Nằm trong dự án hỗ trợ phát triển du lịch Côn Đảo với tên gọi “Côn Đảo – huyền thoại và tương lai”, ngày 28-12-2013, tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Võ Thị Sáu đã diễn ra lễ khởi công tôn tạo di tích này do Công ty cổ phần Smartcomm kết hợp với UBND huyện Côn Đảo làm chủ đầu tư. Ngoài công trình trên sẽ hoàn thành vào dịp 27-7-2014, dự án còn triển khai chương trình “Bốn lợi ích cho Côn Đảo” bao gồm Quỹ phát triển tài năng Côn Đảo, Phát triển và nâng cấp Thư viện Tổng hợp Côn Đảo, Chương trình Đại sứ du lịch Côn Đảo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trong cộng đồng để mỗi người dân đều có thể trở thành đại sứ du lịch và chương trình phúc lợi xã hội cho trẻ em và người cao tuổi. Côn Đảo huyền thoại gắn với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng, lại còn có nhiều bãi biển đẹp, nước biển trong xanh và bờ cát dài, vườn Quốc gia Côn Đảo với rừng nguyên sinh và thảm động thực vật phong phú, đa dạng… Với những tiềm năng du lịch được đánh thức, trong tương lai, Côn Đảo ngày càng gần hơn với đất liền và sẽ hóa thân thành vùng đất hứa. Những hoạt động trên nhằm tôn tạo và khai thác hiệu quả các di tích gắn liền với việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương từ cơ bản đến nâng cao. Tuy nhiên, điều nhiều người quan tâm là việc phát triển viên ngọc xanh Côn Đảo cần phải gắn với bảo vệ môi trường theo hướng bền vững để tránh việc môi trường bị xâm hại như bài học từ những địa phương khác đã phải gánh chịu.
Tiềm năng phát triển du lịch
Trước năm 2010, khách du lịch đến Côn Đảo chỉ dao động trong khoảng 20.000 lượt người mỗi năm, từ đó đến nay, con số này đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Ban quản lý các khu du lịch huyện Côn Đảo, năm 2013 Côn Đảo đón gần 90.000 lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng (tăng 9% so với năm 2012), trong đó có hơn 19.000 lượt khách quốc tế (tăng 49% so với cùng kỳ năm 2012) chiếm hơn 20% tổng số lượt khách. Hệ thống cơ sở lưu trú đạt chuẩn cũng đang được đầu tư để đáp ứng mục tiêu tiếp nhận từ 3.000-3.500 lượt khách mỗi ngày. Hiện nay có khu nghỉ dưỡng Việt Nga (150 phòng) và Cam Ly (60 phòng) đang xây dựng, sẽ đi vào hoạt động trong năm tới. Có thể nói chính vẻ đẹp thiên nhiên và hệ thống di tích, lịch sử trên địa bàn huyện Côn Đảo đã phát huy giá trị trong việc thu hút dòng đầu tư vào lĩnh vực du lịch, làm thay đổi diện mạo, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân.
Cảnh quan, đường phố Côn Đảo sạch đẹp, nhiều cây xanh, mang đến cho du khách cảm giác thoải mái
Tuy nhiên, lượng khách du lịch gia tăng trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đồng bộ dẫn đến những thách thức trong việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường cho Côn Đảo. Dù thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng ý thức chung tay bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên bằng hình thức lồng ghép qua các đề án bảo vệ môi trường như “Nói không với túi nylon”, “Nhân dân Côn Đảo tham gia phát triển du lịch”… nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của người dân do ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của du khách và cư dân chưa cao. Trong khi đó, lượng rác thải và nước thải sinh hoạt ngày càng nhiều nhưng hệ thống xử lý nước thải và chất thải có công suất thấp, công nghệ lạc hậu là những nguy cơ đe dọa môi trường Côn Đảo. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải đã quy hoạch và giao cho Sở Xây dựng thực hiện nhưng tiến độ chậm do thiếu vốn.
