Một phần thú vị của văn hóa Việt Nam là khả năng tạo ra những đồ vật cần thiết từ những vật liệu bình thường và làm cho nó trở thành những sản phẩm duyên dáng. Nhiều người Việt Nam dù không phải nghệ sĩ nhưng họ đã để lại dấu ấn sáng tạo của mình ở những đồ vật quen thuộc xung quanh. Một khung cửa sổ sinh động, một chiếc áo độc đáo hoặc một bữa ăn tuyệt vời được tạo ra với những chất liệu rất bình dị.
Ở Việt Nam hầu như căn nhà nào cũng có các khung cửa sổ. Mỗi một khung cửa tôi thấy đều có những chấn song, nhưng điều độc đáo là các chấn song này đều có những thiết kế riêng tạo thành những hình thù thú vị. Đây quả là cách thông minh và hiệu quả để xử lý khoảng trống của khung cửa. Dưới bàn tay khéo léo của người thợ, các thanh chắn được uốn thành hình tròn, hình vuông, hình lồng đèn, hình bông hoa,… Khoảng cách giữa các thanh chắn nhỏ để không ai chui qua được nhưng vẫn đủ thoáng để ánh sáng rọi vào. Mỗi người thợ hàn cửa đều có thể để cho trí tưởng tượng của mình bay cao, miễn là cửa sổ vẫn đảm bảo đúng chức năng của mình.
Khung cửa sổ nhà tôi theo kiểu Pháp, tức là cao lên tận trần nhà. Một trong số các công nhân đã thêm vào những thanh chắn được uốn thành hình vòng tròn, hình vuông, hoặc các đường lượn sóng. Các họa tiết khá vui mắt này đã khiến cho một vật dụng thông thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi một cá nhân đều có thể tạo ra vẻ đẹp cho đồ vật xung quanh mình. Sự sáng tạo này khiến cho cuộc sống thú vị hơn rất nhiều.
Trang phục cũng là một lĩnh vực mà ở đó tôi thấy được sự sáng tạo của người Việt Nam, dù chất liệu họ sử dụng có khi chỉ là miếng vải thừa từ một thiết kế khác. Bằng việc kết hợp các chất liệu sẵn có, những người thợ may tạo ra những bộ trang phục với giá cả phải chăng mà trông vẫn rất độc đáo. Tôi từng thấy những bộ cánh với các túi, đường viền, đường nhấn làm từ những vật liệu khác chất và màu so với bộ chính. Bằng cách này, người thợ may trở thành một nhà tạo mẫu, dù họ chỉ giới hạn sáng tạo của mình trong những miếng vải thừa. Điều đấy tạo ra dấu ấn riêng của họ qua những bộ trang phục.
Người Việt Nam cũng để lại dấu ấn sáng tạo trong ẩm thực. Tôi đã được thưởng thức rất nhiều món tạo ra từ chỉ một vài nguyên liệu. Gạo là ví dụ dễ thấy nhất. Từ gạo người ta tạo ra các món ăn như cơm, cháo, bánh ướt, bột chiên, bánh tráng, và vô số thứ khác. Cá cũng là một ví dụ thú vị. Nào là cá khô, bột cá, cá tươi, nước mắm, canh cá,… Người Việt Nam không cần dùng đến các thực phẩm nhập để tạo ra món ăn ngon cho mình. Chỉ dựa trên những nguyên liệu đã có sẵn từ hàng ngàn năm nay, sự sáng tạo của họ trong lĩnh vực ẩm thực vẫn dường như không có giới hạn.
Dù chỉ ở trong một khuôn khổ hay với những chất liệu nhất định, người Việt vẫn có thể sáng tạo ra vô số thứ tuyệt vời. Điều này khiến việc quan sát cuộc sống nơi đây trở nên rất thú vị. Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên với khả năng sáng tạo dồi dào từ những người quanh mình. Những vật dùng hằng ngày, các món ăn, trang phục, kiến trúc đều mang dấu ấn cá nhân và trở thành những tác phẩm nghệ thuật.
Lê Tâm dịch