Không chỉ bốc mùi, gây ô nhiễm môi trường, xác cá voi trên bãi biển còn có khả năng lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh sang người. Một số quốc gia chọn đào hố chôn cá voi chết, một số khác chọn kéo chúng trở lại biển khơi. New Zealand thì khác. Nhờ vào nỗ lực của nhóm xử lý xác cá voi do Hori Parata lãnh đạo, họ giải quyết hết sức gọn gẽ và hợp vệ sinh mọi xác cá khổng lồ này, thậm chí còn biến xương của chúng thành tạo tác thủ công mỹ nghệ đẹp mắt.
Món quà của thần
Trước một con cá voi nằm chết trên bờ biển New Zealand, Hori Parata chào đón: “Mừng bạn trở về cố hương”. “Nó chỉ trở lại nơi mà nó được sinh ra thôi”, ông giải thích. Theo nghiên cứu từ các nhà sinh học, cá voi ban đầu là sinh vật 4 chân trên đất liền. Khoảng 50 triệu năm trước, chúng mới tiến hóa để trở thành động vật có vú sống trong biển. Parata là công dân New Zealand, hiện 75 tuổi. Ông không học điều này qua sách vở mà qua truyện dân gian của bộ lạc Mentawai, bộ tộc Maori, New Zealand.
Truyền thuyết của người Maori kể rằng cá voi là động vật bốn chân của đất liền nhưng lại thích những nơi ẩm ướt như đầm lầy, sông lớn. Chúng thuộc quyền quản lý của Thần rừng Tane. Thần rừng Tane có giao hảo với thần Biển Tangaroa. Vì thế, ngài muốn tặng thần Biển Tangaroa loài thú giá trị nhất của đất liền. Và cá voi đã được chọn.
Parata từng là nhân viên quản lý tài nguyên môi trường của Ngatiwai. Với ông, xác cá voi không chỉ là mớ hỗn độn bốc mùi kinh khủng mà còn là món quà từ biển cả. Trong 21 năm qua, Parata đã phát hiện và tạo cơ hội để gần 500 cá voi chết được “hồi sinh” trong nghệ thuật chạm khắc. Chúng bao gồm các loài cá voi lớn bé khác nhau chết trên bãi biển New Zealand.
Cách xử lý xác cá voi của Parata cũng học theo kinh nghiệm của người Maori cổ. Tại New Zealand, phương pháp mổ xẻ xác cá voi của người Maori đã được công nhận là hợp pháp từ năm 1998.
Cá voi cũng ghét bị… chết đuối
Từ lâu, con người đã xem cá voi như bạn bè hoặc thần thánh. Ở Iceland, người ta gọi “cá voi mắc cạn” là “hvalreki”, tức “ơn phước từ trời cao”. Iceland thường chọn kéo chúng xác cá voi trở lại biển sâu. Mỹ cũng vậy. Theo Cục Quản lý Khí hậu và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ, từ những năm 2007-2017, Mỹ đếm được 589 xác cá voi dạt vào bãi biển. Xác cá voi khi phân hủy bốc mùi cực kỳ khó chịu. Đặc biệt, vi khuẩn bám trên da chúng có thể gây hại cho người.
Mỗi năm, New Zealand có hàng trăm con cá voi và cá heo chết dạt vào bờ. Chúng có thể bị sóng biển đánh vào sau khi chết song nhiều lúc, các cư dân vùng biển còn thấy cá voi sắp chết cố bơi vào gần bờ. Bộ tộc Maori giải thích rằng đó là vì cá voi sợ… chết đuối.
“Một con cá voi bị bệnh nặng sẽ chìm xuống biển”, Parata phân tích, “Nhưng nếu một con cá voi bệnh nặng mà vẫn còn sức để bơi, nó sẽ ráng tới bãi biển, nơi nó có thể nằm ghếch đầu lên bãi cát để thở”. Vì tổ tiên của cá voi là thú bốn chân trên đất liền nên cách lý giải này cũng không phải là không hợp tình hợp lý.
