Năm 2006, trong danh sách tặng quà của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại sao lại tặng cho Ấn Độ dấu chân in trên đá của Đức Phật, tặng cho Đại học Yale lại là tranh ảnh và sách Trung Quốc? Đến tháng 5 hàng năm, Nhà Trắng lại công khai vấn đề quà tặng cho tổng thống để thể hiện vấn đề gì?
Mặc dù các nguyên thủ quốc gia nhận quà tặng là một tình tiết nhỏ nhưng những tin tức nói về nó lại rất có ý nghĩa. Những món quà là sự chuyển đưa tâm ý của các nhà lãnh đạo trên thế giới với nhau; đằng sau nó là ẩn ý cho những mối quan hệ lợi ích vô cùng phức tạp. Mỗi năm các nhà lãnh đạo trên thế giới tặng cho nhau hàng ngàn món quà nhưng chỉ xem những món quà công khai mà tổng thống Mỹ nhận được cũng đủ để các học giả về vấn đề quan hệ quốc tế phân tích và mổ xẻ.
Quà tặng mỗi nước có một nét đặc sắc riêng
“Ông Putin là keo kiệt nhất”. Cách đây không lâu tờ Nhật báo Tân Minh của Singapore đã thay ông Bush kết luận về việc nhận quà của ông Putin tặng. Nguyên nhân là ông Bush nhận được hơn một trăm món quà từ hơn 50 quốc gia trên thế giới. Quà tặng của Tổng thống Nga Putin cho ông Bush là một bức đề tự “Toàn gia hạnh phúc” trị giá chỉ có 8 đôla Singapore. Món quà này so với món quà con ngựa mạ vàng của Thái tử Ả Rập Saudi Abdullah tặng thì nó thực sự quá nhỏ.
Nhưng thú vị hơn nữa là món quà của công ty đồ chơi Nintendo Nhật Bản tặng ông Bush. Nhân ngày sinh nhật ông Bush 60 tuổi, công ty này tặng ông Bush một bộ game cầm tay với lời chúc mừng: “Tổng thống Bush kính mến, chúc ngày sinh nhật vui vẻ. Ông không nên lo lắng vì 60 tuổi là cái mốc quan trọng trong cuộc sống. Như những người tuổi 60 khác có lẽ ông cũng đang đi tìm phương pháp để làm cho đầu óc được minh mẫn nên chúng tôi tặng cho ông món quà này”. Món quà tặng này làm không ít người phì cười: công ty Nintendo đúng là “cứu trợ đúng lúc” đối với ông Bush thì còn cần gì phải rèn luyện đầu óc cho minh mẫn?
Những món quà tặng với quảng bá thương mại
Khi các nguyên thủ quốc gia nhận được món quà tặng gì đó thì đối với bất kỳ ai nó không hề là việc nhỏ và những người có con mắt tinh tường sẽ phát hiện ra rằng quá trình giao lưu giữa các nhà lãnh đạo ngày càng mật thiết và những món quà nhỏ bé mang hàm nghĩa thương mại với độ thuần khiết ngày càng nhiều.
Người Nhật là những người đi tiên phong trong vấn đề “ngoại giao thương mại” nên từ năm 1955, họ đã gây được sự chú ý của thế giới: công ty Sony lần đầu tiên thiết kế và sản xuất một loại máy thu thanh bán dẫn. Trong lúc nghĩ cách tiêu thụ lô sản phẩm người sáng lập ra Sony là ông Akio Morita bỗng lóe lên một ý tưởng kỳ lạ: ông tìm đến Thủ tướng Nhật Bản Kishi, hy vọng thủ tướng sẽ giúp hãng tiêu thụ số sản phẩm đó.
Không lâu sau, Thủ tướng Nhật Kishi lợi dụng cơ hội chuyến đi thăm châu Âu và Nam Mỹ đã đưa những chiếc radio bán dẫn của hãng Sony cùng với các bức họa và hộp thuốc khảm bạc làm quà. Chuyến đi này thủ tướng Nhật Bản đã dùng 72 chiếc radio làm quà tặng. Sau sự kiện này, hãng Sony đã đạt được thành công lớn: từ một hãng nhỏ không có tên tuổi, năm 1959 hãng Sony đã xuất được 7620.000 chiếc radio nhảy lên vị trí đứng đầu thế giới.
