Tổng kết năm 2019, Sở Cảnh sát thủ đô Tokyo của Nhật Bản báo cáo có tất cả 3,9 tỷ yen tiền mặt bị đánh rơi được giao nộp. Ngoài ra, còn 4,2 triệu các đồ vật, trong đó có 770.000 thẻ nhận dạng và 153.000 chiếc điện thoại di động. Với người Nhật, nhặt được của rơi mang ngay tới trạm cảnh sát là nguyên tắc sống. Nếu có lỡ đánh mất đồ ở đây, bạn chỉ cần đoán trúng nơi làm rơi là không đời nào mất của.
Thật thà nhất hành tinh
Nhật Bản là quốc đảo châu Á có diện tích khoảng 377.972km2 và dân số khoảng 126 triệu người. Họ nổi tiếng là dân tộc chính trực nhất hành tinh, không bao giờ trộm cắp hay cố ý đút túi đồ vật nhặt được. Đầu năm 2020, Sở Cảnh sát thủ đô Tokyo (Metropolitan Police Department) lập biên bản tổng kết năm 2019. Họ báo cáo có tổng cộng 4,2 triệu đồ vật thất lạc được đem tới giao nộp tại các trạm cảnh sát, tăng 0,3% so với năm ngoái. Riêng lượng tiền mặt thì bao gồm 3,9 tỷ yen, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Đây là năm thứ 4 liên tiếp cảnh sát thủ đô Tokyo ghi nhận số tiền thất lạc cao kỷ lục.
Trong tổng số 4,2 triệu đồ vật đánh rơi, Tokyo thống kê có 770.000 thẻ nhận dạng, bằng lái xe và thẻ tín dụng; 560.000 thẻ thanh toán thông minh, thẻ đi lại và thẻ quà tặng; 491.000 mặt hàng quần áo, giày dép; 372.000 ví, túi xách; 349.000 chiếc ô và 153.000 điện thoại di động (126.000 chiếc đã được hoàn trả cho chủ sở hữu). Về 3,9 tỷ yen tiền mặt: 2,8 tỷ yen đã được trả cho người đánh mất, 540 triệu yen trao cho người nhặt và 492 triệu yen vẫn nằm trong văn phòng thất lạc thủ đô.
Tại Nhật Bản, bộ máy cảnh sát được chia thành các cấp khác nhau, nhỏ nhất là những trạm cảnh sát. Chúng có mặt trên khắp đất nước, được gọi là koban và đặc biệt dày đặc tại các khu đông người. Ở Tokyo, mật độ koban rơi vào khoảng 97 trạm/100 km2. Cư dân xứ sở Mặt trời mọc nếu nhặt được đồ vật hay tiền bạc đánh rơi chỉ việc mang đến đây, giao nộp cho nhân viên trực ban. Cảnh sát có trách nhiệm lập hồ sơ, lưu giữ và trả lại người bị mất sau khi xác định đúng chính chủ.
Theo quy định từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (National Police Agency) Nhật Bản, nếu sau 3 tháng lưu giữ tại các trạm cảnh sát mà đồ vật thất lạc vẫn chưa được người đánh mất đến tìm, tất cả sẽ chuyển về phòng đồ vật thất lạc cảnh sát quận.
Coi trọng sự trong sạch
Năm 2011, vùng Đông Bắc quốc đảo Nhật Bản bị sóng thần đi kèm động đất tàn phá nghiêm trọng. Hậu quả là 15.893 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích trên phạm vi 18 tỉnh. Hàng loạt các thị trấn biến thành biển gạch vụn. Cũng trong thảm họa thiên nhiên này, nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị nứt vỡ, rò rỉ phóng xạ. Trên 200.000 người phải sơ tán khẩn cấp.
Trong các trại lánh nạn tạm thời, người đơn thân và các hộ gia đình chia nhau từng khoảng trống nhỏ. Điện và nước bị cắt liên miên vì các nhà máy cấp phát thiệt hại nặng nề. Dù vậy, tất cả mọi người đều kiên nhẫn chịu đựng, chờ đợi khốn khó đi qua. Họ không hoảng loạn, cũng không xảy ra trộm cắp lương thực, vật dụng…
Khi nhóm nghiên cứu xã hội Mỹ cố ý thực nghiệm đánh rơi điện thoại và ví ở Tokyo (Nhật) và New York (Mỹ), họ nhận được một kết quả vô cùng bất ngờ: 88% điện thoại và 80% ví ở Tokyo được đem đến các koban, nhờ trả cho người mất. Còn ở New York thì chỉ có đúng 6% điện thoại và 10% ví “hạ cánh” ở đồn cảnh sát.
