Như đã cam kết sau khi tái đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, ông Obama kỳ vọng một bộ hồ sơ nhằm cải cách luật di dân sẽ được sớm trình lên Quốc hội Mỹ. Trong lúc mọi lựa chọn còn đang được xem xét và quyết định còn chưa được thống nhất từ phía Nhà Trắng, báo Times dự báo rằng luật di dân mới sẽ đòi hỏi những người mới đến Mỹ phải tìm cách có được xác nhận của chính quyền địa phương nơi họ tạm trú về tình trạng sinh sống hợp pháp để trả phí phạt và thuế, từ đó mới có cơ hội nhập quốc tịch Mỹ về sau. Nội dung dự thảo cải cách luật di dân còn đòi hỏi các doanh nghiệp phải xác nhận những nhân viên mới đến Mỹ hợp pháp, từ đó tạo ra một chương trình “công nhân – khách mời” dành cho những người nhập cư lương thấp. Washington cũng sẽ ban hành visa mới nhằm giảm thiểu tình trạng tồn đọng nhân lực, đồng thời ưu tiên những di dân có tay nghề cao được ở lại Mỹ.
Thế nhưng không ít chuyên gia đang lo ngại kế hoạch cải cách luật di dân của Chính phủ Mỹ sẽ bị đình trệ bởi những quan điểm chống đối bất lợi từ Quốc hội trong việc giải quyết vấn đề quan trọng nhất đối với thành phần người di cư đến từ các nước khu vực Mỹ Latin – lực lượng dân cư đã có ảnh hưởng lớn đến chiến thắng của ông Obama và đảng Dân chủ năm ngoái. Tháng 11-2012, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép tạo ra chương trình visa vĩnh viễn đối với người nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ cao cấp. Theo Times, một nhóm thượng nghị sĩ hai đảng thuộc các bang từ New York đến South Carolina sẽ sớm đệ trình một dự luật toàn diện về cải cách di dân trong tháng 3 tới và kỳ vọng việc biểu quyết sẽ được thực hiện vào tháng 8 năm nay. Các vị dân biểu thuộc các bang từ Florida đến California cũng hối thúc tiến hành nhanh cuộc cải cách toàn diện về luật di dân vì cho rằng nước Mỹ không thể để tồn tại “một nhóm công dân hạng hai” và cần phải có một lối đi đúng đắn để người nhập cư hợp pháp sớm có quốc tịch đầy đủ.
Lâm Kiên theo Reuters