Bệnh viêm màng não do não mô cầu là tình trạng nhiễm trùng ở màng não và tổn thương ở não, biểu hiện dưới ba dạng bệnh là: viêm hầu họng đơn thuần, nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong từ 5 – 10%. Theo các báo cáo của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, dịch bệnh viêm màng não do não mô cầu mới xuất hiện trở lại sau sáu năm “yên ắng” đã lan rộng tại năm tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hơn 10 ca mắc bệnh. Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo toàn dân tích cực phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh gây tử vong nhanh này.
Người lành cũng mang vi khuẩn gây bệnh
Trong điều kiện bình thường, có khoảng từ 5 – 10% dân số mang vi khuẩn Neisseria Meningitidis ở vùng hầu họng nhưng không có biểu hiện bệnh viêm màng não. Vì vi khuẩn Neisseria Meningitidis có hơn 13 nhóm nhỏ, trong đó sáu nhóm gây bệnh là A, B, C, X, Y và W135. Có trường hợp con vi khuẩn không gây bệnh ở người này nhưng khi lây nhiễm sang người khác lại làm khởi phát bệnh.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu thường lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh trong không khí. Bệnh cũng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trên da hay qua các đồ dùng, dụng cụ hằng ngày như ly, chén, đũa, muỗng, điện thoại… Khi cơ thể mệt mỏi, hệ thống miễn dịch suy giảm thì khả năng nhiễm bệnh cũng cao hơn. Người sống ở các khu tập thể hoặc trẻ em ở trường học thường có nguy cơ gây lây truyền cao. Nhưng lưu ý là chỉ có khoảng 3 – 4% người sống chung nhà với người bệnh bị lây nhiễm nên chúng ta không quá lo lắng mà trở nên xa lánh với bệnh nhân nhiễm não mô cầu. Tuy nhiên, nếu trong nhà có người bị bệnh thì người thân nên phòng ngừa bằng thuốc ngay trong những ngày đầu phát bệnh.
Bệnh lý gây ra do não mô cầu thường diễn tiến nhanh và có thể đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh. Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý. Nguy hiểm hơn là bệnh rất khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường như: sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, nhạy cảm với ánh sáng… Do đó, nếu chờ cho đến khi có những triệu chứng điển hình của bệnh như xuất huyết dưới da mới đưa đến bệnh viện để điều trị thì có thể là quá trễ. Mặt khác, một số nhóm vi khuẩn Neisseria Meningitidis lành tính nên việc soi hoặc cấy ra vi khuẩn không giúp phân biệt được người đó chỉ mang khuẩn hay bệnh nhân thực sự. Do đó, chẩn đoán sớm chủ yếu dựa vào yếu tố dịch tễ học và kinh nghiệm của bác sĩ lâm sàng.
Chính vì vậy, chúng ta không nên chủ quan với các triệu chứng sốt, nhức đầu thông thường, nhất là khi trước đó từng tiếp xúc với các bệnh nhân viêm não mô cầu. Trong trường hợp nhiễm bệnh thì các bác sĩ khuyến cáo rằng 24 giờ đầu được xem là khoảng thời gian vàng trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Chích ngừa có phòng bệnh hoàn toàn
Phòng bệnh viêm não mô cầu bằng kháng sinh chỉ có hiệu quả trong những ngày đầu tiên tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Sau 14 ngày, kháng sinh hầu như không còn tác dụng phòng ngừa. Hiện nay vẫn chưa có loại vaccine nào đảm bảo tác dụng miễn dịch đầy đủ cho cả sáu loại vi khuẩn não mô cầu nên bác sĩ thường chọn lựa vaccine dựa vào đặc điểm của vùng dịch tễ. Chẳng hạn nhưở vùng Đông Nam Á, nhóm A là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, một số ca gây bệnh nhóm B và C đã được ghi nhận. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ em. Vì vậy, trẻ em từ 18 tháng đến người lớn đều cần tiêm vaccine phòng bệnh, tiêm nhắc lại mỗi ba năm.
Các loại vaccine chỉ giúp phòng ngừa khoảng 85 – 90% các trường hợp viêm não mô cầu, chưa kể việc chọn lựa các loại phân nhóm để sử dụng khá phức tạp. Trong khi đang có dịch, chúng ta nên chú ý đến các biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng ngừa lây bệnh gián tiếp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường, tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt, tránh tiếp xúc gần gũi với người khác nơi công cộng.
Nếu bạn có triệu chứng nhiễm bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm bệnh. Ngay cả bác sĩ, điều dưỡng cũng cần chú ý sử dụng các dung dịch khử khuẩn tay trước và sau tiếp xúc với mỗi ca bệnh giúp hạn chế việc lây nhiễm từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.
- TS-BS Võ Xuân Quang – Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin