Vào đúng thời điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống thì Bộ Công thương cũng nhận được đề xuất tăng giá điện của ngành này. Theo kiến nghị của EVN, từ tháng 12-2014, giá bán điện bình quân dự kiến tăng lên 1.625,19 đồng/kWh, mà nếu được Bộ Công thương đồng ý và Chính phủ chuẩn y, tức giá điện sẽ tăng 9,5% kể từ đầu năm 2015.
Lần tăng giá gần đây nhất của ngành điện là vào tháng 8-2013, tuy vậy trong 16 tháng qua, EVN đã hai lần đề xuất tăng giá điện nhưng không được phê duyệt với giải thích là để bảo đảm cho mục tiêu chống lạm phát. Đến nay, theo quan điểm của ngành điện, mức lạm phát đã xuống thấp thì điện tăng giá cũng không còn ảnh hưởng bao nhiêu tới tình hình chung.
Thế nhưng Bộ Công thương tỏ ra bình thản trước kiến nghị này khi mới đây Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực phối hợp với Tổng cục Năng lượng và EVN nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để xin ý kiến của Thủ tướng.
Như vậy là tất cả phải còn chờ, như Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đinh Quang Tri khẳng định: “Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ không tăng giá điện khi chưa có quyết định của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ”.
Tăng giá vì EVN lỗ
Từ tháng 8-2013 đến nay giá điện không thay đổi do EVN đã hai lần đề nghị tăng giá điện, nhưng chưa được đồng ý, nên giá điện vẫn được giữ nguyên đến nay.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện năm nay chịu rất nhiều tác động của chi phí đầu vào tăng lên như giá than tăng 5%, giá khí, biến động tỷ giá…
Ông Đinh Quang Tri – Phó tổng giám đốc EVN, cho biết giá than và khí tăng khiến EVN tăng chi phí khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng, chưa kể lỗ do cơ cấu phát điện, phải huy động điện giá cao hồi đầu năm cũng mấy nghìn tỉ đồng nữa.
Bên cạnh đó, khoản lỗ những năm trước vẫn bị “treo”, chưa tính vào giá điện cũng vẫn còn khoảng trên 8.000 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính chung các khoản chi phí trên, giá điện lẽ ra đã có thể được điều chỉnh tăng. Ngoài ra, nhu cầu về vốn đầu tư cho các công trình nguồn lưới điện mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Với thực tế đó, EVN sẽ có hai lựa chọn, hoặc đề xuất tăng giá điện, hoặc kiến nghị Chính phủ một số cơ chế trong đó chủ yếu xin hoãn phân bổ khoản lỗ 8.800 tỉ đồng thêm một thời gian.
Cũng liên quan đến việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực giải thích thêm việc xem xét phương án giá điện sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Nếu giá điện do EVN đề nghị tăng từ 7 – 10% so với giá điện hiện hành nằm trong khung giá quy định từ 1.437-1.835 đồng/kWh, sau khi được ý kiến chấp thuận của Bộ Công thương thì EVN sẽ được quyền tăng giá điện.
Nếu phương án giá điện tăng trên 10% hoặc giá điện nằm ngoài khung giá phát bán lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 2013-2015 quy định từ 1.437-1.835 đồng thì EVN phải báo cáo với Liên bộ Tài chính – Công thương trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ý kiến tăng giá điện còn được sự tiếp sức của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) qua khuyến nghị đưa ra với Việt Nam trong Sách Trắng xuất bản năm 2014: “Giá điện cần tăng cao hơn nữa” bởi giá điện rẻ cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực phát điện do các nhà đầu tư vẫn ngần ngại vì giá mua quá thấp. Như vậy, giá điện đã có những cơ sở trên để có cớ tăng.
Tăng giá là chưa hợp lý
Theo Bộ Công thương, chủ trương chung là phải cân đối cả yếu tố chi phí đầu vào – tức không để cho EVN quá lỗ, dẫn đến khó khăn, mặt khác tiến dần tới cơ chế thị trường và vẫn cần điều tiết của Nhà nước.
Thời gian qua, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, các nhà máy thủy điện đầy đủ nước nên ngành điện đã huy động nguồn phát thủy điện để giảm phát điện bằng dầu DO, FO giá cao, góp phần ổn định giá điện.
Việc không tăng giá điện trong hơn năm qua đã đóng góp quan trọng cho việc ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho đời sống người có thu nhập thấp.
Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11-2014 của EVN cho thấy giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn tập đoàn đạt 101.519 tỉ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt 94.407 tỉ đồng, đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2013.