Cách xử lý và tận dụng xác cá voi
Việc đầu tiên của nhóm Parata khi đến hiện trường xác cá voi là lập hồ sơ và lấy mẫu mô. Họ hợp tác với nhân viên của Cục Bảo tồn New Zealand để hoàn thành khâu này. Mỗi nhân viên đều mặc quần áo bảo hộ kín kẽ. Họ tiến hành nghi thức cầu nguyện theo chỉ đạo của Parata trước rồi mới bắt tay vào mổ xẻ. Với xác cá voi còn tươi, việc lọc da, cắt thịt tương đối dễ. Với xác cá voi đã khô hay đang thối rữa, chuyện xử lý rất khó khăn. Các nhân viên cũng phải hết sức cẩn thận với vi khuẩn ký sinh trên da cá voi. Họ có thể bị nhiễm bệnh nếu sơ ý để chúng rơi vào vết thương hở.
Để xẻ xác cá voi, nhóm Parata dùng móc kim loại khổng lồ. Chúng giúp họ lột lớp da dày và bóc tách từng thớ thịt. Một vài người sẽ được giao nhiệm vụ đào hố và chôn đống thịt cá này cùng với ruột của nó. Riêng với mỡ cá voi, họ sẽ chiên nó lên để lấy dầu.
Với bộ xương, nhóm Parata khéo léo tách rời thành từng khúc, sau đó chia ra nhiều bó, chôn dưới cát. Sau khoảng 6 tháng hoặc 1 năm, họ sẽ quay lại, đào các bó xương cá voi lên, xịt nước rửa sạch, phơi khô. Cuối cùng, họ giao chúng cho các thợ thủ công mỹ nghệ. Qua bàn tay tạo tác điệu nghệ của con người, những khúc xương thô kệch này sẽ biến thành các kiệt tác đẹp mắt bậc nhất, bán được khá nhiều tiền.
Trong lúc làm việc, Parata cũng tiếp chuyện với các cư dân, du khách tò mò. Nếu có ai đó muốn thử mổ xẻ xác cá voi, ông sẽ cho họ mượn ủng và găng tay. Việc lọc thịt, chôn xương cá voi có thể mất một hoặc vài ngày. Nhóm Parata sẽ ngủ luôn trên bãi biển để trông chừng xác cá. Nếu bạn nghĩ xác cá voi chẳng có giá trị gì thì hơi bị nhầm to rồi đấy. Răng cá voi rất được ưa chuộng. Ngay cả mớ hổ lốn trong dạ dày của nó cũng giá trị chẳng kém gì vàng. Tất nhiên, lúc còn tươi, mớ hổ lốn có tên ambergris (chất nôn của cá voi) ấy cũng tởm lợm như mọi bãi nôn khác. Nhưng nếu bạn chờ nó khô đi, một mùi hương thơm ngọt ngào như xạ hương sẽ lan tỏa khắp không gian. Vì lý do này, ambergris cực kỳ có giá trong ngành chế tạo nước hoa. Thêm vào đó, nó còn được cho là chất kích thích tình dục siêu mạnh.
- Xem thêm: Truyền thuyết về ông Nam Hải
Sau khi xử lý xong xác cá, nhóm Parata sẽ lập hóa đơn gửi Cục Bảo tồn New Zealand. Chính phủ New Zealand vui vẻ chi trả. Đằng nào thì công việc của họ cũng giúp nhà nước giải quyết dứt điểm một nỗi lo “to như con cá voi” kia mà.
Trước đây, người Maori của New Zealand thường lấy thịt cá voi chết (nếu còn tươi) làm thức ăn, vì nó giàu protein. Nhưng người ta cũng thường đau buồn bởi cái chết của chúng hơn là hoan hỉ. Nếu bạn hiếu kỳ muốn thử mùi vị của thịt cá voi chết thì xin can. Trừ khi không còn cách nào khác, an toàn thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Bạn không nên ăn bất cứ động vật nào chết ngoài tự nhiên khi không rõ chúng mất mạng vì nguyên nhân gì.
Những tạo tác tinh xảo từ xương cá voi