Đó là trường Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi trường phổ thông dành cho các em khiếm thị. Hàng trăm em đang sống và học tập tại trường, trong đó hơn một nửa đang ở tuổi mới lớn.
Như các bạn trong lứa tuổi mới lớn khác, các học sinh khiếm thị cũng có những bức xúc do những thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi mình. Các em còn gặp nhiều khó khăn hơn vì bị hạn chế trong giao tiếp xã hội.
Một em gái có kinh lần đầu đã không biết phải xử trí ra sao và do không nhìn thấy được như những em khác, đã làm cho thầy cô bối rối không ít! Một em trai bị bể tiếng cũng lo âu không kém, chỉ mong cho giọng nói được trở lại trong trẻo như xưa!
Các em thường sống khép kín, âm thầm, nhưng rất nhạy cảm, dễ xúc động, đôi khi nóng nảy… Dạy các em thật không dễ! Mỗi lớp chỉ chừng 7-8 em. Thầy cô chẳng những phải “dạy tận tâm” mà còn phải “cầm tận tay”. Các em học rất mau… đói! Bởi vì trong khi các bạn khác viết thoăn thoắt trên giấy thì các em phải đâm kim vào bìa cứng – chữ Braille – nên rất mỏi tay, mất rất nhiều năng lượng.
Ở trường, các em đi lại có vẻ nhanh nhẹn vì đã quen với môi trường xung quanh, có nhóm ngồi chuyện vãn trên ghế xích đu, nhóm khác đá banh… với những trái banh có gắn lục lạc kêu leng keng định hướng, trên đầu mỗi em đội một cái mũ đặc biệt như đội khăn đóng để đỡ nguy hiểm khi va chạm.
Không chỉ có những băn khoăn thắc mắc – loại không biết hỏi ai, không dám hỏi ai – như đa số các bạn tuổi mới lớn khác mà còn có những vấn đề phức tạp nảy sinh như tình yêu nam nữ khi đến tuổi phát triển. Nhà trường phải hết sức giữ nghiêm. Có lần thấy hai em âu yếm cầm tay nhau đi lại, trường cấm, các em phản đối: “Vậy chớ tụi con muốn cầm tay nhau thì mỗi đứa phải nắm ở một đầu gậy tre hay sao?”.
Đến với các em, gom mấy tấm bìa cứng các em viết sẵn những câu hỏi mà không khỏi nao lòng! Các thầy cô phải dịch ra cho thì mới hiểu. Cũng những câu hỏi như hàng ngàn các câu hỏi ở tuổi mới lớn khác nhưng thật không dễ trả lời ở đây. Mỗi câu hỏi hình như không chỉ chứa nỗi hoang mang, lo lắng mà còn là một sự chối từ, không chấp nhận mình.
– “Tại sao tuổi 14-15 thì tự nhiên lúc ngủ… Đến mấy tuổi thì chấm dứt?”.
– “Tại sao tuổi này thì tụi con mọc lông tóc rất nhiều? Đến tuổi nào thì hết?”.
– “Em có tật xấu không bỏ được. Em rất lo sợ sau này sẽ không có con. Muốn cho hết phải làm sao? Xin bác sĩ cứ nói ra sự thật…”.
Khi đã quen thân hơn, các em không ngại hỏi trực tiếp:
– “Bác sĩ ơi, tóc con bạc sớm phải làm sao?”.
Thì ra, khi đi học ở trường ngoài (hội nhập) thì bạn bè đã nói cho em biết rằng em có tóc bạc. Em rất lo âu về chuyện này. Có em hỏi lùn quá phải làm sao. Một em gái hỏi làm sao cho có thân hình cân đối. Một em khi nghe khen có mái tóc dày đẹp đã reo lên với bạn: “Đó mày thấy chưa! Tao nói mà mày đâu có tin!”. Một em gái 13 tuổi hỏi tại sao em có kinh nguyệt. Đến bao giờ thì hết. Khi được giải thích, em đã vỗ tay mừng rỡ vì trước đó em tưởng là em đang mắc một thứ bệnh nặng.
Không dừng lại ở đó, một em gái 16 tuổi hỏi vì sao bây giờ em suy nghĩ không còn đơn giản như xưa, em thấy mình luôn luôn muốn chống đối… Một em trai hỏi vì sao em chỉ nghe tiếng “người ta” nói, không nhìn thấy mặt mà đã thấy lòng mình rung động lạ thường.
Một em gái khác hỏi lúc này con thường có cảm giác rất lạ lùng trong cơ thể, rất khó nói, có phải cái đó là tình yêu và làm sao ngăn cản nó? Tôi đọc cho em nghe mấy câu thơ của Xuân Diệu: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu”. Đọc xong tôi mới thấy mình bị “việt vị”. Các em đâu có thấy nắng, thấy chiều, thấy mây, họa chăng chỉ có thể nghe cái hiu hiu của gió.
Một em khá lớn hỏi một câu làm tôi thật sự bối rối: Làm sao biết người ta yêu mình chân thật hở bác sĩ? Dĩ nhiên không thể trả lời em như phải thử máu hay thử nước tiểu để biết nên tôi đành đọc mấy câu thơ:
…Tình yêu là gì không ai biết được
Chưa có một định nghĩa nào chính xác với tình yêu
Chỉ có trái tim ta mách bảo đôi điều
Chỉ có trái tim ta la bàn định hướng
Người ta bảo tình yêu luôn mù quáng
Những người mắt sáng cũng như mù
Những người mù… thường khi lại sáng
Nên đừng hỏi làm sao biết một tình yêu chân thật
Chỉ hỏi nhỏ trái tim mình
Có phải thật tình yêu…?
Vậy đó, tuổi mới lớn ở một ngôi trường đặc biệt, ở những bạn trẻ phải sống trong cảnh “đêm dài một đời”. Các em rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ, lắng nghe… của tất cả chúng ta.
Hẹn thư sau. Thân mến.