Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hơn 200 loại bệnh dịch từ động vật, trong đó có các loại dịch bệnh dễ xâm nhập vào cơ thể, lây lan nhanh và khó kiểm soát như cúm gia cầm, cúm heo tai xanh, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, bệnh tả… Có mặt tại buổi phát động chiến dịch “Tăng đề kháng mỗi ngày, thắng dịch bệnh lâu dài” năm 2013 được trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương (T5G) phối hợp với hai nhãn hàng Enervon và Ceelin tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 4-8 vừa qua, TS-BS Lê Thanh Toàn, Phòng khám Y học Gia đình, Bệnh viện Đại học Y dược
TP. Hồ Chí Minh cho rằng hệ miễn dịch của cơ thể ngày càng suy giảm là điều kiện để dịch bệnh phát triển và lây lan. Vì vậy, mọi người cần chú ý tăng cường sức đề kháng của mình và gia đình, cùng phòng chống bệnh tật, nhất là dịch cúm và bệnh tay – chân – miệng.
Những tác nhân làm hệ miễn dịch suy yếu
Theo thống kê của Bộ Y tế thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2013, cả nước đã ghi nhận đến 400.000 ca nhiễm cúm với các diễn tiến bệnh ngày càng phức tạp, trong đó cúm A/H1N1 chiếm đến 57% với sáu ca tử vong. Khảo sát mới nhất của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, cứ 100 người đến khám bệnh thì có hai người bị nhiễm cúm A/H1N1. Ngoài nguyên nhân do sự thay đổi khí hậu và các bệnh mãn tính như: suy giảm miễn dịch, tiểu đường, tim mạch… thì sức đề kháng của cơ thể còn suy yếu do các nguyên nhân sau:
– Ít trò chuyện, chia sẻ: Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy những người thường xuyên trò chuyện, chia sẻ về các vấn đề công việc, cuộc sống với đồng nghiệp, bạn bè và người thân thì có khả năng chống lại các virus cảm lạnh cao gấp bốn lần so với những người sống cô độc. Còn những người thuộc nhóm thường xuyên giấu kín cảm xúc và quan điểm cá nhân thì thường có các tế bào bạch cầu T (tế bào bảo vệ cơ thể) kém hoạt động hơn những người đồng lứa sống cởi mở.
– Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc kéo dài sẽ làm cho hệ miễn dịch suy giảm nhanh chóng. Theo các chuyên gia thì chúng ta không nhất thiết phải ngủ đủ tám tiếng mỗi đêm mà chỉ cần ngủ sâu và cảm thấy sảng khoái vào sáng hôm sau.
Tuy nhiên, nghiên cứu của nhóm bác sĩ tại Trường Đại học Chicago cho thấy những ai chỉ ngủ bốn tiếng mỗi đêm trong một tuần liền thì số kháng thể chống lại bệnh cúm sẽ giảm đi một nửa.
– Stress: Căng thẳng mỗi ngày làm cho sức đề kháng suy yếu nhanh chóng. Người thường xuyên bị stress dễ gặp những vấn đề về cảm cúm và khi bị cảm thì lâu khỏi bệnh hơn. Ngoài ra, những đôi vợ chồng thường xuyên xảy ra chiến tranh thì có lượng hoóc môn stress tăng vọt, số tế bào kháng thể giảm đến 40%, đây là kết quả một nghiên cứu của Trường Đại học Los Angeles (California).
Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng những cảm xúc tích cực và tiếng cười sẽ làm giảm các hoóc môn stress, làm tăng hoạt động của các tế bào miễn dịch. Mỗi ngày, chúng ta xem những đoạn phim hài hước trong một giờ có thể làm tăng đáng kể khả năng phòng bệnh.
– Sử dụng chung các vật dụng nơi công cộng: Việc sử dụng chung các vật dụng ở mọi nơi, mọi lúc như cây bút, ly uống nước, lược chải tóc, tay vịn thang cuốn, cửa ra vào toilet… sẽ tăng nguy cơ lây virus cảm cúm nhanh hơn chúng ta nghĩ. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh xa người hút thuốc lá vì hút thuốc thụ động có thể gây khởi phát cơn hen và làm nặng thêm các triệu chứng ở người bị dị ứng.
– Ít vận động: Hoạt động cơ bắp và uống nhiều nước sẽ giúp cải thiện đáng kể chức năng của hệ miễn dịch vì các hoạt động thể chất giúp máu và oxy tuần hoàn đến các cơ quan tốt hơn và tăng hiệu quả giải độc ở mọi tế bào trong cơ thể.
Nghiên cứu thực hiện trên nhóm người từ 25 đến 55 tuổi trong bốn tháng cho thấy, người thường xuyên vận động trên một giờ có số đợt bị ốm giảm một nửa so với người đi bộ ít hơn 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, việc đi bộ dưới ánh nắng mỗi ngày từ 30 phút đến một giờ càng làm tăng khả năng phòng chống bệnh tật và giúp gia tăng tuổi thọ.
– Lạm dụng thuốc kháng sinh: Sai lầm thường gặp là chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh ngay khi có dấu hiệu ho, sổ mũi. Điều này sẽ làm cho những đợt nhiễm trùng về sau sẽ càng nặng hơn và khó điều trị hơn. Vì thế, chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn, dùng đúng cách và đủ liều điều trị, thường phải có chỉ dẫn của bác sĩ, không để dành cho lần sau và không chia sẻ đơn thuốc cho người khác.
