Triển lãm “Bản sắc qua nghệ thuật thị giác” (The Identities through Visual Arts) được tổ chức tại Trung tâm mỹ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm văn hóa – làng nghề Huế (từ 14-3) là một sự kiện mỹ thuật ở xứ cố đô (*).
Bốn mươi ba tác phẩm tốt nghiệp của học viên Việt Nam và bốn học viên Thái Lan khóa 2, lớp cao học thị giác năm học 2010-2012, được giới thiệu tại triển lãm. Lớp cao học này là của Đại học Mahasarakham (Thái Lan) và trước đó Hội đồng mỹ thuật quốc gia Thái Lan đã tiến hành chấm bài tốt nghiệp cho các học viên ViệtNamtại Huế. Chương trình giảng dạy, giảng viên đều do phía bạn đảm nhiệm, Trường Đại học Nghệ thuật Huế đóng vai trò hỗ trợ địa điểm tuyển sinh, xưởng sáng tác cho các học viên ViệtNamở học kỳ cuối cùng (làm bài tốt nghiệp và viết luận văn).
Qua triển lãm này, có thể thấy những xu hướng mới trong tạo hình, chẳng hạn mọi vật liệu, chất liệu đều có thể làm tác phẩm miễn là nó đáp ứng được ý niệm tạo hình (concept); hay quan niệm mới xem nghệ thuật như là sự tư duy (art as thinking)… tất cả nhằm mở đường cho người sáng tác tìm kiếm ngôn ngữ tạo hình mới lạ.
Với tác phẩm Vết tích ký ức của đời sống nông thôn, Saksit Buakham dùng chất liệu chính là phân trâu – trước đây được nông dân một số vùng Đông Bắc Thái Lan dùng làm vật liệu “xây” nhà – kết hợp tre và các nông cụ, gợi lại ký ức về một nền văn minh nông nghiệp, khi mà các nông cụ gắn bó bao đời với người nông dân và cả thứ phân trâu rồi phải nhường bước cho những công cụ cơ giới, vật liệu xây dựng hiện đại. Về phía tác phẩm của học viên Việt Nam, đáng chú ý có sắp đặt kết hợp ánh sáng Những vết tích của nỗi đau của Nguyễn Thị Thanh Mai. Tác giả dùng nhựa cao su, cà chua sống và chỉ khâu để thể hiện những nỗi đau được người phụ nữ âm thầm che giấu đã thành vết tích. Hay Phan Thanh Quang với cụm tượng Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam ở đó những cánh, nhụy, đài hoa trở thành dáng vẻ của người phụ nữ đẹp mà mong manh, cần được chở che. Hoặc Trần Thanh Sơn với video art Mối quan hệ của cuộc sống đã tạo những khuôn mẫu nhân vật bằng đá và dầu rồi thu hình quá trình tan rã của chúng, sau đó dùng đồ họa để tạo các hiệu ứng phụ họa. Tác phẩm thể hiện một vòng tròn của cuộc sống từ sinh thành đến tử diệt trong mối quan hệ có tính nhân quả giữa tự nhiên và con người. Và như tên gọi, qua các tác phẩm dự triển lãm người xem có thể cảm nhận được bản sắc của dân tộc, mạch ngầm hình thành nên quán tính thị giác nơi người nghệ sĩ.
Điểm đặc biệt là triển lãm còn giới thiệu bảy tác phẩm của các giáo sư – nghệ sĩ thị giác từ các trường đại học mỹ thuật Thái Lan là Silpakorn, Chiangmai và Mahasarakham, cũng là thành viên Hội đồng mỹ thuật quốc gia Thái Lan. Đó cũng là những tên tuổi hàng đầu của mỹ thuật Thái Lan hiện nay, trong số đó có các vị được phong Nghệ sĩ quốc gia – danh hiệu cao quý nhất của Thái Lan. Triển lãm ấm nồng tình thầy trò này còn giúp mối quan hệ giữa các trường đại học mỹ thuật của ViệtNam- Thái Lan ngày càng gần gũi, gắn bó.
(*) Triển lãm được tổ chức tại Trung tâm mỹ thuật Lê Bá Đảng và Trung tâm văn hóa Phương Nam – làng nghề Huế.
- Võ Xuân Huy