Người phục chế bức tranh ngày ấy hẳn muốn cô bán hàng trông đon đả cả với người xem. Với nụ cười được cất đi rồi, vẻ mặt cô bí ẩn, câm nín, có phần bướng bỉnh hơn, mang dáng vẻ của một phụ nữ mạnh mẽ hơn, bớt thụ động hơn so với bản chưa được phục chế.
Audley End là một di tích và điểm dừng chân nổi tiếng ở đông nam nước Anh, vốn xưa kia là tu viện Walden của các linh mục dòng Benedict. 500 năm trước, sau khi giải thể, vua Henry VIII đã ban cho lãnh chúa – Sir Thomas Audley – làm nhà ở, và từ đó cơ sở này mang cái tên mới: Audley Inn.
Như chủ nhân mọi dinh thự lớn, các chủ nhân nhiều đời của Audley End thích trang điểm các bức tường bằng tranh. Vào thế kỷ 18, người ta mua về treo ở đây một bức có tên “Người bán rau” vẽ một nữ tiểu thương ngồi bên sạp đầy rau củ quả, với những giỏ, những mẹt đựng cà chua, bắp cải, cà rốt, súp lơ, dưa chuột… Cô mặc áo trắng tay xắn cao, váy đỏ, miệng mỉm cười nhìn người xem tranh.
Trải qua 500 năm “lên công xuống ngỗng”, dinh thự này được đập đi xây lại, mở rộng rồi thu hẹp, đã có lúc được đón vua và hoàng hậu về nghỉ hè, lại có khi xuống thân phận làm trại lính trong thời chiến, diện tích hiện tại còn chừng một phần ba, tranh pháo tuy nhiều nhưng dày bụi…
Năm 2019, một đội bảo tồn của tổ chức Di sản Anh nghe báo bức tranh “Người bán rau” cần sửa. Vì một lý do bí ẩn, nó đã nằm trong kho hơn 60 năm. Việc đầu tiên của các nhà bảo tồn là vệ sinh tranh. Vì không có chữ ký và tình trạng tranh cũng tệ, họ khó mà định được ngày tháng chính xác. Họ đồ rằng nó được vẽ vào thế kỷ 18 (thời điểm lâu đài mua nó về) hoặc là một bản tranh chép của một tác phẩm nào trước đó.
Cả bức tranh phủ một lớp vécni vàng, bám bụi bẩn. Lại có nhiều chi tiết vẽ đè lên tranh nên dĩ nhiên thoạt trông không hề đẹp. “Người ta đã vẽ đè lên mặt cô bán hàng, lên chiếc áo sơ mi trắng và chiếc tạp dề cô mặc”, nhà phục chế Alice Tate-Harte nói với phóng viên CNN. “Việc phục chế ngày ấy đã không tuân theo những quy tắc đạo đức như chúng ta ngày nay”.
Đội phục chế cần mẫn dọn vệ sinh. Đầu tiên là lau sạch bụi, kế là lột hết vécni. Khi mọi thứ cần lau đã được lau đi, hiện ra trước mắt mọi người là những màu sắc sống động và chi tiết đẹp đẽ của một sạp rau quả.
“Gương mặt của cô bán hàng càng được bộc lộ, chúng tôi càng nhận ra cô ấy hoàn toàn không mỉm cười. Cô ấy hoàn toàn nghiêm nghị”, Tate-Harte nói. Người phục chế ngày ấy hẳn muốn cô bán hàng trông đon đả cả với người xem. Với nụ cười được cất đi rồi, vẻ mặt cô bí ẩn, câm nín, có phần bướng bỉnh hơn, mang dáng vẻ của một phụ nữ mạnh mẽ hơn, bớt thụ động hơn so với bản chưa được phục chế.
Các chuyên gia dùng kỹ thuật chụp ảnh hồng ngoại không xâm lấn để xem xét kỹ tác phẩm này. “Đó là lúc ta có thể thấy được niên đại của tranh, những vết nứt, những vết xước quen thuộc vẫn gặp trong những bức tranh Hà Lan thời kỳ đầu…”.
Sau hai năm phục chế, khi bức tranh đã trở lại tình trạng gốc của mình, các chuyên gia đã có thể nhận ra sự tương đồng của tranh với bút pháp của danh họa Phổ Joachim Beuckelaer (khoảng những năm 1535 đến 1575), nếu không muốn nói đây chính là tranh ông vẽ.
Họ xác định tranh phải được vẽ vào cuối thế kỷ 16, trùng với quãng thời gian sung sức nhất của Beuckelaer. Beuckelaer khi ấy nổi danh với những bức tranh vẽ cảnh chợ búa và nhà bếp đầy ắp thực phẩm, sản vật. Theo Hội Di sản Anh, bức tranh gốc bộc lộ nhiều màu sắc khác nhau của nhiều loại rau củ quả nay chỉ còn là di sản, hiện đã biến mất hoàn toàn, không ai trồng.
Một chi tiết cuối cùng và hơi khó xử: các chuyên gia còn nhận thấy vào cuối thế kỷ 18 hay đầu 19, ai đó đã đính thêm vào tranh gốc một dải toan vẽ một ngọn tháp và mảng trời, hẳn là để bức tranh tăng khổ cho vừa với một cái khung vuông.
Alice Tate-Harte nói với phóng viên CNN đây vốn là một cách làm phổ biến thời xưa, trước khi có các kỹ thuật bảo tồn nghiêm chỉnh. Tuy nhiên cô phải công nhận rằng “Làm thế thì có hơi điên. Sao không tìm một cái khung cho vừa với tranh?”. Sau khi tham vấn ý kiến chủ nhân của bức tranh, các nhà bảo tồn quyết định gỡ đi dải toan này.