Côn Đảo đã được Nhà nước công nhận là một trong 13 khu di tích quốc gia cấp đặc biệt trên cả nước. Chính vì vậy, trong đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phê duyệt, việc bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài trên nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái và coi trọng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường. Đặc biệt Côn Đảo có cả hệ sinh thái rừng và biển đa dạng. Rừng nguyên sinh được Chính phủ ra quyết định thành lập Vườn quốc gia Côn Đảo có diện tích 5.952ha, trước nay chỉ bảo tồn rừng nhưng kế hoạch sắp tới sẽ tiến hành khai thác phục vụ du lịch để tái đầu tư bảo vệ rừng. Theo đó, huyện đã đầu tư 30 tỉ đồng để làm những con đường nội bộ cho du khách đi tham quan, ngoạn cảnh, nghiên cứu về rừng. Nơi đây còn có khoảng 800 loài dược liệu quý, nên sẽ được quy hoạch thành vùng nguyên liệu 50ha tại Dốc 48.
Côn Đảo quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, vận động người dân cùng hưởng ứng
Đầu tư đồng bộ cả con người và công nghệ
Ông Lê Xá, Chủ tịch huyện Côn Đảo cho biết, để Côn Đảo trở thành một địa điểm thu hút du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Côn Đảo đang có nhiều kế hoạch, từ nhân sự “mỗi người dân Côn Đảo là một đại sứ du lịch” cho đến việc triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng như nâng cấp đường và hệ thống thoát nước nội thị; xây dựng chợ Côn Đảo… Trong đó, việc đóng mới tàu cao tốc có 250 chỗ ngồi tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo (tốc độ 27 hải lý/giờ) là một giải pháp rút ngắn thời gian ra Côn Đảo còn 6 giờ. Điều ông chủ tịch huyện băn khoăn là đường bay Côn Đảo có giá vé cao, dù đường bay từ TP.HCM đi Côn Đảo ngắn hơn đi Phú Quốc nhưng giá vé luôn đắt hơn. Trong khi đó, Côn Đảo là tuyến bay vàng trong 38 tuyến bay của Vasco khai thác. “Hướng về Côn Đảo, xin hãy chia sẻ bằng những việc làm thiết thực” – ông Lê Xá nói.
Việc nghiên cứu lập quy hoạch phân khu trung tâm Côn Sơn, quy hoạch phân khu Bến Đầm, quy hoạch phân khu CỏỐng – Đầm Tre cũng đang được tiến hành gấp rút. Đối với các dự án đầu tư du lịch đã thỏa thuận địa điểm, Côn Đảo đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai trương đón khách du lịch. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ưu tiên trồng hoa, cây cảnh và các loại rau sạch. Tập trung các cơ sở sản xuất nước đá, chế biến hải sản và các cơ sở công nghiệp khác vào cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp Bến Đầm. Trạm phát điện diezel tại chợ Côn Đảo sẽ di chuyển ra khỏi khu dân cư và tập trung kêu gọi đầu tư vào ngành điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường khác.
Lễ khởi công tôn tạo Khu tưởng niệm Liệt sô Võ Thị Sáu – một trong những địa điểm tham quan của du khách khi đến Côn Đảo
Để bảo đảm nguồn nước ngọt cho Côn Đảo, phương án mở rộng dung tích các hồ chứa nước ngọt hiện có, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất nhằm tăng diện tích xây thêm các hồ, ao chứa nước mới, tận dụng các phương tiện chứa nước mưa, phân tán với quy mô khác nhau như bể chứa nổi, bể chứa ngầm, tái sử dụng nước thải để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, trong quy hoạch xây dựng đô thị du lịch Côn Đảo cũng tính đến việc thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời xúc tiến nghiên cứu dự báo các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học, tổ chức tốt các hoạt động phòng chống bão, cứu hộ, xây dựng các khu vực tránh bão an toàn cho các tàu, thuyền đánh bắt hải sản, du lịch, giao thông vận tải và dịch vụ.
Việc lồng ghép nhiệm vụ phát triển Côn Đảo trở thành đô thị du lịch, dịch vụ biển có chất lượng cao, có kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với các yêu cầu về bảo vệ và phát huy giá trị thiên nhiên, các di tích lịch sử là phù hợp với xu thế phát triển du lịch xanh – sạch – thân thiện với môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới. Theo chỉ đạo của Thủ thướng Chính phủ, chậm nhất đến năm 2015 phải đưa Côn Đảo đạt chuẩn thành phố loại ba, hướng đến đặc khu kinh tế trực thuộc trung ương. Năm 2014, Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến tổ chức “Ngày Côn Đảo” và sẽ duy trì thành hoạt động thường niên để quảng bá cho Côn Đảo, đồng thời qua đó huy động mọi nguồn lực từ khắp nơi đóng góp xây dựng Côn Đảo.
Ngân An
Ảnh Anh Phương