Mua một ngôi nhà luôn là chuyện có chút may rủi, nhưng có lẽ bạn sẽ an tâm hơn nếu bất động sản này được hậu thuẫn bởi một thương hiệu khách sạn mà mình yêu thích? “Branded residences” là những ngôi nhà được phát triển và tiếp thị bởi các tập đoàn lớn nhất thế giới trong ngành “hospitality” từ Four Seasons đến Mandarin Oriental hay Marriott. Những nơi ở như thế ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong hồ sơ sản phẩm của các tập đoàn khách sạn và thị trường xuất hiện cả đối tượng người mua chuyên “sưu tập” những “bất động sản hàng hiệu” như thế.
“Branded residences” xuất hiện ở New York, Mỹ cách đây khoảng một thế kỷ khi Sherry-Netherland Hotel trên Đại lộ số 5 tự vận hành những căn hộ dịch vụ kế bên tòa nhà của khách sạn. Xu hướng này du nhập đến châu Á vào thập niên 1980 và phát triển mạnh ở Đông Nam Á thời gian gần đây. Amanpuri của Thái Lan được xem là thương hiệu đầu tiên phát triển loại hình bất động sản này trong khu vực. Trong khi đó, “branded residences” chỉ bùng nổ ở thị trường châu Âu từ sau năm 2000.
Một sản phẩm hấp dẫn đối với các thương hiệu khách sạn
Vì sao chuyện xây nhà lại hấp dẫn các nhà kinh doanh khách sạn đến vậy? Thông thường, các tập đoàn khách sạn sẽ cấp phép sử dụng thương hiệu cho nhà phát triển bất động sản và tính phí bản quyền (khoảng từ 3 – 5% theo thông tin của Savills và HVS) và chi phí cộng thêm cho các hoạt động liên quan như tiếp thị. Sau đó, họ có thể quảng bá các bất động sản này cho khách hàng và như thế, nhà phát triển cũng có sẵn một đối tượng mua sản phẩm.
Về cơ bản, đây là một sự thể hiện sức mạnh thương hiệu. Theo một khảo sát do Bộ phận tư vấn phát triển quốc tế của Savills (SIDC) thực hiện, 68% khách hàng nghĩ rằng việc liên tưởng dự án với một thương hiệu khách sạn quốc tế là “rất quan trọng” khi cân nhắc mua một “bất động sản hàng hiệu”.
Trong nhiều trường hợp, người mua sẵn lòng chi nhiều hơn vì thương hiệu. Theo thông tin của Savills, tính trung bình người mua tại thị trường châu Âu sẽ chi nhiều hơn 29% cho các ngôi nhà mang thương hiệu danh tiếng so với một bất động sản độc lập. Còn ở một địa điểm như Dubai, nơi mà các tập đoàn khách sạn thường là nhà cung cấp duy nhất của loại hình cao cấp này, sản phẩm có thương hiệu thậm chí gấp đôi giá của một bất động sản tương tự trên thị trường.
Đối với các tập đoàn khách sạn, loại hình sản phẩm này sẽ làm tăng nhận thức về giá trị thương hiệu, là cơ hội mở rộng thương hiệu và tăng nguồn thu. Còn đối với người mua, “hàng hiệu” là một sự bảo đảm về chất lượng xây dựng, thiết kế và tiện ích dịch vụ. Những công trình này cũng có kiến trúc, thiết kế nội thất và công nghệ khác biệt, cư dân có thể tiếp cận 24/7 các dịch vụ của khách sạn năm sao, khả năng cho thuê và giá trị bán lại cao.
Hẳn nhiên, phí dịch vụ dành cho hàng hiệu cũng không dễ chịu chút nào. Alexandros Moulas, Phó giám đốc của SIDC cho biết phí dịch vụ cho căn hộ một phòng ngủ của một dự án danh tiếng ở Thụy Sĩ là 40.000 euro mỗi năm.
