An ninh quân đội Mỹ tuyệt đối không để lọt một con ruồi vào khu phức hợp Los Alamos có đến 90.000 người đang chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của thế giới.
Khi cho nổ thử nghiệm vào ngày 16-7-1945, ngay cả thống đốc bang New Mexico lãnh đạo khu vực này cũng không biết tiếng nổ kinh hoàng đó là gì, trước khi một quả được “tặng không” cho đế quốc Nhật Bản! Thế nhưng cách đó nửa vòng trái đất, các nhà bác học Liên Xô lại biết rõ khu vực này như trong lòng bàn tay của mình. Đó là nhờ một điệp viên người Đức và chính ông ta sau này cũng giúp cho Trung Quốc chế tạo được bom nguyên tử, phá thế bá chủ thế giới của người Mỹ.
Tiếng nổ kinh hoàng và trận gió thổi khủng khiếp làm cho Norbert Deare giật mình thức giấc vào lúc rạng sáng một ngày hè oi bức. Vào đêm hôm trước, anh phụ giúp lót ván cho trạm xăng gần Socorro thuộc bang New Mexico, khi nghĩ rằng sẽ có một trận mưa lớn và lũ lụt diễn ra vào ban đêm. Khoảng 5 giờ 30’ sáng hôm sau, nỗi sợ khủng khiếp nhất của Deare có vẻ như chẳng thấm vào đâu khi anh bị thổi bay ra khỏi chiếc giường bằng một tiếng sấm nổ long trời chưa từng thấy.
Cảnh sát của bang nói đó chỉ là một vụ nổ bất ngờ trong trại lính. Anh kể lại: “Nhưng nó còn kinh khủng hơn cả Ngày Tận thế”. Tiếng nổ đó diễn ra lúc 5 giờ 30’ sáng ngày 16-7-1945 và có lẽ là một biến cố quan trọng nhất trong thế kỷ 20. Gần một tháng sau đó, mọi người và cả thế giới mới biết được tầm quan trọng thực sự của nó. Họ đã chứng kiến một vụ nổ bom nguyên tử lần đầu tiên của nhân loại.
Mặc cho hàng trăm nhà khoa học và hàng ngàn người hỗ trợ đã di chuyển suốt nhiều đêm trong một vùng thưa thớt dân cư, mặc cho an ninh thắt chặt xung quanh một thiết bị khổng lồ được phủ bạt đầy màu sắc chở trên xe tải chạy suốt nhiều ngày liền trên cánh đồng cỏ mênh mông của bang New Mexico, và mặc cho tiếng nổ của quả bom A làm rung chuyển các tòa cao ốc trên suốt đoạn đường El Paso của bang Texas, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vẫn giữ kín được bí mật của mình.
Làm sao chế tạo được quả bom là một câu chuyện được kể đi kể lại vô số lần trong suốt 40 năm sau đó. Nhưng làm sao giấu kín được nó lại là điều còn ly kỳ hơn nữa. Cho đến tận ngày hôm nay, hàng trăm tư liệu kể về chuyện thử quả bom nguyên tử đầu tiên vẫn còn được xếp loại “tối mật”. Trong số đó có những kết quả đo đạc phóng xạ sau vụ nổ tại chỗ mà hiện nay được gọi là “Trận địa tên lửa Cát trắng” White (Sands Missile Range). Cũng còn bí mật là những bức thư tiết lộ sự rò rỉ tin tức trong khoảng thời gian từ khi thử nghiệm lần đầu tiên đến lúc ném quả bom xuống Hiroshima vào tháng 8.1945. Ngay cả thống đốc bang New Mexico khi đó cũng không thể biết tiếng nổ kinh hoàng đó là gì cho đến khi một trái khác được “tặng không” cho Đế quốc Nhật Bản sau 1 tháng.
Các quan chức Bộ Quốc phòng biết có 3 kịch bản giải thích vụ nổ này, nhưng thực ra đã phải chuẩn bị đến nửa tá cách trả lời. Trong đó có cách chối phăng số lượng người chết trong vụ thử tại Alamagordo, bang New Mexico. An ninh bao quanh việc chế tạo và thử nghiệm quả bom A có vẻ bề ngoài rất phức tạp và dễ dãi, từ chiếc cổng bên ngoài cho đến hàng chục phòng thí nghiệm đang chế tạo bom bên trong. Tuy nhiên, bên dưới dáng vẻ cầu kỳ này là một mạng lưới bảo vệ bí mật cứng như tường đồng vách sắt. Dorothy McKibbin mô tả mạng lưới này như sau: “Khi một người khách đến, nhiệm vụ của tôi là làm cho họ cảm thấy khó chịu, bắt họ ngồi một chỗ và không trả lời mọi câu hỏi”. Trong 2 năm trước khi quả bom đầu tiên hoàn thành, bà là nhân viên tiếp tân chính thức tại Los Alamos, một thị trấn trong vùng núi phía Bắc New Mexico, nơi nó được sản xuất. Nhiệm vụ của bà McKibbin là đón khách đến trung tâm nghiên cứu và hướng dẫn họ vào đúng vị trí của mình. Bất cứ ai đến mà không có giấy phép đặc biệt đều bị bà tống cổ đi nơi khác! Hiện nay McKibbin vào khoảng trên 80 tuổi.
Muốn biết được cách bảo mật khó khăn đến mức nào, phải hiểu được sự phát triển thần tốc của khu phức hợp Los Alamos. Khi quân đội nắm quyền kiểm soát khu vực rộng trên 54.000ha này vào năm 1942, dân số ở đó không đến 250 người, bao gồm cả giảng viên phân khoa và sinh viên của Trường Nông trại Los Alamos. Khi quả bom đã sẵn sàng cho thử nghiệm, dân số vào khoảng 7.000 người. Trực tiếp hay gián tiếp, tất cả đều làm việc cho Phân viện Kỹ thuật Manhattan, một đơn vị của quân đội mà cái tên có liên quan đến Dự án Manhattan.
Ngoài Los Alamos, Phân viện còn có Ban tinh lọc Uranium tại 2 bang Tennessee và Washington. Hai khu vực cộng lại có không đến 30.000 người trước khi Dự án Manhattan ra đời. Nhưng đến tháng 8.1945, có gần 90.000 người sống và làm việc tại 2 khu vực này.
Dưới quyền chỉ huy của tướng Leslie Groves, người chủ trì Dự án Manhattan, an ninh dần dần nằm trong tay của Phân ban đặc biệt do thiếu tá John Lansdale chỉ huy. FBI vốn cộng tác chặt chẽ với Cục Phản gián của Bộ Quốc phòng, trong những năm đầu tiên của dự án, bắt đầu làm việc trực tiếp với Lansdale, từ năm 1943, khi nhiệm vụ an ninh khu vực được giao cho ông phụ trách.
Với quân số tăng vọt, tướng Groves còn phải tiếp nhận các nhà khoa học Đức di cư và một số nhà khoa học Mỹ có cảm tình với Đảng Cộng sản Liên xô. Ông nhận lệnh từ Nhà Trắng phải sản xuất quả bom thật nhanh chóng. Thực ra, Dự án Manhattan đã cho nổ thử nghiệm hạt nhân chỉ sau chưa đầy 3 năm thành lập. Với tốc độ làm việc nhanh như thế, kiểm soát an ninh theo kiểu thông thường là bất khả. Không chỉ thế, kiểm soát các nhà khoa học Đức đào thoát cũng là chuyện rất khó. Tướng Groves đặt ra một giải pháp đơn giản nhất cho từng vấn đề an ninh khi nói rằng an ninh càng chặt chẽ, Dự án Manhattan càng ít bị chú ý.
Hình thức an ninh tiêu chuẩn được áp dụng cho người mới đến. Anh ta phải kê khai tên của bạn bè, các công ty hay tổ chức mà mình từng trải qua. FBI cung cấp cho nhân viên an ninh Dự án Manhattan mọi chi tiết cá nhân của người mới đến. Công việc được phân chia tối đa để người này không thể biết việc của người khác đang làm. Phần lớn không có sự cố an ninh nào xảy ra. Nhưng kẻ bỏ đi luôn gây ra náo loạn.
Nhà vật lý học gốc Đức, du học tại Anh Carl Fuchs bị bắt sau khi quả bom hoàn thành vì tội bán bí mật này cho Nga. Bằng cách nào, sẽ được nói rõ ở phần sau. Tránh né báo chí là một vấn đề lớn. Có lẽ vì chiến tranh đang diễn ra và báo chí phải cạnh tranh nhau khốc liệt để câu khách. Các danh từ như “năng lượng nguyên tử” bị cấm nói tới một cách thành công! Nếu một tờ báo tại Texas kể một câu chuyện bằng cách nào đó có thể tiết lộ về Dự án bom A, sẽ bị ngăn chận ngay tức khắc. Chẳng hạn một tờ báo tại Chicago phải xóa bài đăng có liên quan đến vấn đề này.
Vào ngày nổ thử nghiệm tại Trinity thuộc bang New Mexico, một cư dân Chicago đi ngang qua đó bằng xe lửa. Ông ta nghe tiếng nổ và bầu trời lóe sáng lên. Lúc đến trạm dừng kế tiếp, ông ta chạy ngay đến buồng điện thoại, báo cho một tờ báo tại Chicago. Ông ta nghĩ mình đang chứng kiến một thiên thạch khổng lồ rơi. Cô nhà báo viết một tin vắn gởi cho biên tập viên. Ngay hôm sau, khi đến tòa soạn, có nhân viên FBI đang chờ đợi, bảo cô ta phải quên chuyện này đi! Và nó đã biến mất vĩnh viễn!
Giải thích tiếng nổ
Bất kỳ giải thích nào về vụ nổ ngày 16.7 cũng phải dựa vào thông tin ngắn gọn được đưa ra từ Los Alamos, như sau: “Chúng tôi nhận được nhiều yêu cầu điều tra về một tiếng nổ lớn diễn ra tại khu bảo tồn của Căn cứ Không quân Alamogordo vào lúc sáng hôm nay. Một kho chứa thuốc súng ở nơi hẻo lánh, với nhiều chất nổ và dễ cháy đã bốc cháy. Không có ai thiệt mạng hay bị thương”.
Câu chuyện thực sau đó đã được kể lại, nhưng chỉ sau khi quả bom được ném xuống Hiroshima. Nhằm thuyết phục công chúng tin mình, những người thực hiện Dự án Manhattan đã cho phép phóng viên William Lawrence của báo The New York Times sống tại khu phức hợp Los Alamos suốt mấy tháng trước khi vụ nổ thử nghiệm diễn ra. Anh ta giữ bí mật và đã viết một loạt bài nổi tiếng trên tờ báo sau biến cố Hiroshima.
Mấy ngày trước khi nổ thử nghiệm, chiếc thùng bằng thép khổng lồ có tên Jumbo nặng 180 tấn, dùng để chứa quả bom A bên trong, đã được di chuyển xuyên qua sa mạc Nevada đến bãi thử Trinity, được bọc kín bằng vải bạt màu sặc sỡ, chở trên một chiếc xe tải đặc biệt có trọng tải 200 tấn. Ngay cả cảnh sát đi theo hộ tống cũng chẳng biết nó được dùng để làm gì. Chỉ nghe người ta nói là để chứa chất nổ.
Thế nhưng hình dáng viên đạn của nó được nhìn thấy xuyên qua vải bạt không thể ngăn chặn được nhiều lời đồn đoán khác nhau. Phổ biến nhất là lời đồn quân đội đang bí mật chế tạo tàu ngầm trong sa mạc! Chính phủ Hoa Kỳ giấu giếm bí mật quả bom A trong sa mạc đối với dân chúng sống ngay ở gần đó đã là cẩn thận tột cùng. Thế nhưng nó vẫn bị rò rỉ và ngày nay, cả thế giới đều biết. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra?
Bí mật bom nguyên tử của Mỹ đã bị rò rỉ như thế nào?
Klaus Emil Julius Fuchs sinh ngày 29-12-1911, mất ngày 28-1-1988 tại Đức, vốn là con một mục sư Tin lành, gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) vào năm 1932. Năm 1933, ông tham gia đốt trụ sở Quốc hội sau khi Hitler lên cầm quyền được một tháng. Bị truy nã, ông phải chạy trốn sang Anh. Tại đây, Klaus Fuchs tiếp tục đi học và lấy được bằng tiến sĩ tại Đại học Bristol. Năm 1941, ông làm phụ tá cho giáo sư Rudolf Peierls đang làm việc trong dự án chế tạo bom nguyên tử của Anh: Tube Alloys. Klaus Fuchs đã bán những tin tức này cho Liên Xô thông qua một điệp viên mang bí danh Sonia, tức là nữ thiếu tá tình báo Liên Xô Ruth Kuczynski, cũng là một đảng viên Cộng sản Đức.
Năm 1943, Fuchs và Peierls đến Đại học Columbia ở New Yok, Hoa Kỳ để tham gia Dự án Manhattan. Tháng 8.1944, Fuchs gia nhập Ban Vật lý lý thuyết của Phòng thí nghiệm Los Alamos dưới quyền điều khiển của Hans Bethe. Nhiệm vụ được giao là tinh luyện uranium bằng phương pháp khuếch tán khí. Lúc đó, tình báo Nga đặt cho ông bí danh là Charles, tiếp xúc qua một điệp viên tên là Harry Gold.Fuchs và nhiều nhà khoa học khác có mặt trong vụ nổ thử nghiệm đầu tiên tại bãi thử Trinity vào tháng 7.1945.
Đạo luật năng lượng nguyên tử năm 1946 (Luật MacMahon) cấm cung cấp thông tin về nghiên cứu hạt nhân cho bất kỳ nước ngoài nào, kể cả nước Anh, nếu không có giấy phép chính thức. Nhưng Fuchs vẫn cung cấp thông tin tối mật này cho Anh và điệp viên Liên Xô. Tháng 8.1946, ông trở lại Anh, làm trưởng ban Vật lý lý thuyết thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Harwell. Từ cuối năm 1947 đến tháng 5.1949, Fuchs cung cấp cho tình báo Nga sơ đồ bản vẽ bom khinh khí khi chương trình này đang tiến hành tại Mỹ và Anh, qua 6 lần tiếp xúc với điệp viên Alexander Feklisov. Ông cung cấp cả kết quả thử nghiệm bom uranium và plutonium tại đảo san hô Eniwetok và “bí quyết” sản xuất uranium 235 tinh luyện. Năm 1947, Fuchs tham gia hội nghị của Ủy ban Chính sách tổng hợp (CPC) nhằm trao đổi thông tin hạt nhân tối mật giữa Mỹ, Anh và Canada. Donald McLean, một điệp viên khác của Liên Xô, cũng tham gia hội nghị này.
Tháng 9-1949, tin từ Dự án Venona của tình báo quân đội Hoa Kỳ báo cho Tổng hành dinh Thông tin Chính phủ (GCHQ) rằng Fuchs là một điệp viên Liên Xô. Bị MI5 điều tra, tháng 1-1950, Fuchs thú nhận tội đã cung cấp thông tin cho Liên Xô từ năm 1942 và còn trước đó nữa. Ông bị bắt và kết án 14 năm tù giam, bị tước quốc tịch công dân Anh bởi vì lúc đó Liên Xô vẫn còn được xem là đồng minh. Năm 1959, ông được ân xá và sau đó di cư sang Cộng hòa Dân chủ Đức. Tại đây Klaus Fuchs được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học và làm Ủy viên Trung ương Đảng Xã hội Thống nhất Đức. Sau đó, ông được đề cử làm phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Rossendorf và làm việc cho đến khi về hưu năm 1979. Ông từ trần ngày 28.1.1988.
Hans Bethe đã từng nói: “Klaus Fuchs là nhà vật lý học duy nhất đã làm thay đổi dòng lịch sử thế giới”.Theo quyển Trên Quảng trường đỏ của Anthony Cave Brown và Charles B. MacDonald, đóng góp lớn nhất của Fuchs cho Liên Xô là tiết lộ làm sao biến được uranium thành bom nguyên tử. Thông tin kỹ thuật mà ông cung cấp cho Gold vào tháng 1.1945 khiến cho Liên Xô chỉ mất có 2 năm thí nghiệm và tiêu tốn 400 triệu đô la để đạt được kết quả hoàn toàn. Fuchs cũng cung cấp số lượng uranium và plutonium cần thiết để tạo ra được một quả bom nguyên tử.
Dưới sự hướng dẫn của Klaus Fuchs vào năm 1959 khi mới trở về Đông Đức, chàng trai trẻ người Trung Quốc Tiền Tam Cường (Qian Sanqiang) và một số nhà vật lý học Trung Quốc khác đã chế tạo đươc quả bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc trong dự án 596 và cho nổ thử nghiệm vào ngày 16.10.1964 tại Lop Nur thuộc sa mạc Gobi. Chi tiết này được tiết lộ trong quyển The Nuclear Express: A Political History of the Bomb and its Proliferaction (Hạt nhân cấp tốc: Câu chuyện về quả bom và cách có được nó) của hai tác giả Thomas Reed và Daniel Stillman.
Tuy nhiên, 3 nhà sử học về bom nguyên tử Robert S. Norris, Jeremy Bernstein và Peter D. Zimmerman thách thức quả quyết này là một phỏng đoán vô căn cứ, và quả quyết The Nuclear Express là một quyển sách đầy tham vọng và khuyết điểm!