Với người Nhật Bản, trả lại đồ nhặt được là nguyên tắc đạo đức sống. Từ thuở còn thơ, trẻ em xứ hoa anh đào đã được giáo dục đức tính trung thực. Dù chỉ nhặt được một xu, các bé cũng đem ngay tới trạm cảnh sát, giao nộp cho người trực ban. Theo quy định, cảnh sát Nhật sẽ lập hồ sơ tiền thất lạc với số tiền từ 10 yên trở lên. Tuy chẳng ai lại vì lỡ rơi mất 10 yen mà đi tìm, nhưng nguyên tắc là nguyên tắc. Gốc rễ của sự trung thực hoàn hảo ở Nhật này đến từ tín ngưỡng Thần đạo và Phật giáo. Thần đạo (ShintM_ giáo) là tôn giáo bản địa của người Nhật, xuất hiện từ trước Công nguyên, đề cao sự thanh khiết tuyệt đối. Nghi thức quan trọng nhất của nó là thanh tẩy. Đối tượng bị thanh tẩy là kegare (tạp chất ô uế), bao gồm tất tần tật những thứ dơ bẩn, gây khó chịu như bụi bặm, bệnh tật…
Trước cửa đền Shinto luôn có bồn nước bằng đá sạch sẽ. Các tín đồ phải rửa tay, súc miệng cẩn thận rồi mới được phép bước qua cổng vào đền. Từ trong đền cho đến mọi ngóc ngách sân vườn đều được lau dọn, quét tước sạch bóng. Người trông coi đền Thần đạo cẩn thận đến mức lau sạch tinh các khe, góc, không để sót một hạt bụi.
Phật giáo đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ XII-XIII. Tuy nó khác Thần đạo, nhưng lại giống ở khoản đề cao sự tinh khiết. Người Nhật lớn lên trong ý thức đạo đức khắt khe, hình thành thói quen giữ tâm và cơ thể sạch sẽ. Họ không tham của người và rất hiếm các trường hợp trộm cắp. Chỉ có ở Nhật, nông dân không cần tốn công đứng bán nông phẩm. Họ chỉ việc đặt hàng hóa, cân ký, bảng giá và hộp tiền bên vệ đường. Người mua tự cân, tự trả. Các máy bán hàng tự động thì được đặt khắp chốn, cả tại nơi vắng vẻ lẫn khu đông người.
Nhưng hay “nhận vơ” ô
Bên cạnh nguyên tắc đạo đức, người Nhật còn không đút túi của rơi vì thái độ nhân văn. Phương Đông vốn đề cao tinh thần “thương người như thể thương thân”. Dân tộc Nhật Bản vất vả vì thiên tai càng quan tâm đến người khác, tuyệt nhiên không tham lam vì chắc mẩm kẻ đánh rơi cần chúng hơn mình.
Có điều chính trong cộng đồng sống ngay thẳng tuyệt đối này, mọi người lại ngầm cho phép nhận vơ ô. Trong các trạm cảnh sát và phòng đồ vật thất lạc trên khắp nước Nhật, nhân viên trực hết sức qua quýt trong việc xác nhận chủ của chiếc ô bị bỏ quên. “Nếu lỡ mắc mưa mà không có dù lẫn quên mang theo tiền, tôi sẽ ghé koban gần nhất nhận đại một chiếc nào đó dùng đỡ”, một cư dân ở Tokyo thừa nhận. Có đến 81% ô thất lạc ở Nhật Bản bị người lạ “nhận vơ” như thế này.
Tuy nhiên xin đừng vội cười! Đằng sau chuyện “mắt nhắm mắt mở” cho nhận nhầm ô này là bài học cuộc sống cực kỳ quý giá. Trong nước Nhật lắm mưa, nhiều nắng, có tuyết rơi, chiếc ô là vật dụng hàng ngày phổ biến. Người Nhật cũng hay để quên, đánh rơi ô như bất cứ món đồ thường mang bên người nào. Vì thế mà năm 2019, các trạm cảnh sát trên khắp Tokyo mới nhận được hẳn 349.000 chiếc dù lạc chủ. Năm 2018, họ cũng có tới 338.000 cái ô thất lạc. Koban và phòng nhận-trả đồ đạc thất lạc nào cũng chất đầy ô. Họ đặc biệt có nhiều ô vải mưa màu trong, loại được bán trong các tạp hóa với giá chỉ 500 yên/chiếc (khoảng 100.000 VNĐ).
Thường thì, chẳng ai lại đi đánh dấu chiếc ô rẻ bèo để lỡ mất còn biết đường nhận diện. Cảnh sát Nhật Bản không thể xác nhận chủ nhân thật sự của chúng. Nếu họ quá khắt khe, các phòng chứa đồ thất lạc sẽ chật đầy ô. Chúng tự mục nát và trở thành rác. Người Nhật vốn tính tiết kiệm, cực căm ghét sự lãng phí. So với việc để mặc đống ô thất lạc thành rác, cho phép người khác nhận nhầm lợi cả đôi đường. Chính vì thế, họ mới ngầm đồng thuận “đã là ô đánh rơi thì ai nhận về cũng được”.