Sự cần thiết đến mức cấp bách của cải cách thể chế đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập. Sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước cùng với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng từ nhiều năm nay đang đòi hỏi cải cách thể chế. Vấn đề đặt ra là tại sao cuộc cải cách thể chế đã được đặt ra từ nhiều năm nay mà vẫn chưa đạt kết quả mong muốn. Vấn đề mấu chốt là trước hết phải có sự đột phá về tư duy, làm cơ sở lý luận, nhận thức để hình thành thể chế mới.
Về tư duy phát triển
Hệ thống thể chế cho sự phát triển của một đất nước (trong đó có thể chế chính trị, thể chế kinh tế, mà thể chế chính trị có vị trí quyết định nhất) phải được hình thành trên cơ sở một hệ thống tư duy được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, phù hợp với đòi hỏi của dân tộc và thuận theo sự phát triển của thế giới. Thể chế phát triển của một nước đương nhiên phải xuất phát trước hết từ những đặc điểm lịch sử, truyền thống, đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi nước, điều này là cần thiết. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, mỗi nước không thể đứng riêng rẽ, biệt lập, mà phải hội nhập với thế giới; do đó, không nên cường điệu “đặc thù” của Việt Nam, rồi từ chối tiếp thu trí tuệ tinh hoa của nhân loại để làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng: không khéo thì sẽ đi đến “lạc lối”, “lạc lõng” và tiếp tục “lạc hậu”, rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” là không tránh khỏi. Dưới đây, xin nêu một số vấn đề cần có bước đột phá trong tư duy, từ thực tế nước ta hiện nay.
a) Trước hết, là tư duy về mục tiêu phát triển, đó là xây dựng một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực tiễn cho thấy mục tiêu này đúng với kỳ vọng của nhân dân ta, có sức tập hợp, động viên sức mạnh của toàn dân tộc đấu tranh cho sự phát triển bền vững của đất nước, cho ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân. Chính vì thế, mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của pháp luật đều phải nhằm đúng mục tiêu này, thể hiện rõ tư duy về một xã hội dân chủ, thực hiện đại đoàn kết dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc, của người dân lên trên hết; về một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, vững vàng trong hội nhập quốc tế.
b) Hai là, tư duy về nhà nước pháp quyền. Đó là việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, không để cho bất cứ một quyền nào của dân bị hạn chế trái với Hiến pháp. Tổ chức quyền lực nhà nước cần được giám sát để tránh cửa quyền, lạm quyền. Nhà nước thực hiện đúng vai trò của mình là “kiến tạo phát triển”, không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thể chế hành chính phải công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp. Việc xét xử của tòa án phải theo đúng luật pháp và không bị tác động bởi cá nhân hoặc tổ chức nào.
c) Ba là tư duy về nền kinh tế thị trường hiện đại, vận hành theo đúng các quy luật phổ biến của thị trường. Bảo đảm các quyền của công dân trong thị trường: quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm; quyền tự do cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Các loại thị trường cần có chính sách, luật pháp để phát triển đồng bộ. Tạo môi trường cho khoa học, công nghệ có tác động vào sản xuất, coi khoa học, công nghệ là nhân tố chủ yếu quyết định nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
d) Bốn là tư duy về các tổ chức xã hội. Khuyến khích hình thành và hoạt động có hiệu quả các tổ chức xã hội, bao gồm các đoàn thể nhân dân, các hội, hiệp hội, trung tâm, câu lạc bộ, v.v… Cần coi đây là khu vực do dân tự nguyện lập ra, đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau, có tác dụng khỏa lấp những khiếm khuyết, lệch lạc của thị trường, đồng thời góp phần cùng với Nhà nước trong những dịch vụ cho cộng đồng. Khuyến khích hơn nữa các tổ chức xã hội trong công tác chăm lo đời sống, tạo việc làm cho nhóm người yếu thế (phụ nữ cô đơn, người tàn tật, trẻ em cơ nhỡ…), bảo vệ môi trường, v.v… Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các tổ chức xã hội đóng góp xây dựng thể chế chính sách.
Vượt lên chính mình
Đạt được những đột phá nêu trên là một công việc không hề đơn giản, vì liên quan đến trình độ giác ngộ và nhận thức của những cá nhân, tổ chức có vị trí quyết định và có trách nhiệm đối với việc hình thành thể chế; lại càng khó khăn khi lợi ích nhóm có thể tác động. Chính vì thế, những cá nhân và tổ chức này cần vượt lên chính mình, vì lợi ích của dân tộc mà mạnh dạn rũ bỏ những tư duy lỗi thời, không còn phù hợp với cuộc sống, những tư duy đã thực sự kìm hãm sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước.