Các cách đơn giản tăng cường hệ miễn dịch
Cách phổ biến nhất để tăng cường hệ miễn dịch là bổ sung vitamin C và vitamin E. Vitamin C dễ hòa tan trong nước, giúp tăng cường sức đề kháng, tăng hấp thu chất sắt, ngăn ngừa nhiễm trùng. Các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm: nước cam, chanh, quýt, táo, lê, bông cải xanh, khoai tây, khoai lang, cà chua… Còn vitamin E là chất tan trong dầu, giúp chống oxy hóa và hỗ trợ tiêu diệt mầm bệnh. Bổ sung vitamin E hằng ngày bằng các loại thức ăn như: dưa leo, cà chua, cà rốt, đậu phộng, ngũ cốc, cải bó xôi…
Ngoài vitamin C, E thì hệ miễn dịch còn cần thêm kẽm, một nguyên tố vi lượng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng của cơ thể. Kẽm giúp hoàn thiện chức năng bảo vệ tế bào, kiểm soát hệ miễn dịch. Hơn nữa, kẽm còn cần thiết cho nhiều chức năng khác của cơ thể như chức năng thị giác, vị giác… Một chế độ ăn đa dạng các loại thịt và hải sản có thể cung cấp đủ lượng kẽm cần thiết cho chúng ta. Mặt khác, theo lời khuyên của các bác sĩ thì việc cung cấp kẽm thường phải đi kèm với bổ sung đầy đủ vitamin C để phát huy tác dụng tốt nhất đối với khả năng phòng bệnh của cơ thể.
Góp phần hình thành sức đề kháng của cơ thể còn có nhóm vi khuẩn có lợi (probiotic) ở đường ruột. Sự thiếu hụt các vi khuẩn có lợi sẽ làm tăng nguy cơ của các vi khuẩn và chất lạ (kháng nguyên) từ ruột xâm nhập vào mạch máu để gây bệnh. Vì vậy, ngoài tác dụng chữa trị các chứng bệnh do mất cân bằng hệ vi khuẩn ruột gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, viêm đại tràng, probiotic còn cần thiết cho mục đích tăng khả năng đề kháng giúp phòng ngừa bệnh tật. Những sản phẩm giúp bổ sung probiotic quen thuộc mỗi ngày là sữa chua, sản phẩm chứa men tiêu hóa…
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu để tăng sức đề kháng là tập suy nghĩ lạc quan và giao tiếp nhiều hơn mỗi ngày. Cố gắng dành thời gian xem phim hài, đọc truyện cười cùng đồng nghiệp, người thân là cách đơn giản để giải tỏa stress trong công việc và cuộc sống. Sức đề kháng của cơ thể sẽ tăng lên khi chúng ta dành thời gian gọi điện, gửi thư hoặc trao đổi vài chuyện phiếm với những người chúng ta gặp hằng ngày.
Tiêm vaccin phòng cúm
Cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng luôn ngày càng phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gây dịch nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao như cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H7N9… Đến nay, trên thế giới vẫn chưa tìm ra các loại thuốc điều trị đặc hiệu nên cách tốt nhất là phòng ngừa bằng vaccin.
Vaccin cúm được điều chế từ virus cúm đã bị làm suy giảm khả năng gây bệnh nhưng còn nguyên khả năng miễn dịch. Khi tiêm virus trong vaccin này vào cơ thể, chúng không gây ra bệnh cúm mà ngược lại, chúng có thể kích thích cơ thể sản sinh kháng thể đủ mạnh và đủ nhiều để chống lại khi có virus thật bên ngoài xâm nhập. Các bác sĩ cũng lưu ý rằng phải sau hai tuần kể từ khi tiêm thì vaccin mới tạo ra hiệu ứng miễn dịch đầy đủ. Những người từ 55 tuổi trở lên và phụ nữ mang thai có sức đề kháng suy giảm nên cần được tiêm phòng đầy đủ.
Vaccin phòng cúm chỉ chứa một hay hai loại kháng nguyên đặc hiệu cho một hay hai loại virus. Vì vậy, một loại vaccin không thể phòng ngừa với tất cả các loại virus cúm khác nhau mà chỉ miễn nhiễm với loại cúm đã được chủng ngừa. Ngoài ra, khả năng phòng bệnh của vaccin chỉ có thể phát huy tác dụng trong một thời gian từ sáu tháng đến một năm. Cấu trúc kháng nguyên của virus thay đổi theo chu kỳ năm nên đợt vaccin năm nay không còn tác dụng vào năm tới nữa.
Một số tác dụng phụ hay gặp phải khi tiêm vaccin cúm là sốt, sưng tấy, đau tại chỗ tiêm. Những phản ứng này sẽ dần biến mất sau hai, ba ngày. Nếu quá đau và không chịu được thì bạn có thể chườm đá để dịu cơn đau.
Một số trường hợp gặp hiện tượng sốc khi dị ứng với các thành phần đi kèm trong vaccin. Những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ này là trẻ em dưới 6 tuổi, người bị nhiễm trùng nặng, bà mẹ đang mang thai, người bị bệnh dị ứng như hen dị ứng, viêm họng dị ứng, viêm da dị ứng, viêm kết mạc dị ứng… Vì vậy, những đối tượng nói trên thường không nên tiêm phòng vaccin cúm.