Ngày 12-11-2013 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản số 8421/NHNN-TTGSNH về việc triển khai thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và triển khai Kế hoạch xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng giai đoạn 2013-2015. Động thái này của NHNN nhằm chuẩn bị cho điều gì?
Nỗ lực đánh giá lại nợ xấu
Công văn của NHNN đưa ra bốn vấn đề chính, đó là: (i) mục tiêu của việc xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng; (ii) đánh giá thực trạng nợ xấu, chất lượng tín dụng của TCTD trong hai năm 2011, 2012 và sáu tháng đầu năm 2013; (iii) đề xuất các giải pháp để xử lý nợ xấu dự tính theo quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thông tư 02) và (iv) giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng.
NHNN yêu cầu các TCTD đánh giá lại nợ xấu của tổ chức mình dựa trên khá nhiều tiêu chí như tài sản bảo đảm, đối tượng khách hàng, ngành nghề; từng chi nhánh, sở giao dịch… là yêu cầu khá mới so với trước đây. Điều này có thể giúp các TCTD và cơ quan quản lý có cái nhìn đầy đủ về thực trạng nợ xấu của từng đơn vị và toàn hệ thống theo các tiêu chí cụ thể, giúp xây dựng định hướng phát triển tín dụng trong thời gian tới.
Những khoản vay để trả lãi cũng được NHNN yêu cầu đánh giá lại, điều chưa bao giờ đặt ra trước đây, trong đó bao gồm cả những khoản vay có lãi đến hạn không thể thanh toán và được gộp vào nợ gốc. Về bản chất, đây là những khoản cho vay đảo nợ và sẽ được phân loại vào nợ xấu (Nhóm 3) theo quy định tại Thông tư 02. NHNN chú ý đến những khoản vay này, chứng tỏ NHNN đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những nhóm lợi ích.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD đánh giá số liệu nợ xấu, cơ cấu nợ xấu vào thời điểm 30-6-2013 trong các trường hợp: (i) theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN (sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 18) nhưng không áp dụng Quyết định số 780 và (ii) theo Thông tư 02. Điều đó đồng nghĩa với việc số liệu nợ xấu hiện nay sẽ tăng lên rất cao. Theo thông tin từ Thống đốc trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, có khoảng 300.000 tỉ đồng đã được cơ cấu lại, trong đó khoảng 60% sẽ được cộng thêm vào nợ xấu trong trường hợp không áp dụng Quyết định 780.
Liệu có những thay đổi?
Theo kế hoạch, Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản Có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực từ 1-6-2014 sau khi đã lùi một năm, kể từ ngày 1-6-2013. Đây được xem là liều thuốc mạnh, một mặt quy định về phân loại nợ chặt chẽ hơn, mặt khác sẽ hủy bỏ Quyết định 780 về việc cho phép cơ cấu nợ mà không chuyển nhóm, làm bộc phát những khoản nợ xấu vẫn đang âm ỉ hiện nay.
Có thể xem Công văn số 8421/NHNN-TTGSNH lần này như là một bài tập dành cho các TCTD trước khi bước vào kỳ kiểm tra chính thức. Nếu các TCTD thực sự muốn biết “năng lực” của bản thân thì đây là cơ hội để có thể đánh giá một cách chính xác chất lượng tín dụng của đơn vị mình. Nhìn thẳng, nhìn rõ vào thực trạng để có thể xây dựng những giải pháp xử lý cũng như nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian tới. Tuy nhiên, chắc chắn đó không phải là điều mà mọi TCTD đều muốn làm và/hoặc có thể làm được.
Nếu bài tập này đưa ra con số kết quả cuối cùng là nợ xấu quá cao, liệu NHNN sẽ có những điều chỉnh trong quy định về phân loại nợ của mình? Có thể lùi thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm một thời gian nữa, hay vẫn áp dụng Thông tư 02 nhưng cho phép duy trì hiệu lực của Quyết định 780 hay thậm chí là một giải pháp khác? NHNN có tính đến mục đích này khi ban hành Công văn 8421/NHNN-TTGSNH?
Nếu NHNN đang tính đến các giải pháp trên thì có thể nói chính sách đang nằm trong tay các TCTD, khi đó việc che giấu nợ xấu của các TCTD chưa hẳn đã tốt hơn việc “khai báo” sự thật. Tuy vậy, đó cũng chỉ là các giả thuyết, nếu các TCTD và NHNN coi trọng sự minh bạch, hệ thống các TCTD đã rơi vào “thảm cảnh” như ngày hôm nay.
Bài tập mà kết quả không phụ thuộc vào dữ liệu, chỉ phụ thuộc vào người tính.
Lê Duy Khánh