Sự việc như thế 1 truyền 10, 10 truyền 100, trở thành bí mật mà nhiều người biết. Đến cuối năm 2005, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi vô cùng vui vẻ tặng Tổng thống Bush một chiếc xe máy điện công nghệ cao. Quà tặng thượng mại đã trở thành việc chạy đua kinh tế và mỗi một nhà lãnh đạo không bao giờ bỏ lỡ cơ hội.
Ví dụ, người Nhật tặng Tổng thống Pakistan, Thủ tướng Myanmar và vua Thái Lan máy ảnh camera kỹ thuật số zoom 8mm và tiến thêm một bước là tặng robot Asim có thể hát và múa cho Chính phủ Czech. Trung Quốc cũng tặng thang máy Tân Cương cho Azerbaijan, tặng chiếc xe Trường Thành màu trắng sang trọng cho Chủ tịch Fidel Castro.
Tuy nhiên làm thế nào để chọn được món quà thương mại lại mang kiến thức ngoại giao? Theo các quan chức lễ tân chuyên chọn quà tặng của Nga thì thay tổng thống chọn quà tặng là một việc vô cùng khó. Đẳng cấp quà tặng phải phù hợp, vừa phải và phải làm sao để thích hợp với khẩu vị của người nhận quà. Muốn đạt được mục đích, các quan chức lễ tân không thể không tham khảo các tin tức tình báo để tìm hiểu sở thích của người được nhận quà.
Căn cứ vào rất nhiều quy định của các quốc gia nên quà tặng không được quá nhiều tiền và làm thế nào trong một hạn ngạch lại làm cho đối phương vừa lòng? Vấn đề này có một ví dụ: năm 1972, Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc, các cố vấn của ông đã đến Trung Quốc trước và thấy rằng món kẹo sữa Thỏ trắng của Trung Quốc rất ngon nên Thủ tướng Chu Ân Lai quyết định lấy kẹo Thỏ trắng làm quà tặng cho Tổng thống Nixon và đến năm 2006 khi nhận được sách quý hiếm về võ công của Thiếu Lâm tự, ông Putin cũng rất vui mừng.
Tuy nhiên ý tưởng tuyệt vời nhất phải nói đến đại sứ Anh Weston ở Liên Hiệp Quốc. Năm 1997, ông Weston thông qua các sứ quán ở Liên Hiệp Quốc đã tặng một số radio có máy nạp điện quay tay rất thích hợp cho một số nước nghèo ở châu Phi. Đây không những là ý tưởng sáng tạo mà còn rất đặc biệt vì những chiếc máy radio này chỉ có một tấn số thu đài BBC là hãng truyền thông lớn của Anh quốc.
Quan hệ thế giới sau những món quà tặng
Những món quà nhận được trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush làm người ta được mở rộng tầm mắt: các món quà không những có dao, có súng, có giày da, thậm chí còn có một cuốn sách do Sudan tặng. Cuốn sách có giá 15 USD, theo tờ The New York Times thì đó là cuốn Kỹ năng sinh tồn bán rất chạy, trong cuốn sách nói rất tỉ mỉ về các kỹ năng chống chọi với cá sấu, sư tử và các loài động vật hung dữ để cứu mình trong sinh tồn tự nhiên. Có điều làm cho người ta phải suy nghĩ vì sao người ta lại tặng ông Bush cuốn sách đó?
Mặc dù những người có trí tuệ cũng không thể hiểu hết được ý nghĩa của những món quà tặng, nhưng ít nhất nó cũng có ích lợi trong việc cải thiện quan hệ ngoại giao và ta không nên đánh giá thấp nó.
