Từ bức Mona Lisa (1503) của Leonardo da Vinci cho tới bức Adam và Eve (1507) của Albrecht Dürer, nhiều kiệt tác nổi tiếng nhất thế giới được vẽ bằng sơn dầu hay khắc trên gỗ. Thế nhưng chỉ có một nhóm rất ít các chuyên gia được đào tạo đặc biệt, có đủ trình độ để bảo tồn và phục chế các tác phẩm hội họa quý giá đã có tuổi nhiều thế kỷ như nêu trên.
Vào cuối những năm 2000, chỉ còn vẻn vẹn 10 chuyên gia như thế trên toàn thế giới, thế mà con số đã quá khiêm tốn ấy sẽ ngày càng nhỏ lại, bởi vài người trong số đó đang tới tuổi nghỉ hưu trong khi chỉ có tối đa hai chuyên viên bảo tồn tranh còn trẻ ở khắp nước Mỹ và châu Âu, những nơi có rất nhiều bảo tàng vốn lưu giữ với số lượng lớn tác phẩm của nhiều danh họa sống cách chúng ta vài thế kỷ. Con số đáng báo động này được đưa ra trong một cuộc khảo sát được Bảo tàng quốc gia Kunst ở Copenhagen (Đan Mạch) tiến hành từ năm 2008 với sự tài trợ kinh phí của Quỹ Getty ở New York.
Từ cuộc khảo sát với các số liệu giật mình đó, Quỹ Getty cùng với Viện Bảo tồn Getty và Bảo tàng Mỹ thuật Getty đã tổ chức một cuộc gặp gỡ với một nhóm cố vấn tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở New York vào tháng 2-2008 nhằm tìm ra giải pháp thích hợp.
Bà Antoine Wilmering, viên chức cấp cao của Quỹ Getty cho biết, từ cuộc gặp gỡ này “các nhà bảo tồn tranh bắt đầu thỏa thuận họ sẽ dành nhiều thời gian của mình để đào tạo một thế hệ trẻ hơn kế thừa công việc của họ”. Cuộc gặp gỡ cũng đánh dấu sự ra đời của một chương trình của Quỹ Getty được gọi tắt là PPI (Panel Paintings Initiative) nhằm khuyến khích các chuyên viên trẻ tuổi tham dự khóa đào tạo đặc biệt về bảo tồn và phục chế các kiệt tác hội họa của nhân loại.
Theo bà Wilmering, chương trình PPI đã tuyển chọn được 20 ứng viên hứa hẹn, trong số đó có 12 người mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo tồn tranh, sáu người đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này và hai người là chuyên viên bảo tồn cấp cao tuy nhiên lại rất ít được đào tạo bổ sung kiến thức chuyên môn mà chỉ tự mình tìm hiểu thêm.
Với chương trình PPI, các ứng viên được đào tạo rất sâu về bảo tồn tranh vẽ trên gỗ. Họ phải có kỹ năng về phẫu thuật gỗ để có thể đảm bảo công việc bảo tồn tranh vẽ trên gỗ, tuy nhiên theo chuyên gia kỳ cựu George Bisacca của Bảo tàng Metropolitan thì “khoa học về chất liệu gỗ, về xử lý cấu trúc của gỗ và những kỹ năng làm việc với gỗ ở trình độ cao vẫn chưa đủ” để có thể bảo tồn và phục chế các tác phẩm như Mona Lisa và Adam và Eve.
Lấy ví dụ, suốt thế kỷ XIX các nhà bảo tồn tranh được hướng dẫn bởi các thợ mộc lành nghề thế nhưng lại không đủ hiểu biết về tác phẩm nghệ thuật, do vậy khi bảo tồn các bức tranh trên gỗ họ đã có những xử lý hết sức tai hại, thậm chí sau khi phục chế có bức tranh còn bị hủy hoại! May thay những sai lầm đó nay đã được triệt tiêu.
Chính ông Bisacca và chuyên gia José de la Fuente của Bảo tàng Prado ở Madrid đã phải bỏ ra nhiều năm để sửa chữa những sai lầm của các chuyên viên bảo tồn thế kỷ XIV và trước đó nữa khi họ can thiệp vào các tác phẩm của Albrecht Dürer. Và cả hai ông là những người sẽ đảm nhận công việc đào tạo cho các chuyên gia bảo tồn thế hệ trẻ.