Trên thế giới, đã có những trường hợp như thế rất đáng để chúng ta tham khảo. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (số 8 và 9 ra ngày 19 và 26-2-2015), giáo sư Trần Văn Thọ – một chuyên gia kinh tế có uy tín đã nêu lên trường hợp của Trung Quốc, nền kinh tế đã phát triển mạnh mẽ trong 30 năm qua; so với Việt Nam, năm 1984, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam độ 30%, nhưng đến năm 2013, khoảng cách đó tăng lên đến 3,5 lần. Yếu tố quan trọng nhất của thành công đó là do Trung Quốc đã dứt khoát theo “chủ nghĩa phát triển”, không để ý thức hệ kìm hãm khả năng phát triển. Giáo sư Trần Văn Thọ viết: “Tuy đề ra chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa nhưng trên thực tế hầu như họ gác lại một bên lý tưởng “xã hội chủ nghĩa” mà tập trung phát triển kinh tế bằng các chính sách, biện pháp phổ quát tại các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Cụ thể là cho kinh tế tư nhân tự do phát triển và cho nước ngoài đến đầu tư trực tiếp” (trang 9, số báo nói trên). Phải chăng đó cũng là một trường hợp thành công do có đột phá về tư duy?
Nói đến sự “vượt lên chính mình” trong đổi mới tư duy, để có sự đột phá cần thiết, đúng lúc, cũng tức là nói đến sự dũng cảm của mỗi người, trước hết là những người có trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý: đó là dám từ bỏ loại tư duy lỗi thời đã theo đuổi và tôn sùng, để tiếp cận tư duy mới của thời đại. Thực sự là rất khó khăn, không tránh khỏi những suy tư, day dứt, mà lối thoát chính là mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đặt mục tiêu phát triển của đất nước, quyền lợi của dân tộc lên trên hết. Và vì những điều thiêng liêng, cao cảấy mà nếu cần, cũng phải hy sinh cá nhân.
Lịch sử cuộc Đổi mới năm 1986 đã ghi lại trường hợp Tổng bí thư Trường Chinh – người được coi là “kiến trúc sư” của Đổi mới mà trước đó vẫn được xem như một người kiên trì lập trường, quan điểm, lý luận kinh điển. Sau nhiều năm nắm bắt thực tế, trăn trở cùng với nhóm chuyên gia tư vấn có trí tuệ, ông đã “vượt lên chính mình”, mạnh dạn trình bày trước Bộ Chính trị suy nghĩ về những tác hại của tư tưởng chủ quan, duy ý chí, sự lạc hậu về nhận thức lý luận và vận dụng các quy luật kinh tế trong lãnh đạo, dẫn đến tình trạng khủng hoảng toàn diện đất nước. Điều đáng quý là ông Trường Chinh đã vượt lên những hạn chế về tư duy cũ, về sức khỏe và tuổi già, dũng cảm đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, để cùng với tập thể hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối Đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986). Trong quá trình ấy, ông đã chịu những lời phê phán gay gắt, như “chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường”, nào là “cẩn thận với những con ngựa thành Troa”, và bị chụp cái mũ “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”. Đây là những lời kết tội hết sức nghiêm trọng. Thế nhưng, với sự bình tĩnh sẵn có, ông Trường Chinh vẫn thẳng thắn nói lên những suy nghĩ, không quan tâm đến sự xúc phạm cá nhân mà lấy sự nghiệp của đất nước làm trọng, bằng sự chân thành, bằng thực tiễn mà ông nắm bắt để thuyết phục người khác, và cuối cùng, ông đã thành công.
Xin được tóm tắt: Để đẩy mạnh cải cách thể chế, nhất thiết trước hết phải có đột phá về tư duy phát triển. Thực tiễn cho thấy, đây là một cuộc chiến đấu gay go, vì sẽ gặp phải rất nhiều lực cản. Do đó, những người có trách nhiệm trong lãnh đạo và quản lý phải vượt lên chính mình, đổi mới tư duy một cách dứt khoát, kiên quyết. Lịch sử sẽ ghi công những người dũng cảm tham gia mở đường cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới này.
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)