Năm 2014 này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu, trong đó nhiều ngân hàng được chỉ đích danh sẽ phải sáp nhập vào ngân hàng khác. Đây đều là những ngân hàng có quy mô nhỏ, đang gặp khó khăn trong hoạt động và chủ yếu ở nhóm ngân hàng thương mại nông thôn chuyển đổi lên ngân hàng đô thị gần mười năm trước. Chúng có thể thuộc diện ngân hàng yếu kém do Ngân hàng Nhà nước xác định, cũng có thể không yếu nhưng do yêu cầu phát triển nên cần sáp nhập hoặc hợp nhất với nhau.
Thực ra, càng có nhiều ngân hàng sáp nhập thì các mối quan hệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng sẽ giảm bớt, khiến cho việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước càng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, sáp nhập có đúng là “liều thuốc” giải quyết vấn đề tái cơ cấu của ngành ngân hàng? Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, sáp nhập chỉ là một trong những giải pháp giúp cải cách hệ thống ngân hàng theo hướng hoàn thiện hơn, chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Khi vài ba ngân hàng yếu kém sáp nhập với nhau để trở thành ngân hàng lớn hơn, những yếu kém của mỗi ngân hàng thành viên vẫn còn đó và ngân hàng mới khó thể giải quyết “hậu sự” nếu không có một sự thay đổi mang tính đột phá. Chỉ khi một ngân hàng lớn, có nguồn lực tài chính hùng mạnh ra tay cưu mang vài ngân hàng yếu kém, thì những tồn tại của ngân hàng yếu mới có thể được giải quyết tận gốc, nhưng sau đó lại nảy sinh những vấn đề khác. Hiện nay, những ngân hàng lớn như vậy không nhiều, chủ yếu là những ngân hàng thương mại nhà nước. Việc các ngân hàng thương mại nhà nước nhận sáp nhập một số ngân hàng nhỏ sẽ không làm sức khỏe của những ngân hàng lớn yếu đi, vì họ có tiềm lực tài chính khá hùng mạnh. Tuy nhiên, việc sáp nhập ấy không những không giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh của hệ thống mà còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển ổn định của các ngân hàng. Nền kinh tế cần những định chế tài chính lớn, nhưng khi chúng có mối liên hệ chặt chẽ với khu vực quốc doanh thì chắc chắn sẽ nảy sinh những vấn đề trong mối quan hệ giữa hai khu vực công – tư. Đó là chưa kể, khi quy mô càng lớn thì các định chế này càng khó kiểm soát, vì chúng “quá lớn để có thể đổ vỡ” nên sẽ khó cho các nhà điều hành khi xử lý trong trường hợp chúng có sai phạm. Ngoài ra, như chúng ta đều biết, dù đã cổ phần hóa nhưng các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là những doanh nghiệp quốc doanh, khả năng cạnh tranh và độ phản ứng nhanh nhạy để phù hợp với sự thay đổi của thị trường không được đánh giá cao. Trong hệ thống ngân hàng mà khối các ngân hàng thương mại nhà nước quá mạnh so với khối các ngân hàng thương mại cổ phần thì khó thể có một sự cạnh tranh lành mạnh.
Các nhà điều hành hẳn cũng đã tính đến những điều này và có lẽ sẽ có những bước đi để xử lý những vấn đề nảy sinh sau quá trình sáp nhập. Trước mắt, quá trình này sẽ khiến số lượng các ngân hàng thương mại giảm bớt, hệ thống được tinh gọn hơn. Còn về lâu dài, điều này có giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và lành mạnh hơn hay không thì phải còn chờ.
Minh Hằng