Đúng nửa thế kỷ sau khi bị hủy hoại gần như hoàn toàn vì trận lũ kinh hoàng tràn vào thành phố Florence (Ý), một kiệt tác hội họa thời Phục hưng đã được phục chế và bàn giao lại cho nơi từng sở hữu bức tranh này – thánh đường Santa Croce Basilica – trong tình trạng như chưa từng trải qua tai ương. Đây có thể coi là một kỳ tích của các chuyên gia phục chế người Ý.
Ngày 4-11-1966, sau những trận mưa như thác đổ xuống vùng Tuscany, dẫn tới một trận lũ lịch sử đã quét qua Florence, đã khiến hơn 7.000 hécta diện tích thành phố chìm ngập trong nước lũ, mang theo hơn 600.000 tấn bùn đất và các thứ phế thải. Nước lũ dâng cao đến gần 7m ở những vùng trũng của Florence, trong đó có khu vực thánh đường Santa Croce.
Bên trong thánh đường và bảo tàng trực thuộc, nước lũ ngập khoảng 2,5m, phá hủy hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật vô giá. Thánh đường Santa Croce trở thành một điển hình của sự tàn phá này, khi mà nước lũ và bùn tràn ngập các cấu kiện kiến trúc đã ngàn năm tuổi, hủy hoại nhiều kiệt tác hội họa có tuổi thọ nhiều thế kỷ, trong đó có tác phẩm hoành tráng Bữa tiệc ly của nhà danh họa Giorgio Vasari.
Giorgio Vasari (sinh năm 1511, từ trần năm 1574) không chỉ là một họa sĩ tên tuổi thời Phục hưng tại Ý mà còn là nhà kiến trúc, nhà văn, sử gia nghệ thuật, đồng thời được coi là một trong những nhà viết tiểu sử nghệ sĩ đầu tiên với tác phẩm Các họa sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư xuất sắc nhất. Bức Bữa tiệc ly được Vasari sáng tác năm 1546 cho nhà ăn của tu viện Murate, nơi các nữ tu sĩ của dòng Benedic thờ phụng Chúa.
Sau đó bức tranh khổ lớn này được đưa tới tu viện San Marco và đến năm 1815 thì chuyển đến thánh đường Santa Croce, nơi nó gặp tai họa vào năm 1966. Bữa tiệc ly có kích thước 2,5m x 6,4m, được ghép từ năm tấm gỗ và 20 thanh gỗ cây dương (poplar) dày nên rất chắc chắn dù to và nặng.
Như nhiều bức tranh cùng chủ đề (nổi tiếng nhất là bức Bữa tiệc ly của Leonardo da Vinci, hiện được trưng bày tại thánh đường Santa Maria delle Grazie ở Milan), tác phẩm của Vasari thể hiện Chúa Jesus và các thánh tông đồ, trong bữa ăn cuối cùng, tại đó Ngài loan báo một trong số các môn đệ của mình sẽ là kẻ phản bội và giao nộp Ngài cho quân La Mã. Tranh được vẽ với phong cách hiện thực, được coi là rất mới mẻ vào thời đó.
Bị ngâm trong nước, bùn đất, dầu nhớt và rác thải suốt hơn 12 tiếng, toàn bộ khung tranh và mặt tranh bằng gỗ của bức Bữa tiệc ly bị thấm nước, các lớp sơn dầu vẽ tranh nhão và long ra. Khi nước lũ và bùn sình rút đi, những mảng sơn dầu và thạch cao làm nền đã tụt xuống phía dưới bức tranh. Không ai tin rằng một bức tranh bị hư hại như vậy có thể được phục chế, tôn tạo lại như xưa.
