Đa phần gia đình người Việt có con cái xa nhà (học hành, làm ăn) đều mong tết. Mẹ mong con về để nấu món ngon cho con ăn, cha mong con đôi khi chỉ để nhìn đứa con mới ngày nào còn chập chững, bi bô mà giờ đây rắn rỏi, hiểu đời đến thế! Em mong anh/chị có quà phương xa.
Cho dù đứa con thành công hay thất bại thì cha mẹ đều mong ngóng như nhau. Con thành đạt, mẹ cha mát ruột nhưng cũng phấp phỏng, lo âu; con không thành công, mong con về để xoa dịu, an ủi và tiếp sức mạnh cho con vững bước đường dài. Mái ấm gia đình là vì thế!
Có lẽ, muôn đời nay, trong gia đình mẹ là người lo tết nhiều hơn hết. Cân đối tài chính, tính trong đầu mua gì, nấu gì. Mẹ biết con thích ăn món nào và không ăn được thứ này, thứ kia. Mẹ nhớ lại, năm ngoái đứa con về nhà nhìn thấy hũ dưa món mẹ làm mà mắt sáng rỡ.
Gắp miếng măng hầm mà con xuýt xoa làm mẹ rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc. Con trai về, ba có bạn uống trà mỗi sáng. Nói chuyện với con giờ đây như hai người bạn, nhẹ nhàng khuyên con khi nghe câu chuyện có vẻ bức xúc, tán thành với con về một hướng làm ăn mới, phân tích thiệt hơn cho con hiểu thất bại hôm nay là bài học cho ngày mai.
- Xem thêm: Tết bây giờ đơn giản?
Ở đời quan trọng là biết rút kinh nghiệm, bài học nào cũng có giá trị. Cuộc đời thì bao la mà lối vào đời luôn hẹp. Sống làm người tử tế đôi khi cũng rất khó khăn… Bữa cơm gia đình ngày tết luôn có ý nghĩa là vì thế.
Cái hay của văn hóa ẩm thực ngày tết có lẽ là món cuốn. Bởi món cuốn làm “chủ lực” nên việc mua sắm đầu tiên bà mẹ luôn nghĩ đến những ràng bánh tráng. Phải có chục ràng loại dành để cuốn là bánh tráng mỏng, có vị hơi mặn và phải giữ cho hơi ẩm để khi cuốn không cần phải nhúng nước.
Cách bảo quản của bà mẹ nhiều kinh nghiệm là bọc bánh tráng trong lá chuối. Miếng lá chuối mềm giữ được ẩm lâu, mẹ hiểu, vòng tay cha mẹ phải bao bọc thương yêu cho dù con có trưởng thành đến đâu vẫn là đứa khờ khạo, cần sự khuyên bảo của mẹ cha.
Trong cái cuốn là cả một thế giới động, thực vật thu nhỏ. Thêm bài học mẹ dạy cho con, cuộc đời là bức tranh màu sắc đa dạng, phong phú, hấp dẫn và đủ cả “mặn, nhạt, chua, cay lẫn ngọt bùi”.
Âm thanh của bài ca dao thớt những ngày giáp tết luôn là kỷ niệm của bất kỳ ai khi nhớ về mẹ. Tết của các bà mẹ xưa món gì cũng ngon, từ thịt thưng, kho tàu, ram, măng hầm, thịt đông, dưa hành củ kiệu, bánh chưng…
Con cái về đông đủ, quanh mâm cơm gia đình ngày tết, cách ăn cuốn là cách ăn sum họp gia đình, mọi người có thời gian nói chuyện với nhau lâu hơn. Thong thả gắp rau đặt vào miếng bánh tráng, ba chợt nhớ ra điều gì, ngừng đũa nhìn con và nói. Thấy câu chuyện có vẻ kéo dài, mẹ lại gạt đi, thôi ông để nó ăn.
Con trai vẫn còn muốn nghe câu chuyện kêu ba kể tiếp, rồi tiện tay gắp miếng măng hay miếng trứng hay miếng thịt luộc hay gỡ miếng cá bỏ vào cái cuốn cho ba. Con gái làm cho ba cái cuốn khác hay múc thêm cho ba chút nước chấm vào chén… Bức tranh gia đình nhờ thế mà đầy đủ màu và vị của hạnh phúc làm thành kỷ niệm khó quên!
- Xem thêm: Những căn nhà cũ
Trong bữa cơm ấy, có thể mẹ không ăn mà chỉ nhìn những người thân yêu cũng thấy no. Mẹ lại nghĩ ngày mai sẽ có món gì khác, rồi ngày kia, ngày nữa… Mẹ nhẩm lại “kho thực phẩm” trong tủ lạnh và dự định ngày chợ đầu năm sẽ mua gì đế con cái có được món tươi…
Rồi, mẹ chợt nghĩ, hết tết nhà lại vắng vẻ khi những đứa con lại ra đi. Bất giác mẹ thấy sống mũi cay cay, có giọt nước mắt ứa ra, không hiểu là hạnh phúc, nỗi buồn hay sự lo lắng. Con trai nhìn mẹ, nghĩ về đoạn đường dài trước mặt và nung nấu hy vọng thành công. Con gái nhìn mẹ và nghĩ đến gia đình riêng, sau này mình cũng sẽ là mẹ.
Mới thấy, mâm cơm ngày tết có hạnh phúc, niềm vui, hy vọng và cả lo toan… Hạnh phúc cho ai có nơi bình yên để về, ăn bữa cơm gia đình với cha mẹ sau một năm dài vất vả, ngược xuôi.