Trên báo chí có những bài viết lên án xã hội “chỉ trọng người già xem thường người trẻ”, trong khi ở xã hội thì đang nhức nhối vì nạn người trẻ bạc đãi người già. Và thực tế thì hầu hết người già trong xã hội quanh ta ai ai cũng đang “làm ôsin cho con cháu” cả. Việt Nam đã mấy ai tuổi già rảnh rang vô lo hoặc con cháu thành đạt nuôi dưỡng cho sung sướng? Mấy ai chỉ thanh nhàn đi du lịch hưởng thụ?
Người già bây giờ cũng tự lực lo dành tiền trang trải lúc đau ốm, người có điều kiện và biết lo thì tự trang trải du lịch. Họ cực chẳng đã mới phải nhờ vả.
Nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều, không rõ hẳn chuyện này hay chuyện kia. Một xã hội đang phân hóa đến nỗi nói cách gì cũng… đúng, vì chuyện gì cũng có trong xã hội để đem ra làm dẫn chứng. Con giỏi thành công phụng dưỡng cha mẹ? Con bạc đãi đuổi cổ cha mẹ ra đường, kiện tụng đâm chém vì đất đai? Tất cả đều có hết.
- Xem thêm: Có người trẻ thích… về hưu sớm
Văn học ngôn tình của Trung Quốc (chẳng có thì giờ đọc nhiều, xem họ dạy người ta yêu đương có gì hay ho tử tế?), giải trí văn hóa các cuộc thi liên miên lẫn lộn hết cả tên gọi, nói rằng nhiều cơ hội cho tuổi trẻ vào đời.
Nhưng mà nói thật, nhà ai có đứa con vừa nứt mắt ra đã giải nọ giải kia, nhiều người thèm khát nhưng khối người “lạy trời cho đó không phải con mình”. Lao theo những thứ viển vông vừa tốn kém vừa chui đầu vào một mớ phức tạp đủ đường.
Người thì lấy gương cháu Nam mới tí tuổi đầu đã dịch sách thành công ở tận nước Mỹ để lo rèn con mình thành thần đồng. Người thì nói nhìn cháu Nam thán phục và trân trọng quá, nhưng cũng… sợ quá. Trẻ con mà nói như ông cụ triết gia, chẳng có tuổi thơ, không còn là đứa trẻ…
Văn của giới trẻ (thật ra đã ai có tên tuổi gì ghê gớm đâu) mà họ viết Phây (Facebook) nhiều, tự tin cá tính, tự do bày tỏ bức xúc của tuổi trẻ. Tốt thôi, nhờ đó mà xã hội có thêm cách nhìn mới mẻ, bỏ bớt hủ lậu, thông cảm và hiểu biết, nâng đỡ những khát khao và gian khó của người trẻ vào đời.
Cãi nhau rằng ngày xưa các cụ tốt nghiệp đại học được phân công công tác, nay thì thạc sĩ còn thất nghiệp. Lại cãi nhau rằng xưa cha mẹ nhịn đói cuốc bộ, nay con cái máy móc trang bị đầy người, ăn sung mặc sướng, cha mẹ dành tài sản cho nhà cho xe… Cãi như thế thì cãi cả đời cũng không ra.
Mỗi thời đại đều có hay dở riêng, đừng so sánh. Ngày xưa bố mẹ bằng tuổi con đi chăn trâu, nay con chân dài như cái sào vẫn phải mẹ cha chở đi học, có đứa ngồi sau xe to đùng che cả mẹ, chân dài chạm đất.
Đi học thì chê trường kém thầy dở giảng buồn ngủ chỉ muốn trốn học. Các môn học thì toàn lý thuyết, bạn bè thì đố kỵ. Lo bài tập thi cử luận án thuyết trình, lo méo mặt tìm chỗ thực tập, làm thêm, lo giá điện nước tăng, nhà trọ lên giá. Có ở không đâu mà học.
- Xem thêm: Tuổi trẻ trả giá
Người trẻ thấy tuổi xuân của mình toàn khổ là khổ, trách móc xã hội đã phá cả tuổi trẻ. Họ có thể quan sát ngay những người thân nhất trong gia đình mình, sẽ thấy chưa ai sung sướng cả. Ai cũng đang phải nỗ lực hết mình và chịu đựng đủ thứ trong cuộc sống.
Và như thế thì chẳng nên trách móc kết tội ai già hay trẻ. Mỗi người đều phải nỗ lực hết mình để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.
Còn nói “chính trị” thì đã có câu rồi “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta…”.