Để biến người mua trở thành khách hàng trung thành, những điều sau đây tuy không khó để thực hiện nhưng lại có thể đem đến những kết quả “trên cả tuyệt vời”…
Gắn kết chặt chẽ với khách hàng thông qua các mối quan hệ cá nhân của người bán và người mua. Cách tiếp cận khách hàng vồn vã như với một người bạn chứ không phải cứng nhắc như với mọi người mua hàng sẽ giúp khách hàng cảm thấy thân thiện hơn, gần gũi hơn với thương hiệu của doanh nghiệp. Sự kết nối sâu sắc ấy sẽ thúc đẩy người mua hàng trung thành với thương hiệu hơn.
Mang đến những điều tuyệt vời mà chính khách hàng không nghĩ tới. Cụm từ “vượt hơn mong đợi” luôn được nhắc đến rất nhiều trên một thị trường đầy ắp những đối thủ như ngày nay nhưng rất ít doanh nghiệp hành động được theo đúng nghĩa đó.
Mọi người thường không chia sẻ những trải nghiệm tầm thường với nhau, mà chỉ nói về những điều tuyệt vời nhất. Vì vậy, hãy dành cho khách hàng của bạn những cảm nhận thật sự tốt đẹp để họ nhắc đến thương hiệu của bạn bằng những lời lẽ tích cực.
Thu thập ý kiến khách hàng và cố gắng đổi mới cung cách hoạt động. Bằng cách liên hệ thường xuyên để hỏi thăm ý kiến của khách hàng về mặt tốt và chưa tốt trong việc phục vụ họ, bạn sẽ biết những gì nên điều chỉnh cho hợp lý hơn.
Trong lúc tiếp cận khách hàng, nên cho họ biết những gì bạn đang lên kế hoạch thực hiện để làm họ vừa lòng hơn. Sau khi thu thập ý kiến khách hàng, hãy sớm thực hiện ngay các đổi mới cần thiết.
Dành cho khách hàng nhiều trải nghiệm mới. Hãy tập trung vào những chương trình quảng bá, cung cấp cho khách hàng những giá trị thật sự mới, kể những câu chuyện hấp dẫn bổ ích và gửi lời cảm ơn họ nhằm biến khách hàng thành trung tâm cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Tư duy lấy khách hàng làm gốc ấy phải là nền tảng cho việc xây dựng lòng trung thành của người khách hàng.
Coi công việc của khách hàng như chính công việc của mình. Nhiều khách hàng là doanh nghiệp biết rất rõ và đánh giá cao quá trình làm việc thông suốt và trôi chảy của đối tác.
Chính thái độ làm việc và cách tập trung lực lượng cho công việc của bạn nói ra điều ấy với khách hàng. Nên sử dụng internet và các thiết bị di động để thông báo đến khách hàng tiến trình thực hiện đơn hàng của họ và hỏi thăm xem họ cần bổ sung gì thêm.
Xem xét lại kết quả mua bán. Nếu bạn có thể giúp các khách hàng hiểu rõ giá trị và kết quả thật sự mà họ có thể tạo ra thì rất có khả năng họ sẽ trở thành khách hàng thân thiết của doanh nghiệp.
Muốn vậy, sau khi đã hoàn tất việc mua bán, nên trở lại xem xét kết quả hợp tác với khách hàng, đánh giá xem việc mua bán giữa hai bên thành công tới đâu để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện đơn hàng khác.
Tập trung vào những chi tiết nhỏ. Xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và thực tế với khách hàng về lâu dài sẽ trở thành một lợi thế to lớn cho cả hai bên. Thương hiệu thời trang cao cấp Burberry luôn gửi email cá nhân cho các khách hàng để cảm ơn họ và hỏi họ có hài lòng với món hàng mới mua sắm không.
Cử chỉ rất nhỏ đó của một thương hiệu quốc tế luôn khiến người mua sắm cảm thấy mình rất đặc biệt. Xin lưu ý rằng những chi tiết tưởng chừng vụn vặt lại khiến khách hàng trở nên trung thành hơn với thương hiệu.
Luôn thực hiện đúng lời cam kết sau bán hàng. Thông thường, khi bán một món hàng, nhân viên luôn đảm bảo sẽ giải quyết mọi sự cố nếu chẳng may khách hàng gặp phải.
Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng đã bị thất vọng và mất hết lòng tin khi thấy một dịch vụ chăm sóc sau bán hàng quá hời hợt. Do đó, trong khâu dịch vụ hậu mãi, tốt nhất là hứa ít hơn, mà thực hiện nhiều hơn.