Năm 2010, phòng thí nghiệm về bảo tồn hàng đầu tại Florence là Opificio delle Pietre Dure (OPD) đã nhận được khoản tài trợ trong ba năm của Quỹ Getty ở Los Angeles (Mỹ) để tiến hành nghiên cứu bảo tồn cấu trúc bức Bữa tiệc ly của Vasari. Đây là lần đầu tiên kể từ sau trận lũ lụt năm 1966, các nhà bảo tồn đối mặt với thách thức từ một công việc hết sức khó khăn. Do bị ngâm nước quá lâu, phần gỗ của bức tranh trở nên mềm và trương nở, khiến bề mặt tranh căng ra, gây nên những vết nứt, vỡ nghiêm trọng.
Phần gỗ nâng đỡ phía sau bức tranh, bảo vệ cấu trúc tranh cũng gãy vụn, khiến tranh rời thành từng mảnh. Antoine Wilmering, người phụ trách chính của chương trình phục chế Bữa tiệc ly tại Quỹ Getty cho rằng không gì tốt hơn cho bằng đào tạo các nhà bảo tồn tương lai cũng như thách thức sự hiện diện của họ qua một trong những công việc phục chế tranh khó khăn nhất.
Để tiến hành chương trình phục chế bức tranh của Vasari cần phải đào tạo các nhà bảo tồn trung và cao cấp, ngoài các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này tại OPD, còn có các thợ mộc tay nghề cao ở Florence, điển hình là Ciro Castelli. Trước khi xảy ra trận lũ lịch sử, Ciro Castelli đã được biết đến với tư cách là một thành viên trong nhóm được mệnh danh là “Các thiên thần bùn lũ”, những người đã tình nguyện đi đến bất kỳ nơi đâu ở Ý và cả thế giới để khôi phục các tác phẩm nghệ thuật, sách cũng như các hiện vật lịch sử bị hư hại bởi nước lũ và bùn đất.
Trong chương trình hồi sinh bức Bữa tiệc ly, Castelli được giao nhiệm vụ khôi phục các tấm gỗ mặt tranh và sau khi bức tranh quý hiếm được phục chế thành công, nay ông trở thành một trong những chuyên gia bảo tồn đáng kính trọng nhất thế giới.
Năm 2013, phần gỗ của bức Bữa tiệc ly đã được khôi phục hoàn toàn, và lần đầu tiên sau 47 năm bị hủy hoại năm tấm gỗ được nối liền lại. Giải pháp của nhóm chuyên gia phục chế được xây dựng trên một hệ thống nền tảng do chính Vasari phát minh, đó là cố định bức tranh trong khi cũng cho phép các tấm gỗ chuyển dịch trong điều kiện nhiệt độ phù hợp và sự dao động của độẩm.
Công việc kế tiếp là phục chế mặt tranh được sự hỗ trợ tài chính của Công ty Prada. Nhóm chuyên viên phục chế được điều hành bởi nhà bảo tồn Roberto Bellucci của OPD đã từng bước khôi phục những mảnh nhỏ của mặt tranh, qua đó khám phá các chi tiết gây kinh ngạc mà bàn tay họa sĩ đã tạo ra trên tác phẩm.
Qua quá trình xử lý mặt tranh hết sức cẩn trọng và với tay nghề cao, các chuyên viên bảo tồn của OPD đã hồi sinh tác phẩm Bữa tiệc ly mà gần như không cho thấy các dấu hiệu của công việc phục chế, trả lại cho bức tranh tình trạng tuyệt hảo như chưa từng bị hủy hoại bởi lũ lụt. Và để tránh cho bức tranh vô giá chịu cảnh tang thương lần nữa, một hệ thống an toàn được thiết kế: trong trường hợp lại có mưa lớn, tranh sẽ được đưa lên cao trên mức nước lũ có thể dâng lên.
Ngày 4-11-2016, kỷ niệm nửa thế kỷ ngày xảy ra thảm họa lũ lụt ở Florence, cũng là ngày thánh đường Santa Croce chào đón sự trở lại của bức Bữa tiệc ly. Tổng thống nước Cộng hòa Ý Sergio Mattarella đã có mặt dịp này cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Khách hành hương đến với Santa Croce giờ đây lại được chiêm ngưỡng một kiệt tác của thánh đường, thưởng ngoạn một trong những bức tranh quan trọng nhất của Giorgio Vasari.