Dù vậy, với giới mua bất động sản siêu giàu, sự yên tâm là vô giá. Mua bất động sản ở nước ngoài có thể là một quy trình phức tạp, vì thế, sự trợ giúp của một thương hiệu uy tín, giàu kinh nghiệm là đáng hấp dẫn đối với họ.
Những thương hiệu này cũng dễ cho thuê lại bất động sản nhờ dữ liệu khách hàng sẵn có và dịch vụ quản lý chuyên nghiệp. Nhiều dự án “branded residences” cũng đưa ra mức lợi tức bảo đảm cho những năm đầu tiên. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần hiểu rõ lời đề nghị của bên bán hàng và xem xét thận trọng mục đích và lý do đầu tư của họ: mua để đầu tư, để sử dụng, niềm tin đối với thương hiệu và lợi thế địa điểm.
Xu hướng tham gia thị trường của các thương hiệu cao cấp ngoài ngành
Sự phát triển mạnh của xu hướng này đã thu hút sự chú ý của các thương hiệu ngành hàng cao cấp và khuyến khích họ tham gia thị trường. Năm ngoái, Porsche Design Tower được ra mắt ở Sunny Isles Beach, Miami, Mỹ. Đây là tòa nhà cao 60 tầng với một thang máy đặc biệt để mang những chiếc siêu xe vào tận “penthouse” của chủ nhân. Trong khi Mercedes-Benz chọn London và Singapore để xâm nhập vào lĩnh vực phát triển bất động sản với dự án căn hộ “Mercedes-Benz Living @ Fraser” hợp tác với Frasers Hospitality.
Những thương hiệu thời trang cao cấp như Bulgari, Versace, Moschino và Armani cũng đã cấp phép sử dụng thương hiệu (và sự am hiểu trong lĩnh vực thiết kế) cho các nhà phát triển bất động sản.
Dĩ nhiên những kiến trúc sư ngôi sao cũng nhập cuộc vì thiết kế là phần cực kỳ quan trọng để tạo nên một thương hiệu. Việc sử dụng các kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất tài danh không chỉ làm tăng chất lượng của sản phẩm cuối cùng mà cũng giúp khách hàng tiềm năng nhận diện sản phẩm.
Tóm lại, “branded residences” mang lại cho người mua cả sự an toàn trong đầu tư, đẳng cấp thương hiệu và một ngôi nhà nghỉ dưỡng. Các nhà phát triển bất động sản được lợi nhờ mức giá của một sản phẩm cao cấp và sự gia tăng nhanh về doanh số trong khi các tập đoàn khách sạn thì nhận được phần thưởng nhờ vào sức mạnh tiếp thị và giá trị mà thương hiệu mang lại cho bất động sản.
Sau hết, một công trình thành công phải được định hướng bởi những mong muốn và yêu cầu không ngừng tiến triển của khách hàng về sự tiện nghi, an toàn và niềm tin mà một sản phẩm cao cấp có thể mang lại.
Theo một báo cáo của Công ty tư vấn C9 Hotelworks (tháng 10-2017), ước tính thị trường Đông Nam Á có 94 dự án nhà ở mang thương hiệu khách sạn với hơn 21.000 sản phẩm đang vận hành. Từ năm 2018-2020, ước tính sẽ có thêm 78 dự án được hoàn thành.
Thái Lan dẫn đầu thị trường khu vực với 30% tổng nguồn cung, theo sau là Indonesia với 25 dự án đang triển khai. Trong khi đó, Việt Nam được ghi nhận là thị trường có số dự án mới cao nhất, chiếm 23% nguồn cung sản phẩm mới. Nếu nhìn sâu hơn vào đối tượng người mua, thị trường Thái Lan có nhiều khách mua là người nước ngoài hơn, trong khi Indonesia và hiện nay là Việt Nam có nhu cầu mạnh từ một tầng lớp tiêu dùng đang lên trong nước.