Cùng với sự phát triển công nghệ, nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh doanh và làm mất lòng tin của nhiều doanh nghiệp. Vấn nạn hàng nhái, hàng giả… sẽ là một trong những nguyên nhân kìm hãm khả năng sản xuất, kinh doanh, sức sáng tạo của doanh nghiệp và cần được xử lý triệt để.
Cái gì cũng có thể “sao chép”
Cách đây hơn một tháng, chị Nguyễn Thị Thu Sương, chủ thương hiệu thời trang Chuồn Chuồn Ớt vui mừng tung ra bộ sưu tập Áo dài Xuân mà chị và nhân viên vất vả hơn mấy tháng trời để thiết kế mẫu, vẽ tranh trên vải, sản xuất, chụp ảnh mẫu… nhằm phục vụ mùa cuối năm. Chưa vui được bao lâu, chị đã phải khóc ròng. Sản phẩm của chị được nhiều trang bán hàng trên Facebook thản nhiên sao chép và sử dụng để giới thiệu cho khách hàng. Vì đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chị gửi tin nhắn cảnh cáo đến từng trang, yêu cầu gỡ hình ảnh xuống và xin lỗi công khai. Thế nhưng, hình ảnh đã được gỡ xuống còn lời xin lỗi thì vẫn biệt tăm.
Việc ăn cắp và sao chép mẫu thời trang từ các thương hiệu nổi tiếng không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Nhiều năm trước đây, nhiều nhà thiết kế đã phải dở khóc dở cười khi mẫu mình vừa ra mắt hôm trước, hôm sau đã xuất hiện nhan nhản trên thị trường. Vì thế, họ không dám đầu tư mạnh tay vào việc sản xuất để tránh công sức “đổ sông đổ biển”. Đặc biệt, khi việc mở shop bán hàng trực tuyến tại các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại… ngày càng dễ dàng như hiện nay thì nạn ăn cắp, sao chép mẫu ngày càng phổ biến. Đa số các chủ hàng là cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, vốn không mấy quan tâm đến việc đầu tư cho thương hiệu hay bản quyền. Việc lấy hình ảnh mẫu từ các thương hiệu khác trên internet rồi sản xuất các sản phẩm na ná để bán ra vừa giúp họ giảm giá thành sản phẩm, lại không mất công chụp ảnh mẫu.
Không chỉ sao chép mẫu mã, kiểu dáng thiết kế, nhiều người còn nhái cả thương hiệu để đánh lừa người tiêu dùng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các thương hiệu. Gần đây, chủ nhãn hiệu thời trang T.safari đã phải đứng ngồi không yên khi một doanh nghiệp đã dùng tên thương hiệu của chị để bán hàng trên trang thương mại điện tử Lazada. Không làm nhái được mẫu sản phẩm của thương hiệu này, T.safari “nhái” đã cho đăng và bán các sản phẩm được thiết kế đơn giản với giá rẻ hơn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thương hiệu gốc. Cũng may, vì đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên chị Hồ Trần Dạ Thảo, chủ thương hiệu này đang xúc tiến gặp gỡ các bên liên quan để đòi lại công bằng cho thương hiệu của mình.
Bên cạnh các lĩnh vực bị vi phạm sở hữu trí tuệ khá thường xuyên như phần mềm, ấn phẩm điện tử, mẫu mã thiết kế, kiểu dáng sản phẩm công nghiệp… những năm gần đây, nạn sao chép ý tưởng, thậm chí bê nguyên xi thiết kế, bố cục trong lĩnh vực khách sạn, lưu trú cũng khá phổ biến. Tại thị xã Lagi, Bình Thuận, ba năm trước, Khu du lịch Homestay Coco Lagi, loại hình cắm trại biển mới lạ vừa ra đời đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Hai năm sau, cạnh khu du lịch này đã ra đời một khu du lịch khác khai thác hình thức tương tự và na ná từ cách bài trí, bố cục. Còn tại Đà Lạt, có trường hợp kẻ sao chép mạnh tay đến mức bê nguyên xi bản gốc. Năm ngoái, khách sạn mang tên The Circle Việt Nam, lấy ý tưởng từ loại hình khách sạn hình ống của Mexico xuất hiện ở Đà Lạt đã nhanh chóng được dân du lịch bụi yêu thích. Ngay sau đó, một khách sạn sao chép “y nguyên” từ kiểu dáng thiết kế, bố cục… đã được xây dựng gần đó chỉ khác mỗi cái tên. Nhiều người còn tưởng rằng đây là chi nhánh thứ hai của khách sạn ban đầu. Việc tranh chấp, kiện tụng là điều khó tránh khỏi bởi các doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều công sức, vốn liếng và cả sự sáng tạo, nay lại phải chia sẻ ý tưởng với người khác. Tuy nhiên, không nhiều chủ sở hữu có thể thắng trong các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vì hầu hết chưa đăng ký bảo hộ.
Doanh nghiệp chịu thiệt vì thiếu đầu tư bảo hộ nhãn hiệu
Theo thống kê của Lực lượng thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ, trong năm 2014, gần 17.600 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ đã bị phát hiện. Các con số này đều tăng so với năm trước đó, lĩnh vực cụ thể là xâm phạm sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng, sáng chế, tên thương mại, tên miền, cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến chỉ dẫn thương mại với hoạt động vi phạm ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý các vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gặp khó khăn do các quy định không rõ ràng. Ví dụ, bộ luật Hình sự chưa quy định thế nào là hàng giả, quy định về số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó không có quy định có yếu tố gì thì chuyển sang xử lý hình sự, chẳng hạn vi phạm 10 tỉ đồng vẫn xử lý vi phạm hành chính.
Theo nhiều chuyên gia ngành luật, việc sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ trước mắt đã đạt được mục đích là ngăn chặn kịp thời các vi phạm, mức phạt cũng đủ sức răn đe. Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam hội nhập đầy đủ với thế giới, lực lượng chuyên trách phát triển, có tòa chuyên trách thì không thể tiếp tục dùng ngân sách để thực hiện các biện pháp hành chính nữa. Khi đó các vụ việc nên được chuyển sang hình thức dân sự, các bên có tranh chấp cần tự chứng minh lý lẽ của mình trước tòa để yêu cầu bồi thường. Việc xử lý hàng hóa vi phạm cũng cần mạnh tay hơn để thực sự tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo của doanh nghiệp.
Điều đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp thường chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp, tên gọi, chất lượng hàng hóa nhưng lại… quên mất khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của mình. Đây sẽ là kẻ hở để kẻ gian trục lợi, khiến doanh nghiệp chịu thiệt trong các vụ tranh chấp bản quyền cũng như gây khó khăn trong xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ. Trường hợp bị sao chép thiết kế của The Circle Việt Nam, theo các chuyên gia ngành luật, nếu đã đăng ký bảo hộ thì chủ sở hữu có thể sử dụng các biện pháp để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, thậm chí cả khởi kiện ra tòa để được xử lý theo các biện pháp dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, vì công trình này chưa đăng ký bảo hộ nên chủ sở hữu muốn đòi lại công bằng sẽ gặp không ít gian nan.
Hiệp định TPP đã được ký kết, AEC đã trở thành hiện thực, sân chơi mới đòi hỏi doanh nghiệp phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh để hội nhập. Ngoài những đổi mới về thể chế chính sách từ nhà nước để giúp môi trường kinh doanh thêm lành mạnh, chính doanh nghiệp cũng cần tự trang bị những công cụ để tự bảo vệ mình.
Thiên Toàn (DNSGCT)