Từ khi mới sinh ra, con người đã biết đến nước mắt. Ðầu tiên nước mắt làm sạch mắt và khơi gợi sự yêu thương, khơi gợi cảm giác cần chở che, bảo vệ.
Nước mắt như một “cách thức” đứa trẻ dùng tới để biểu đạt ước muốn, để có được những gì con-mong-bố-mẹ-cho-con. Theo thời gian, đứa trẻ trưởng thành và thói quen này thay đổi. Tuy nhiên, với một số phụ nữ, nước mắt tiếp tục… phát huy khả năng, trở thành một “vũ khí” tạo hóa ban riêng cho họ để làm “mềm lòng” nam giới!
Tuyến nước mắt ở phụ nữ hoạt động rất linh hoạt. Ðiều này như một ưu ái tạo hóa dành riêng cho họ khi mà những miền cảm xúc ở bộ não phụ nữ lớn hơn rất nhiều so với nam giới. Nam giới ít khi cho phép mình khóc trước đám đông. Từ ngàn xưa, với thiên hướng riêng biệt của người phải săn tìm thức ăn, anh ta biết rằng để lộ cho đối phương – những người đàn ông khác – biết điểm yếu, biết cảm xúc của mình là một việc vô cùng nguy hiểm. Anh ta sẽ trông rất yếu đuối và kích thích những người khác tấn công vào.
Trong khi đó, phụ nữ lại dùng nước mắt như một cách “kết nối” hữu hiệu mình với mọi người. Khi bạn dùng nước mắt bộc lộ cảm xúc, những phụ nữ khác sẽ cảm nhận đây là dấu hiệu của sự tin cậy, mong muốn sẻ chia hoặc đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Bất kỳ phụ nữ nào cũng nhạy cảm khi nhìn thấy người khác khóc. Bởi lẽ thiên chức làm mẹ tiềm ẩn trong họ mạnh đến mức nước mắt luôn khơi gợi ở họ cảm xúc của một người mẹ dành cho con, nhắc nhở họ sẵn lòng bao dung, che chở và bảo vệ cho “đối tượng” trước mặt. Hơn thế nữa, các thử nghiệm cho thấy hầu hết phụ nữ đều có thể nhận ra 7 “đòi hỏi” khác nhau ẩn sau 7 cách khóc của một đứa trẻ để xác định được bé cần gì. Trong khi đó, nam giới hầu như “bó tay” với chuyện này.
Nam giới rất… sợ khi nhìn thấy nước mắt phụ nữ. Bởi anh ta biết rằng ẩn sau những giọt ngắn giọt dài đó thường là một “mong muốn” và điều này gây áp lực lớn với anh ta. Trong thế giới của “cánh đàn ông”, nếu anh ta thật sự mong muốn một điều gì, anh ta sẽ hỏi trực tiếp và đề cập trực tiếp đến những gì mình muốn. Ðiều đó, dù khá gay gắt, vẫn phải được nói ra.
Ví dụ một buổi tối nào đó, ông bố đề cập với cậu con trai: “Bố nghĩ con nên kết thúc mối quan hệ của con và người bạn X.!”. Có thể sẽ có những tranh luận, thậm chí nổi nóng, nhưng đó là cách chàng phải làm để có được điều mình muốn. Và cậu con trai phải ra sức tranh luận để bảo vệ điều mình nghĩ là đúng. Nhưng với phụ nữ, mọi chuyện không phát triển theo chiều hướng như thế. Tạo hóa ban cho người phụ nữ nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ sự hòa thuận, êm ấm, tránh cho thành viên trong gia đình khỏi những xung đột. Vì thế, họ luôn cảm thấy “sợ” khi phải làm một điều gì đó hoặc nói một điều gì đó đi ngược với thiên chức này.
Không muốn làm tổn thương người khác trong khi phải nói ra điều mình muốn, họ dùng đến nước mắt để giảm sự xáo trộn trong lòng đồng thời làm dịu đi không khí căng thẳng với đối phương. Nước mắt trở thành một vũ khí bảo vệ, một công cụ để giao tiếp và đạt được đến điều mình muốn. Ðặc biệt, điều này càng có ý nghĩa khi áp dụng với một “đối tượng” là… nam giới!
Những nghiên cứu, khảo sát đều cho thấy: Hầu như khó có người đàn ông nào đủ sức giữ nguyên vẹn sự “cứng rắn” trước một phụ nữ luống cuống sợ hãi hoặc bật khóc trước mặt mình. Phụ nữ khóc được rất dễ dàng. Họ biết, dùng đến nước mắt là tránh được sự đối đầu gay gắt với nam giới. Một phụ nữ khóc để bày tỏ tình cảm, bày tỏ sự lo lắng, bày tỏ rằng họ cần được che chở, giúp đỡ. Và rất hiếm người đàn ông nào “từ chối” nổi điều này.
Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là bạn nên “lạm dụng” vũ-khí-độc-quyền. Không ai thật sự thấy thoải mái khi bị “bắt ép” làm một việc gì đó (dù là bắt ép bằng vũ lực hay bằng… tình cảm đi nữa). Ðàn ông cũng không là ngoại lệ. Có thể họ sẽ nhân nhượng trong một số trường hợp, nhưng nếu bạn dùng nước mắt chỉ với mục đích “đòi hỏi”, thường xuyên đến nỗi khiến họ phải… quen với những giọt-ngắn-giọt-dài thì chắc hẳn đến một lúc nào đấy họ sẽ đâm ra “bão hòa” với vũ khí này.
Hãy giữ cho giọt nước mắt có đủ độ ấm và sự trong trẻo “trời sinh” của nó. Ðể bất kỳ lúc nào cảm xúc thật sự trào lên, bạn có thể nhận lại được một vòng tay chia sẻ ấm áp, cảm thông của người bạn đời: “Không sao đâu. Bình tĩnh đi em…!”