Hồi tháng 6-2014, Báo cáo Giám sát tóm tắt năm 2013 của ngành điện cho thấy EVN lãi vượt kế hoạch được giao, nhờ đưa vào vận hành thủy điện Sơn La và tác động từ việc điều chỉnh giá điện, trong khi tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định.
Năm 2013, EVN đã nộp thuế 25% và dành 50% để đầu tư phát triển, 25% còn lại được trích quỹ phúc lợi khen thưởng.
Chia sẻ với báo chí, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng lý do tăng giá bán điện của EVN nêu ra đến nay chưa thỏa đáng. Việc điều chỉnh giá bán điện phải dựa trên đánh giá chi phí đầu vào của từng quý. Hiện nguyên liệu đầu vào của ngành điện chủ yếu từ ba nguồn chính là thủy điện, dầu khí và than. Thời gian qua nguồn nước thủy điện đã thuận lợi trở lại, dầu khí đã giảm mạnh, chỉ có nguyên liệu than bán cho các nhà máy nhiệt điện thì tăng một ít. Rõ ràng các yếu tố đầu vào cho ngành điện không thay đổi nhiều thậm chí có giảm mà EVN đề xuất tăng giá là bất hợp lý.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết từ cuối năm 2013, EVN đã đề xuất tăng giá điện với mức 14% trong năm 2014. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu lạm phát Chính phủ chưa đồng ý. Nay lạm phát thấp, EVN thấy đây là cơ hội để tính đến chuyện tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mức tăng 9,5% là quá cao, không phù hợp với thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế này, trước đó doanh nghiệp nêu lý do tăng giá bán bởi các khoản lỗ từ việc mua khí, than giá cao cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng nay hầu hết chi phí đầu vào đều đã giảm EVN cũng nên tính toán, xem xét lại mức lỗ đã nêu trước đó. Mức tăng 9,5% sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành thép, xi măng gặp nhiều khó khăn vì đội giá thành sản phẩm, trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, giá điện tăng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Tốt nhất EVN cần tăng theo lộ trình mỗi lần điều chỉnh ở mức 3 – 4% là hợp lý.
Chính người đứng đầu Bộ Công thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã từng nói rằng, giá điện chịu rất nhiều tác động của chi phí đầu vào như giá than, giá khí, biến động tỷ giá… Thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào của điện không có biến động, cụ thể giá than không tăng, giá xăng dầu thậm chí còn giảm 30%, thủy điện dồi dào.
Bên cạnh đó, nếu tăng giá điện có mục đích để thu hút FDI thì cần phải xem xét lại bởi giá mua điện và giá bán điện khác nhau. Hiện EVN mua giá điện thấp nên nhà đầu tư xã hội hóa toàn bị lỗ, nhưng bán cho người tiêu dùng lại cao. Đây lại là vấn đề không minh bạch, không hài hòa lợi ích.
Dù tăng hay không tăng giá điện thì EVN với tư cách nhà phân phối độc quyền cũng phải hoàn thành kế hoạch cung ứng điện cho nền kinh tế và đặc biệt là nếu tăng giá điện cần phải quan tâm đến đời sống của người nghèo và người dân các vùng sâu vùng xa.
Theo kế hoạch dự kiến phát triển kinh tế – xã hội năm 2015, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP là 6 – 6,2%, nhu cầu điện năm 2015 sẽ tăng khoảng 10%, nhu cầu điện thương phẩm tương ứng là 139,1 tỉ kWh, tăng 10% so với ước thực hiện năm 2014.
Sản xuất và mua điện năm 2015 khoảng 154,2 tỉ kWh, trong đó điện sản xuất của EVN là 68,1 tỉ kWh.
Với tổng công suất nguồn điện đến hết năm 2014 là 31.240MW, một số nhà máy điện hoàn thành năm 2015 (tổng công suất 4.670MW), nâng tổng công suất lên 35.910MW đi vào sản xuất, lượng điện sản xuất trong nước (điện sản xuất và mua nội địa của EVN) có thể đạt trên 170 tỉ kWh, đáp ứng nhu cầu điện của năm 2015.
Theo đánh giá, nếu các dự án nguồn điện thực hiện đúng tiến độ và các biện pháp tiết kiệm điện có hiệu quả thì có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năm 2015.
Theo kế hoạch, năm 2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện giảm tổn thất điện năng cả nước xuống 8,0%, tiết kiệm tương đương 1,5% điện thương phẩm trong nước.
Hoàng Hải (DNSGCT)