Văn hóa có ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần phải thường xuyên đánh giá và làm mạnh môi trường văn hóa của mình để biến công sở thành những nơi làm việc lý tưởng và mang bản sắc riêng mà nhân viên khó có thể tìm thấy ở những nơi khác.
Có thể xem Jim Hart, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của SennDelaney (tổ chức tư vấn đầu tiên trên thế giới về chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp, được thành lập năm 1978, với sứ mệnh giúp các tổ chức trên thế giới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và hướng đến hiệu quả công việc), là một bậc thầy về văn hóa doanh nghiệp. Với hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực này, Jim Hart đưa ra những lời khuyên dưới đây giúp các doanh nghiệp rà soát lại môi trường văn hóa và thực hiện một số thay đổi nếu cần thiết.
Trước hết, doanh nghiệp cần phải biết liệu mình đang có một môi trường văn hóa mạnh hay không. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có thể cảm nhận được mình đang có một môi trường văn hóa mạnh nhưng lại không xác định được nó bao gồm những yếu tố gì.
Theo Hart, yếu tố thứ nhất là tất cả các thành viên của tổ chức phải có cảm nhận rõ ràng về mục đích tồn tại của mình. Thứ hai, tổ chức ấy phải khuyến khích tinh thần phát triển và học hỏi từ những vị trí cao nhất trở xuống. Với tinh thần này, nhân viên sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thử thách để đạt được các kết quả và luôn tự đặt ra các câu hỏi để hoàn thiện công việc. Yếu tố thứ ba là tinh thần lạc quan.
Vấn đề tiếp theo là xác định khi nào doanh nghiệp cần phải có những thay đổi trong văn hóa tổ chức? Hart cho rằng, doanh nghiệp không nên đặt ra tham vọng làm một cuộc “cách mạng” để chuyển đổi văn hóa “180 độ”, vì điều đó sẽ khó khả thi.
Dấu hiệu để doanh nghiệp có những điều chỉnh về văn hóa là khi mọi thành viên trong tổ chức vẫn đang cố gắng làm việc tích cực và chăm chỉ hơn nhưng kết quả thì lại càng ngày càng tệ đi. Đó là khi cảm giác ì ạch, mất năng lượng và hứng thú trong công việc luôn đè nặng các thành viên.
Theo Hart, thay đổi văn hóa phải bắt đầu từ tổng giám đốc và các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Cho dù doanh nghiệp tự mình tiến hành các thay đổi hay nhờ đến các tổ chức tư vấn bên ngoài để thực hiện quá trình này thì cũng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây.
Có mục đích rõ ràng
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định rõ việc định hình lại văn hóa cho doanh nghiệp là nhằm đạt được những kết quả tốt đẹp hơn.
Can đảm thay đổi bản thân
Theo Hart, đây chính là một nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo thường xuyên quên. Họ quên rằng vì tình hình hiện nay đã thay đổi nên những gì đã từng góp phần làm nên thành công cho họ cách đây 10-20 năm nay sẽ không còn áp dụng được nữa. Các nhà lãnh đạo phải là những người đi tiên phong trong quá trình thay đổi văn hóa doanh nghiệp, làm gương cho các nhân viên khác. Khi ấy, việc thay đổi mới có khả năng nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các thành viên trong tổ chức.
Tập trung
Chấp nhận thay đổi cũng đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong thời gian đầu. Nhưng mọi việc sẽ trở nên suôn sẻ và thuận lợi hơn khi các thành viên đã bắt nhịp sự thay đổi. Hart khuyên các nhà lãnh đạo cần tập trung và dành nhiều nỗ lực, công sức trong giai đoạn đầu của quá trình thay đổi văn hóa để quá trình này có thể diễn ra thành công.
Đảm bảo sức bền
Cần phải có các quy trình, hệ thống rõ ràng để đảm bảo quá trình thay đổi văn hóa được diễn ra chắc chắn. Hart khuyên doanh nghiệp nên thành lập những đội dự án và chỉ định các nhà quản lý chủ chốt phụ trách các dự án này.
Với những doanh nghiệp mới thành lập thì cần phải làm gì để xây dựng được một môi trường văn hóa mạnh ngay từ đầu?
Theo Hart, nguyên tắc đầu tiên vẫn là phải có một mục đích có ý nghĩa thực sự ngoài việc kiếm tiền. Hart dẫn chứng trường hợp thành công của Apple với mục đích hay sứ mệnh là “cam kết đem đến những trải nghiệm tốt nhất về máy tính cá nhân cho sinh viên, các nhà giáo dục, các chuyên gia sáng tạo và người tiêu dùng trên toàn thế giới với những sản phẩm phần cứng, phầm mềm và internet tiên tiến”.
- Xem thêm: Xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp
Hart cho rằng, điểm yếu của các doanh nghiệp trẻ hiện nay là đa số không có một mục đích lớn mà chỉ nhìn thấy một cơ hội hay phân khúc thị trường nhỏ. Điều ấy cũng không phải là sai nhưng theo Hart, sẽ khó có thể giúp doanh nghiệp xây dựng được một nền văn hóa cũng như một nhãn hiệu mạnh và tiến xa hơn sau này.
Bên cạnh đó, để có một nền văn hóa mạnh, doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc mời những khách hàng có tâm huyết với những gì doanh nghiệp đang làm và có niềm tin ở doanh nghiệp về cộng tác với mình.
Cuối cùng, Hart nhắc lại rằng một nền văn hóa mạnh phải gắn liền với một môi trường giao tiếp mở mà ở đó mọi thành viên luôn tự đặt ra câu hỏi để cải thiện công việc chứ không phải thụ động ngồi chờ câu trả lời từ người khác.