Tại Việt Nam, không ít vụ kiện lớn về quyền tác giả kéo dài nhiều năm chưa được tòa án giải quyết. Chẳng hạn như vụ kiện giữa họa sĩ Lê Linh với Công ty Phan Thị về hình tượng các nhân vật trong tập truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2006; hay vụ Trường Doanh nhân Dale Carnegie kiện một chuyên gia lấy chương trình của mình để giảng dạy vẫn “dây dưa” hơn bốn năm nay. Chuyện “đạo” nhạc, “đạo” văn, “đạo” thơ… thì xảy ra thường xuyên nhưng hầu như chưa có vụ án nào được giải quyết thấu đáo. Mới đây, trên mạng xã hội đã có khá nhiều tranh cãi quanh vụ phát trực tiếp (livestream) trái phép phim Cô Ba Sài Gòn của một thanh niên 19 tuổi. Nhưng sau rất nhiều lời bàn của các luật sư thì đến nay, vụ án vẫn chưa được xử lý thỏa đáng…
Tác giả không được công nhận Quyền tác giả
Theo GS-TS Nguyễn Vân Nam, Thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ và Luật cạnh tranh tại Đức, Tiến sĩ Luật Hành chính công, những bất cập trong Luật về Quyền tác giả của Việt Nam khiến cho tòa án lẫn các luật sư lúng túng, không biết căn cứ vào đâu để phân xử. Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như Luật về Quyền tác giả của Việt Nam có quá nhiều sai lệch, thiếu sót so với chuẩn mực chung của thế giới.
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra Hiệp định TRIPS về Sở hữu trí tuệ (SHTT) quy định các thành viên phải tuân thủ các chuẩn mực bảo vệ Quyền tác giả của Công ước Berne. Việt Nam là một thành viên của WTO, nhưng lại đưa ra hệ thống các điều luật về Quyền tác giả còn có nhiều sai sót so với chuẩn mực tối thiểu nói trên. Thậm chí luật của chúng ta không có quy định về những quyền cơ bản nhất như: “Quyền được công nhận tác giả”, “Quyền suy đoán là tác giả”… Nếu người tạo ra sản phẩm không có “Quyền được công nhận là tác giả” thì làm gì có chuyện “đạo” tác phẩm? Ngay cả đến định nghĩa thế nào là “tác phẩm” của Luật SHTT 2005 cũng rất sơ sài, thiếu hẳn các yêu tố cấu thành làm nên một tác phẩm được bảo hộ là sáng tạo tinh thần và dấu ấn cá nhân. Do đó, việc bảo hộ tác quyền lẫn giải quyết tranh chấp rất khó khăn”, luật sư Nguyễn Vân Nam cho biết.
Đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến tình trạng sử dụng các bài viết trên mạng xã hội Facebook gần đây. Theo ông Nguyễn Vân Nam, trước hết, chúng ta cần xác định xem bài viết đó có phải là tác phẩm không. Công ước Bern định nghĩa “tác phẩm” là sản phẩm sáng tạo tinh thần mang dấu ấn cá nhân, trong khi đó Việt Nam định nghĩa tác phẩm chỉ là “sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”. Điều vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm chính là “dấu ấn cá nhân”, Luật Việt Nam lại không nói đến nên chúng ta cũng không có cơ sở phân biệt tác phẩm nguồn và tác phẩm phát sinh.
Như vậy, một bài viết trên mạng xã hội có thể gọi là “tác phẩm” và được bảo hộ theo Luật Việt Nam, nhưng với công ước Bern thì… chưa chắc. Nên theo luật quốc tế, phần lớn các phát ngôn trên mạng xã hội đều có thể sử dụng tự do để đáp ứng mối quan tâm của cộng đồng, xã hội. Còn căn cứ vào Luật SHTT 2005 của Việt Nam, tất cả các bài viết trên mạng xã hội đều được hưởng bảo hộ quyền tác giả. Theo đó, bất cứ ai bị người khác sử dụng bài viết của mình trên mạng xã hội, đều có thể khởi kiện hoặc dọa khởi kiện. Vì vậy, người Việt sẽ tiếp tục tranh cãi không dứt về bản quyền của các phát ngôn “vô thưởng vô phạt” nhiều năm sau.
Nhiều thiệt thòi cho tác giả và người tiêu dùng
Theo luật sư Nguyễn Vân Nam, những thiếu sót, không rõ ràng trong Luật về Quyền tác giả dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế – xã hội Việt Nam, mà người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các tác giả và người tiêu dùng Việt Nam. “Vì quyền tác giả chính là một động lực quan trọng thúc đẩy sáng tạo. Bảo hộ tốt quyền tác giả là bảo đảm điều kiện cho sáng tạo, bảo đảm cho sự giữ gìn và khai thác tốt nhất sản phẩm sáng tạo tinh thần vì sự phát triển của một quốc gia. Bảo hộ không tốt Quyền tác giả sẽ hạn chế khả năng được tiếp cận, sử dụng công nghệ, các ứng dụng mới của doanh nghiệp, của người dân, đặc biệt là không khuyến khích được các doanh nghiệp, cá nhân trong nước sáng tạo các ứng dụng phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước. Mặt khác, điều này cũng gây khó khăn cho người dân trong việc thụ hưởng các sản phẩm văn hóa tốt đẹp của nước ngoài. Chẳng hạn như tình trạng dân “mê” bóng đá không được xem giải ngoại hạng Anh, hay các nhà xuất bản phải trả phí cao hơn, thậm chí không mua được quyền nhân bản và phổ biến tác phẩm nước ngoài có giá trị như thời gian gần đây.
Trong chương trình đại học, sinh viên ngành Luật chỉ có tối đa 45 tiết học về quyền SHTT, trong đó chỉ có một phần rất nhỏ về Quyền tác giả. Vì vậy, có nhiều luật sư hiểu một cách đầy đủ và thấu đáo về quyền này. Chẳng hạn, một số trường hợp “đòi” bảo hộ Quyền tác giả cho ý tưởng kinh doanh, ý tưởng khởi nghiệp. “Thực tế, ý tưởng kinh doanh chỉ được bảo hộ bằng quyền sở hữu công nghiệp, không được bảo hộ bằng Quyền tác giả. Những trường hợp cáo buộc đạo ý tưởng là vi phạm bản quyền ở Việt Nam là không đúng. Quyền tác giả có ngay khi tác phẩm được hình thành, không cần phải được một cơ quan công quyền nào xem xét và công nhận cả. Vì vậy, việc xin chứng nhận Quyền tác giả ở Cục Tác quyền là không cần thiết…”, ông Nguyễn Vân Nam nói. “Tôi đặc biệt lưu ý về tình trạng “ném đá” vô tội vạ trên mạng xã hội. Vì luật còn nhiều bất cập nên việc lên án một người nào đó “đạo” tác phẩm phải căn cứ vào luật. Trong trường hợp luật chưa thật cụ thể, chính xác để phân định có vi phạm hay không, thì phải sửa đổi luật ngay”.