Năm 2003, khi hội nghị thượng đỉnh G8 được tổ chức tại Evian (Pháp), Tổng thống Pháp Jacques Chirac tặng Thủ tướng Anh Tony Blair 6 chai rượu nho Château Margaux sản xuất năm 1989 nhân ngày sinh nhật ông. Nhiều người cho rằng tặng món quà này, Tổng thống Pháp muốn hòa giải mối căng thẳng giữa hai nước về vấn đề cuộc chiến ở Iraq.
Chắc mọi người còn nhớ: năm 2003, trước khi nổ ra cuộc chiến tranh Iraq, Tổng thống Pháp phản đối cuộc chiến này, đã tặng Tổng thống Mỹ Bush nước hoa và xà bông thơm, còn Thủ tướng Anh Tony Blair đã tặng ông Bush món quà là một chiếc hộp mang tên nhà lãnh đạo thời chiến của nước Anh Winston Churchill. Trong hộp có bút, mực, xì gà và một cuốn sách mạ vàng in các câu nói nổi tiếng của Thủ tướng Churchill. Món quà đã nhắc nhở Tổng thống Bush hãy quyết tâm, không nên do dự.
Có đi không thể không có lại
Quyền lợi và quy tắc lợi ích là như thế nào? Đó là khi tiếp nhận quà tặng, người được tặng phải có nghĩa vụ đền đáp. Vậy trong quà tặng có sức mạnh gì làm cho người nhận quà phải đáp lễ? Trong cuốn sách Quà tặng của Marcel Mauss ở phần mở đầu, tác giả đã chỉ ra rằng trọng điểm của những món quà tặng lưu thông trên thế giới là sự “có đi có lại”.
Ví dụ điển hình nhất là ở Trung Quốc năm 1972: Thủ tướng Chu Ân Lai đặt trên bàn ăn bao thuốc lá thơm “Gấu trúc” nói với phu nhân Pat Nixon: “Phu nhân tổng thống, chúng tôi sẽ tặng ông bà hai thứ như thế này”. Bà Pat Nixon tưởng là ông Chu Ân Lai tặng thuốc lá nên nói: “Thuốc lá à? Tôi không biết hút thuốc…”. Thủ tướng Chu Ân Lai giải thích: “Không phải là thuốc lá, tôi nói là Gấu trúc, chúng tôi sẽ tặng ông bà hai con gấu trúc”. Một món quà quá là quý gia nên bà Pat Nixon và những người Mỹ vô cùng vui mừng. Các nhà nghiên cứu bình luận ý nghĩa của gấu trúc: “Đôi gấu trúc đó rõ ràng đã làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ với Trung Quốc trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và nó đã mang lại được điều quý giá nhất – đó là mối quan hệ hòa bình”.
Trong dịp này, Trung Quốc đã đặt mua đậu tương, thiết bị máy tính và thiết bị vận tải của Mỹ. Sự kiện này được The Wall Street Journal gọi là “món quà ngoại giao”. Theo tư liệu Hiện trạng quà tặng ngoại giao năm 2000 ~2007, trong 7 năm trở lại đây, Hàn Quốc là một trong những nước thường tặng nhiều món quà đắt tiền, trong đó năm 2000 giá trị quà tặng cao nhất là con rùa bằng bạc trị giá 810.000 won cho Thủ tướng Úc John Howard. Năm 2000, quan hệ ngoại giao giữa Úc và Triều Tiên được phục hồi, có thể thông qua Úc để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và điều quan trọng nữa Úc là một đồng minh luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với Mỹ.
Tất cả mọi thứ đều phù hợp với nguyên tắc “có đi có lại” và trong quà tặng tồn tại mục đích “ưu đãi lẫn nhau”. Người tặng quà trông chờ được đền đáp; người phải đền đáp lo làm thế nào để đối phương vừa lòng. Tất cả sự trao đổi quà tặng đều được đặt trong một chuỗi của sự cân bằng, cho nên dù là một món quà nho nhỏ nhưng nó thực sự ẩn chứa sự toan tính kỹ lưỡng của các nhà chính trị.