hay Viber mà đến nay vẫn chưa phải trả một chi phí nào. Có thể nói đó là một hình thức được trợ giá vô cùng có lợi trong hoạt động kinh doanh. Thứ hai, nhờ tận dụng lợi thế này mà Uber không phải tổ chức tổng đài, trang bị máy bộ đàm cho các xe cũng như tổ chức bộ máy nhân sự. Và thứ ba là nhờ vậy mà thu hút nhiều người hùn vốn để phát triển thị trường do chi phí đầu tư thấp, kể cả đầu tư cho công nghệ thông tin.
Xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh được bốn tháng và mới đây tại Hà Nội, dịch vụ Uber đã gây tranh cãi khi Hiệp hội Taxi tại cả hai thành phố lớn đều cho rằng hoạt động kinh doanh này hoàn toàn trái quy định điều kiện vận tải hành khách bằng ôtô và kiến nghị cơ quan chức năng không nên cho phép hình thức kinh doanh này hoạt động.
Trong khi đó, theo ông Mike Brown, người phụ trách khu vực Đông Nam Á của dịch vụ này, thì Uber không phải là một hãng taxi mà chỉ là một giải pháp công nghệ. Chính vì vậy Uber không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký.
Nếu với các hãng taxi thông thường, các tài xế phải chạy miệt mài trên các tuyến đường để tìm kiếm khách hàng, thì với Uber, lái xe biết ở đâu đang có nhu cầu và khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với tài xế đang ở nơi gần nhất. Kết quả là có một hệ thống hiệu quả hơn, tài xế tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu bởi không phải đi lòng vòng tìm khách.
Mỗi tài xế hợp tác với Uber đều phải có bằng lái xe, đăng ký xe hợp lệ, mọi yêu cầu về pháp luật đều được Uber và các tài xế tuân thủ.
Với giải pháp này, khoản tiền mà các khách hàng đi taxi qua dịch vụ Uber chi trả được phân chia theo tỷ lệ 80% cho phía doanh nghiệp vận tải đối tác hoặc người lái xe và 20% thuộc về Uber bao gồm cả thuế.
Có thể nói đây là loại hình “công ty công nghệ” lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, cho nên các cơ quan chức năng chưa kịp nghiên cứu để có những biện pháp quản lý phù hợp.
Trước những tranh cãi về hoạt động của Uber thời gian qua sau khi đã có hai tài xế sử dụng giải pháp công nghệ này để đón khách bị phạt thì vào đầu tháng 12, Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc họp Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng nếu dịch vụ nói trên có lợi cho người dân thì phải để mô hình này kinh doanh theo quy định pháp luật, trường hợp dịch vụ này chưa có trong các văn bản quy phạm thì sẽ nghiên cứu bổ sung để hợp pháp hóa.
Phát biểu mang tinh thần thông thoáng của người đứng đầu ngành Giao thông – Vận tải cũng gây ra một vài ức chế cho các công ty taxi, nếu không muốn nói là chưa thuyết phục được họ vì xa lạ với cách vận dụng các văn bản của ngành Giao thông – Vận tải. Thế nhưng ông Bộ trưởng kiên trì với suy nghĩ của mình khi nói rằng nếu văn bản pháp quy chưa có thì phải xây dựng để bổ sung và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện, điều này cũng bắt nguồn từ tinh thần Hiến pháp năm 2013 là người dân và doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm và cần bỏ ngay tư tưởng “không quản được thì cấm”.
Hiện Bộ Giao thông – Vận tải đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin – Truyền thông cùng vào cuộc kiểm tra loại hình kinh doanh vận tải sử dụng phần mềm Uber trong tinh thần quản lý nhà nước bằng pháp luật, bằng thể chế chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Về mặt pháp lý, Uber có hợp tác với những công ty vận chuyển có đăng ký giấy phép kinh doanh với Nhà nước. Tuy nhiên đến nay, do các quy định về hoạt động của taxi Uber chưa có nên đã bị coi là “trái luật” do hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải. Đây cũng chính là lý do một số xe Uber tại TP.HCM đã bị thanh tra giao thông xử phạt theo nghị định số 171 vì hành vi kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không đăng ký kinh doanh vận tải.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, Bộ Giao thông – Vận tải cần nghiên cứu các quy định về hoạt động taxi Uber bởi nhiều nước trên thế giới đã triển khai dịch vụ này. Bộ có thể đưa ra quy định yêu cầu các doanh nghiệp và các xe Uber đăng ký hoạt động, đóng thuế và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Suy nghĩ trên đây, cũng như quan điểm của Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cho thấy những người tham gia vào việc xây dựng chính sách đã có một cái nhìn vừa thực tế vừa phù hợp với xu thế thời đại, thoát ra khỏi những lợi ích cục bộ phe nhóm. Vào lúc mà quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh đang được cổ súy thì những gì có lợi cho số đông và cho nền kinh tế đều cần được nghiên cứu một cách khoa học, nghiêm túc để phá vỡ các rào cản độc quyền mà cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải do bị tác động bởi các nhóm lợi ích.
Hoàng Hải (DNSGCT)